Nhận phong bì ngày nhà giáo

15/11/2018 16:49 GMT+7

Ba triệu! Thầy đoán số tiền mà em để trong phong bì chắc nhiều hơn lương tháng của một người bạn em, tương đương với một chuyên đề mà thầy dạy các em trong vài tuần.

Trò yêu quý!

Thầy xin lỗi vì để trò phải chờ hơn một giờ đồng hồ chỉ để tặng quà thầy 20.11. Nếu biết em đến chỉ để tặng quà, chắc thầy sẽ nói dối hôm nay thầy bận công chuyện, thầy không ở Sài Gòn. Sáng em gọi, thầy lại nghĩ em cần thầy ký vào bản đề cương luận văn mà em nhờ thầy hướng dẫn nên thầy đã trả lời thầy làm việc ở trường đến 11 giờ. Hơn 11 giờ em gọi báo, thầy chờ em một chút nữa nha, em kẹt xe, chắc khoảng sau 11:30 em sẽ tới. 11:30 thầy đi dùng cơm với ấy anh bạn nhân ngày lễ thầy cô giáo.

Em đưa một túi quà cho thầy, bên trong là một bịch nho, kèm theo cái phong bì em để trong túi mà khi nhận từ em, thầy cứ nghĩ đó là thiệp chúc mừng . Chiều  về đến nhà thầy mới mở “thiệp chúc mừng”. Nhưng không phải như thầy nghĩ, đó là tiền. Không rõ bao nhiêu, thầy không đếm. Gấp phong bì lại, để hôm sau gặp, thầy sẽ chuyển lại em.

Lớp các em chưa tới hai mươi học viên, thầy đã để các em tự giới thiệu về mình trong buổi học đầu tiên. Có em vừa tốt nghiệp đại học hồi tháng 6 thì  tháng 7 làm hồ sơ thi cao và bắt đầu học từ tháng 10. Các em  làm đủ việc để sống, để nuôi chí làm thầy. Có em vừa dạy vừa đi học, biết vậy nên nhà trường chỉ tổ chức cho các em học vào các ngày cuối tuần. Thầy còn nhớ một bạn trong lớp đã trả lời thầy về thu nhập hàng tháng của bạn. Câu trả lời hôm đó cả lớp mình đều nghe rõ “Thưa thầy, em được hơn 3 triệu ạ”.

Ba triệu! Thầy đoán số tiền mà em để trong phong bì chắc nhiều hơn lương tháng của bạn, tương đương với một chuyên đề mà thầy dạy các em trong vài tuần.

Bữa trước, khi lên lớp cho các thầy cô giáo, một  học viên hỏi thầy về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên ở Mỹ, thầy đã kể lại câu chuyện mà thầy được nghe từ một chị bạn chuyên nghiên cứu về giáo dục Mỹ. Ở đó, giáo viên nhận một bó hoa từ học trò trong thời gian học trò còn đang học họ – đó là một hành vi bị cấm. Cô bạn giải thích  vì người Mỹ đã ngăn ngừa việc làm sai lệch kết quả giáo dục của giáo viên – đây là một trong những điều thầy cô không được làm. Trong lớp học hôm đó, nhiều phản ứng khác nhau, người ngạc nhiên, người cười nghi kị.

Em đã là giáo viên. Thầy tin 20.11 này em sẽ nhận được nhiều bó hoa tươi thắm từ học trò.

Thầy còn nhớ, khi con thầy còn bé, ngày 20.11 hàng năm, thầy cùng con đi sớm hơn mọi ngày, ghé quầy bán hoa, hai cha con mamg hoa đến trường tặng cô. Các con thầy đã ôm bó hoa vù chạy vào lớp, quên cả chào ba như maọi ngày, để được tận tay tặng cô, còn cô giáo thì đón nhận bó hoa nhỏ với cảm giác hạnh phúc khó tả. Cái thời đó, cả xã hội đều khó, thầy cô giáo cũng khó như mọi người. Không như bây giờ, dù nhà nước đã cố gắng rất nhiều trong việc trả lương và phụ cấp cho thầy cô giáo, nhưng phải nới thật,  giáo viên mới ra trường hôm nay, nhận các khoản từ nhà nước gần bằng nửa thu nhập người giúp việc cho các gia đình giàu có! Một giảng viên nơi thầy đang làm việc, ấp ủ bao khát vọng, có cả những bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trên thế giới, phải làm thêm cho hãng xe công nghệ  để đủ sống!


Đồng tiền với bất cứ ai cũng cần quý trọng. Thầy cô giáo, những người gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hôm nay càng quý trọng đồng tiền từ mà họ nhận được từ lao động dạy học. Nhưng chẳng ai cả trong số thầy cô muốn nhận quà từ học trò vì lí do thầy cô gặp khó khăn trong cuộc sống, vì đồng lương eo hẹp! Hơn nữa, thầy hiểu rằng món quà em tặng thầy hôm nay, có thể là em đã phải dành dụm cả năm. Có thể là món tiền em phải dạy thêm mỗi ngày.

Thầy muốn gửi lại em không phải là vì thầy không quí trọng đồng tiền, nhất là đồng tiền ấy được làm ra từ lao động chân chính của em. Thầy biết, em sẽ thông cảm cho thầy, và nếu vào địa vị em, em cũng sẽ chuyển lại người tặng? Thầy sẽ nhận từ em lời chúc mừng, sự kính trọng mà em dành cho thầy cô – món quà vô giá mà thầy cô nào cũng muốn nhận hàng ngày, không phải chỉ duy nhất một ngày lễ dành cho thầy cô giáo.

Vì sao chúng ta chọn nghề dạy học dù hoàn cảnh khó khăn? Thầy nhớ đến câu nói của Nelson Mandela – Tổng thống Nước cộng hòa Nam Phi ghi trên cổng trường ĐH Nam Phi "Giáo dục là thứ vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới" (Education is the most powerful weapon that you can use to change the world). Với thầy, câu nói của ông là câu trả lời, chúng ta đang muốn thay đổi các thế hệ trẻ Việt Nam.

Chúc em đón những ngày hạnh phúc từ học trò. Chúc em thành công trong nghề dạy học. Các học trò sẽ yêu quý  em như em yêu quí các thầy cô giáo của em vậy!

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.