Nhìn từ điểm trúng tuyển các trường sư phạm

Giáo dục, vì tính chất quán tính đặc biệt của nó, ảnh hưởng đến tương lai lâu dài hơn, bền bỉ hơn nhiều ngành nghề khác, nên đầu vào các ngành sư phạm luôn nhận được sự quan tâm của xã hội vào mỗi mùa tuyển sinh.

Ảnh hưởng nhiều đến thế hệ mai sau
Mấy ngày nay, báo chí phản ánh tình trạng tuyển sinh của các trường đại học. Có nhiều ý kiến nêu điểm tuyển thấp của ngành sư phạm, tình trạng người trúng tuyển đến nộp phiếu điểm tại các trường sư phạm như là một “sự xuống hạng” của ngành này.
Mong muốn của xã hội về những người thầy giỏi là một mong muốn chính đáng. Nếu như từng thí sinh, từng gia đình cũng quan tâm đến giáo dục, hướng con em học giỏi của gia đình vào các trường sư phạm để chúng ta có những thế hệ thầy cô giáo giỏi, yêu nghề, tận tâm vì các thế hệ học trò, các thầy cô giáo sống và làm nghề được, chắc hẳn không còn nỗi lo tuyển sinh các ngành sư phạm.
Tỷ lệ học sinh học đầu cấp của nhiều tỉnh thành đã ở mức 70 - 80%, đặc biệt ở các đô thị. Hằng năm cả nước có hơn 10 triệu học sinh. Tất cả con em chúng ta đều cần có một mái trường, có thầy cô giáo giỏi, yêu nghề, tận tâm với giáo dục.
Học sinh phổ thông chịu nhiều ảnh hưởng của thầy cô giáo trong suốt thời gian học tập. Tuy mức độ ảnh hưởng của thầy cô giảm dần theo thời gian nhưng yêu cầu về năng lực chuyên môn, năng lực nhà giáo lại tăng theo cùng thời đại. Vì thế, lựa chọn nghề nghiệp dạy học, rõ ràng ảnh hưởng nhiều đến thế hệ mai sau.
 
 
Ngành sư phạm các trường ĐH địa phương điểm chuẩn ngang sàn
Trường ĐH Hải Phòng có 10 ngành sư phạm thì 5 ngành lấy ngang sàn. Ngay cả sư phạm toán, điểm chuẩn cũng chỉ 16, sư phạm văn là 17. Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) cũng có 10 ngành sư phạm, trừ giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non, tất cả các ngành còn lại đều lấy ngang sàn. Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), tất cả các ngành (kể cả sư phạm) cũng tương tự. Trường ĐH Vinh (Nghệ An) cũng lấy điểm chuẩn 15,5 với hầu hết các ngành sư phạm. Quý Hiên
Có phải tất cả trường sư phạm đều có điểm chuẩn thấp ?
Điểm tuyển của các trường/khoa đào tạo giáo viên thể hiện năng lực đầu vào. Năm học này, nhiều ngành học trong các trường sư phạm có điểm số thấp, dao động bằng điểm sàn. Những trường hợp này thường rơi vào các trường địa phương có ngành đào tạo sư phạm. Đây thật sự là vấn đề khó khăn của ngành sư phạm trong nhiều năm qua khi so sánh với những ngành nghề khác như y tế, công an, quân đội, kinh tế…
Tuy nhiên, vẫn có những ngành, trường sư phạm hàng đầu điểm chuẩn trúng tuyển khá cao. Chẳng hạn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm tuyển đầu vào của ngành sư phạm toán học bằng tiếng Anh lên tới 27,75 và điểm tuyển trung bình của tất cả các ngành là 21,38 điểm (7,1 điểm/môn). Trong số 8 trường/khoa sư phạm có tuyển sinh ngành sư phạm mà chúng tôi khảo cứu dưới đây có điểm trung bình trúng tuyển như sau:
Cần lưu ý, 6/8 trường này được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho chương trình mới.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có 19 ngành học thuộc sư phạm, điểm tuyển cao nhất thuộc về ngành sư phạm toán (26,25 điểm) nhưng điểm trúng tuyển trung bình cho 19 ngành của trường là 22,46 điểm - cao nhất trong tất cả các trường sư phạm. Cho tới ngày 6.8, có 656 thí sinh nộp phiếu điểm xác nhận vào học tại các khoa sư phạm có điểm tổng 3 môn trên 24 điểm, chiếm tỷ lệ 51,86% tổng số sinh viên đã nộp phiếu điểm. Đây là một dấu hiệu đáng mừng.

Tên trường

Điểm trung bình

trúng tuyển

ĐH Sư phạm TP.HCM

22,46

ĐH Cần Thơ

21,7

ĐH Sư phạm Hà nội

21,38

ĐH Sư phạm Đà Nẵng

20,69

ĐH Quy Nhơn

19,21

ĐH Đồng Tháp

18,14

ĐH Sư phạm Thái Nguyên

17,08

ĐH Sư phạm Huế

16,03

Tuyển được những sinh viên giỏi vào các trường sư phạm là một việc làm cần thiết, cần sự quan tâm của học sinh, phụ huynh và xã hội, nhưng cao hơn hết vẫn phải là chính sách của nhà nước dành cho thầy cô giáo nói chung và các trường sư phạm nói riêng.
Nếu như các trường sư phạm đều tổ chức đào tạo tốt, chúng ta sẽ có những thế hệ thầy cô giáo giỏi nghề, tâm huyết, xã hội có thể đặt niềm tin vào giáo dục nước nhà. Giáo dục VN sẽ phát triển bền vững.

tin liên quan

Gần 10 điểm mỗi môn vẫn rớt đại học
Chưa khi nào như năm nay, thí sinh đạt trung bình gần 10 điểm mỗi môn vẫn trượt ĐH. Nghịch lý là có những trường hợp thí sinh bị loại có điểm cao hơn thí sinh đã trúng tuyển do quy định làm tròn điểm, tiêu chí phụ hay điểm ưu tiên!  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.