Ngày 29.6, Trường ĐH Gia Định đã tổ chức hội thảo 'Kết nối doanh nghiệp trong đào tạo ĐH'. Tại đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng các trường ĐH cần trang bị kỹ năng, thái độ làm việc cho sinh viên. Vì đây là một trong những điểm yếu mà sinh viên hiện nay mắc phải khi đến thực tập, làm việc tại các doanh nghiệp.
Ngồi ngửa rung đùi khi xin việc
tin liên quan
'Ứng viên nên trả lời dứt khoát những câu hỏi nhà tuyển dụng đặt ra'Bà Nguyễn Quang Thụy Cao Khoa, Giám đốc Công ty Cao Khia, cho biết sinh viên về công ty thực tập hoặc sinh viên mới ra trường về làm việc rất năng nổ. Tuy nhiên, kỹ năng giao tiếp còn kém. Nhiều bạn luôn nói "yes", "no" với sếp, trong khi những người chuyên về ngoại ngữ không nói vậy. Nhiều sinh viên lại chuyên nhá máy điện thoại. Bà Khoa cho biết lúc này bà rất lo, nghĩ rằng có chuyện gì xảy ra, khi gọi lại thì sinh viên nói "cô ơi, máy em hết tiền"!.
Bà Khoa cũng cho biết nhiều bạn trẻ đến xin việc, nhận việc lại "ngồi ngửa rung đùi" rất phản cảm. Những sinh viên kiểu này rất thiếu trách nhiệm với công ty, thiếu ý thức kỷ luật.
Ông Đỗ Võ Thắng, Giám đốc Athena Group, cũng thẳng thắn cho rằng nhiều sinh viên hiện nay tự tin kiểu "ảo tưởng sức mạnh" chứ không phải tự tin vì mình làm được việc. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết ông không trách thái độ làm việc của sinh viên mới ra trường không tốt. Các bạn còn trẻ và có thể doanh nghiệp chưa đủ sức hút. Thay vì vậy, doanh nghiệp cần có cách lọc nhân viên ngay từ đầu bằng cách để bạn trẻ hiểu được mô hình công ty có phù hợp với họ để họ gắn bó không.
Doanh nghiệp muốn đến trường chia sẻ, nhưng...
Trong hội thảo, ông Lưu Đức Tiến, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho biết có nhiều trường ĐH, CĐ cho biết rất muốn nâng cao kiến thức thực hành cho sinh viên bằng cách mời doanh nghiệp về giảng dạy. Tuy nhiên, những quy định hiện nay về bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm khiến doanh nghiệp khó tham gia giảng dạy.
|
Nói về việc này, ông Hà Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, cho biết thời điểm ông làm ở một trường ĐH khối công an, có một kinh nghiệm rất hay là trường thường mời các cán bộ thanh tra, viện kiểm sát... về báo cáo thực tế. Vì sinh viên ngành này ra trường cần phải có kiến thức để làm việc.
Hiện nay quy định của Bộ GD-ĐT là giảng viên phải có trình độ thạc sĩ trở lên, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Quy định này không thể vi phạm được. Nhưng các trường có thể mời doanh nghiệp về đứng lớp ở các buổi báo cáo thực tế. Mục đích cuối cùng là truyền tải thông tin thực tiễn cần thiết đến sinh viên thì làm cách nào không vi phạm quy định mà đảm bảo mục đích là được. Điều này rất cần thực hiện vì trước đây các trường chỉ quan tâm đến việc đào tạo thứ mình có. Trong khi phải quan tâm đến việc "bán" sản phẩm đào tạo của mình theo nhu cầu của xã hội.
Trong hội thảo, nhiều doanh nghiệp còn đề nghị trường ĐH để sinh viên đi kiến tập, thực tập ngay từ năm 1, năm 2. Vì như vậy mới đủ thời gian doanh nghiệp và sinh viên "hiểu" về nhau, từ đó làm việc với nhau tốt hơn. Cũng cần giải thích đặc thù công việc của doanh nghiệp trước khi kiến tập, thực tập để sinh viên nắm rõ.
Bình luận (0)