Nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề: Vì sao nhiều ý kiến phản đối?

12/01/2019 08:07 GMT+7

Việc cấp chứng chỉ hành nghề sư phạm được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng với VN thì đề xuất này lại vấp phải nhiều ý kiến phản ứng, phần nhiều do nghi ngờ tính minh bạch của quá trình cấp chứng chỉ này.

Sau khi Thanh Niên đăng tải ý kiến của một số chuyên gia góp ý sửa luật Giáo dục về nội dung nhà giáo, đề nghị nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất này.

Lo phát sinh tiêu cực “mua” chứng chỉ

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều giáo viên (GV) đang công tác ở các trường phổ thông công lập tỏ ra ngạc nhiên và đặt câu hỏi tại sao lại phải có chứng chỉ hành nghề sư phạm. Bà Vũ Hoàng Ly, GV Trường tiểu học Quang Trung (Q.Đống Đa, Hà Nội), băn khoăn: “Chúng tôi đã có bằng sư phạm, dạy học bao nhiêu năm nay, được quản lý cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Tại sao lại cần phải có chứng chỉ nghề nghiệp? Điều tôi lo ngại nhất là cứ thêm yêu cầu về chứng chỉ, bằng cấp thì lại phát sinh tiêu cực”.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu phó Trường THPT Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM), lo ngại có khi chứng chỉ hành nghề lại trở thành một loại “giấy phép con” trong ngành sư phạm. Bà Trúc nói rằng chứng chỉ hành nghề chỉ là làm thêm giấy tờ mà thôi, vì một GV đi dạy phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, giáo sinh có hơn 3 tháng thực tập trên đối tượng giảng dạy (nếu thấy chưa đủ thì đề nghị bộ bổ sung thành 1 năm), giáo sinh qua tuyển dụng (thi tuyển), phân công về trường lại thêm 1 năm tập sự. Như thế là đủ thời gian để GV có thể dạy học. Còn nếu GV vi phạm quy chế chuyên môn, căn cứ luật Giáo dục để xử lý, chứ đừng “đẻ” ra các loại giấy tờ thủ tục phiền hà, tạo điều kiện cho tiêu cực…
Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Huy, GV Trường THPT Hai Bà Trưng (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết nếu xét cho kỹ thì tỷ lệ GV vi phạm rất nhỏ so với mấy triệu GV, không nên vì một số GV đó mà quy ra nhiều GV khác cũng như thế để rồi phải đưa ra cơ chế sàng lọc bằng cách thêm chứng chỉ hành nghề. Việc làm này có thể vừa gây bức xúc cho GV vừa gây tốn kém cho xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho cơ chế tham nhũng phát sinh và những vấn đề tiêu cực khác. “Khi GV vi phạm, người sử dụng lao động có quyền kỷ luật họ và thậm chí buộc thôi việc. Tức là tước đi “chứng chỉ hành nghề” rồi. Vậy thì cần gì phải có chứng chỉ hành nghề nữa?”, ông Huy đặt vấn đề.

