Nhà giáo Hoàng Quý: Người đi bộ miệt mài cùng đất nước

17/03/2009 22:22 GMT+7

Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, nghe tin nhà toán học Lê Văn Thiêm từ Pháp về nước, có ba anh em họ Hoàng xứ Quảng, con cháu cụ Hoàng Diệu, từ Liên khu 5 đi bộ vượt Trường Sơn tìm ra Việt Bắc để học thầy.

Hoàng Quý đi trước, vài năm sau thì Hoàng Tụy và Hoàng Chúng cũng lên đường. Họ gặp được thầy Thiêm từng ngưỡng mộ tại Khu học xá Nam Ninh, ở một trường sơ tán trên đất Trung Quốc, có tên là "Dục tài học hiệu" (Ngôi trường đào tạo nhân tài). 

Nhà giáo dục Hoàng Quý là một trong những nhân tài được đào tạo từ đó. Ông sinh năm 1926, và vừa qua đời tại TP.HCM ngày 14.3.2009.

Đúng như lớp trí thức ở thế hệ ông, và cũng đúng truyền thống gia đình, ông là người hiếu học đến mê say, có ý chí và sức tự học rất lớn, tài năng mà khiêm nhường, suốt đời tận tụy phục vụ đất nước, ở lĩnh vực nào cũng có đóng góp lặng lẽ mà xuất sắc. Từ trường Sư phạm Nam Ninh, cuối năm 1953 Hoàng Quý lại đi bộ về Việt Bắc, rồi đi bộ suốt hơn 3 tháng ròng trở về Liên khu 5, dạy toán, vật lý ở trường Lê Khiết. Các học sinh thời ấy đều còn nhớ thầy Hoàng Quý dạy lý thật hay, còn đồng thời là một nghệ sĩ vĩ cầm tài hoa. 

Sau hiệp định Geneva 1954, nhà giáo Hoàng Quý lại được huy động vào một việc đột xuất: do thạo tiếng Pháp, ông thành sĩ quan trong phái đoàn Liên hiệp đình chiến, làm việc với phía Pháp và Ủy ban quốc tế gồm Ấn Độ, Canada và Ba Lan. Và do tự học, ông lại là người duy nhất ở Liên khu 5 bấy giờ biết tiếng Nga để có thể tiếp một chiếc tàu Liên Xô đầu tiên đến cảng Quy Nhơn.

Năm 1956 và 1957, được Bộ Giáo dục triệu tập về Hà Nội, cũng do thạo tiếng Nga tự học tài liệu Liên Xô khi ấy là nguồn tham khảo quan trọng, ông đã có đóng góp lớn trong việc soạn thảo chương trình và sách giáo khoa cải cách giáo dục đầu tiên.    Năm 1958 Hoàng Quý về Đại học Sư phạm, phụ trách phân khoa Vật lý, bắt tay xây dựng ngành vật lý sư phạm đầu tiên của nước nhà; và cuối năm 1959 trực tiếp làm chủ nhiệm khoa Vật lý Đại học Sư phạm Vinh.

Sau đó, ông vừa tham gia Ban giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, vừa viết sách giáo khoa về vật lý cho trường phổ thông và đại học, chuyên trách phần cơ học. Năm 1973 lại viết sách giáo khoa vật lý cho các trường trong vùng giải phóng miền Nam, sách được in tại Trung Quốc và chuyển về vùng giải phóng. Sau năm 1975, mười triệu bản sách đó đã được tái bản, vẫn giữ nguyên giá trị. Năm 1977 ông sang Liên Xô thực hiện kế hoạch hợp tác xây dựng giáo trình dạy tiếng Nga cho học sinh Việt Nam. 

Bước vào nghề như một nhà giáo trung học cơ sở ở Liên khu 5 giữa chiến tranh, Hoàng Quý đã tự học để tiến lên thành một nhà giáo và nhà quản lý xuất sắc ở bậc đại học. Với niềm ham mê học tập bất tận và sự tự học suốt đời, ngoài việc viết ra những sách tham khảo chuyên môn về vật lý phổ thông, Hoàng Quý còn viết cả sách toán và cùng chuyển sang nghiên cứu về hình học fractal với người em là nhà giáo Hoàng Chúng.   

Một đời tâm huyết với giáo dục, lao động âm thầm và không mệt mỏi, làm mọi việc dân tộc và đất nước cần và yêu cầu mình làm, suốt đời cống hiến mà không một đòi hỏi, những năm đời hoạt động của Hoàng Quý là những năm gian khổ bậc nhất của dân tộc, thành thử cả một đời Hoàng Quý là một đời "đi bộ" với nhân dân. 

         Phạm Duy Hiển - Phạm Toàn - Nguyên Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.