Cách tốt để kiểm soát chất lượng đầu ra

Ở góc nhìn khác, chị Phạm Minh Hoài, một sinh viên mới tốt nghiệp loại giỏi của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, lại cho rằng: “Nếu được một tổ chức đáng tin cậy nào đó cấp chứng chỉ nghề nghiệp thì cũng là điều đáng mừng vì có chứng chỉ ấy, cử nhân sư phạm sẽ có nhiều cơ hội làm việc hơn mà không nhất thiết phải lo chạy chọt xin việc vào hệ thống trường học cụ thể nào”.
Kiểm soát chặt quá trình thực tập để đánh giá năng lực nghề nghiệp
TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất: Với điều kiện ở VN, nếu chưa thực hiện được việc cấp chứng chỉ hành nghề như mong muốn thì vẫn rất cần có cách nào đó để kiểm tra, đánh giá định kỳ về đạo đức, năng lực hành nghề của nhà giáo, tránh tình trạng vào được “biên chế” là yên vị. Bằng tốt nghiệp chỉ là chứng chỉ đào tạo, còn chứng chỉ hành nghề lại là việc khác. Trước khi sinh viên sư phạm ra trường thì nên dùng một năm thực tập của sinh viên để đánh giá về đạo đức và tay nghề. Ai chưa đạt yêu cầu phải kéo dài thêm thời gian đào tạo, thực tập thì mới cấp bằng đào tạo, để bằng này thể hiện được cả hai chức năng là đánh giá quá trình học tập cũng như thử thách trong một thời gian hành nghề nhất định. 
Tuyết Mai
Một chuyên gia giáo dục cho rằng ở nhiều nước trên thế giới, việc thi chứng chỉ hành nghề là cách tốt để kiểm soát chất lượng đầu ra cho mỗi ngành nghề. Trong tương lai, khi trường đại học “mọc” lên như nấm, chất lượng không đồng đều thì việc này là cần thiết. Nhờ vậy, giải quyết được câu chuyện có nhất thiết phải học sư phạm để trở thành GV không.
Tuy nhiên, vì sao việc thi chứng chỉ hành nghề ở nước ngoài được mặc nhiên thừa nhận thì ở nước ta khi có đề xuất này lại gặp nhiều phản ứng như vậy?
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, nêu quan điểm: Trước hết, phải định nghĩa được hành nghề giảng dạy thế nào thì mới có thể bàn tới chuyện cấp chứng chỉ hành nghề. Ví dụ chứng chỉ hành nghề luật sư được cấp cho những người làm nghề tự do chứ không phải viên chức, công chức. Muốn cho GV hoạt động theo nghề là đúng, nhưng phải có điều kiện để hoạt động. Tiêu chuẩn chuyên môn có thể ổn định nhưng năng lực hành nghề có thể thay đổi theo chu kỳ, ứng với yêu cầu đổi mới về giáo dục của mỗi quốc gia. Do vậy, cứ 3 - 5 năm phải thi để cấp chứng chỉ hành nghề một lần. GV luôn phải cập nhật, đổi mới và được đánh giá về khả năng thích ứng.

Đơn vị nào cấp chứng chỉ hành nghề ?

Vấn đề được nhiều GV đặt ra là đơn vị nào sẽ cấp chứng chỉ hành nghề. Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho rằng giáo dục là một ngành hết sức đặc thù khác rất nhiều các ngành nghề khác. Chứng chỉ hành nghề là một việc cần thiết vì sẽ tăng cường chất lượng đội ngũ GV. Tuy nhiên, có các vấn đề băn khoăn: Phải xây dựng được bộ tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể để sao cho phù hợp ngành nghề, phù hợp quá trình đào tạo của trường sư phạm chứ không phải là làm khó hay “bày” thêm thủ tục để “hành”. Quy trình và phân cấp tổ chức cấp chứng chỉ, công tác cấp chứng chỉ phải công khai, giám sát chặt chẽ của người dân vì đây là khâu dễ phát sinh tiêu cực nhất như “xin - cho”, “mua - bán”… Người có chứng chỉ hành nghề có thể “tự do” xin việc hay lại thông qua hội đồng thi tuyển GV? Việc cấp chứng chỉ hành nghề phải gắn liền với công tác giao quyền tự chủ cho thủ trưởng đơn vị thì mới phát huy chất lượng giáo dục.
Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, đồng thời là Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho rằng việc đặt ra vấn đề nhà giáo không chỉ có bằng cấp mà còn có cả đạo đức nghề nghiệp, có kỹ năng thực sự là cần thiết, nhưng cơ quan nào cấp chứng nhận hành nghề ấy, có đáng tin cậy hay không là việc rất quan trọng. Do vậy, nếu đưa thành quy định trong luật thì phải giải quyết rất nhiều vấn đề kỹ thuật có liên quan để có thể thực hiện được. “Nếu không sẽ không tránh khỏi việc “đẻ” ra một loại giấy phép con và chạy chọt, “mua, bán” chứng chỉ hành nghề”, ông Lâm khuyến cáo.
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng ở nước ta nghề giáo cũng có 18 tháng tập sự nhưng gần như 100% là cho qua vì tính hành nghề của ta thấp. Như vậy, cơ sở pháp lý có rồi nhưng không được làm chặt chẽ và đúng mục tiêu. Phải có sự chọn lọc trong quá trình tập sự. “Sư phạm là một nghề rất đặc thù vì có thể kiến thức rất tốt nhưng không phải ai cũng có kỹ năng truyền đạt, giảng dạy nên người ta phân biệt giữa nghề và nhà sư phạm là vì thế”, bà Thơ nói.
Theo PGS Chu Cẩm Thơ, ở các nước đa số đi theo mô hình nối tiếp. Nghĩa là học một trường đại học khoa học, sau đó những người đạt đủ tiêu chuẩn và có nguyện vọng thì mới tiếp tục được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, chứ không đào tạo song song như ở nước ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.