Nhờ làm da sinh học, 4 nữ sinh trúng thưởng 40.000 USD

Thúy Hằng
Thúy Hằng
19/04/2020 08:35 GMT+7

Với dự án làm da sinh học từ chất hữu cơ, 4 nữ sinh Việt Nam 19 tuổi vừa chiến thắng một cuộc thi khởi nghiệp khu vực Đông Nam Á, giành vé tới Mỹ với phần thưởng 40.000 USD.

Làm da sinh học từ chất hữu cơ là  dự án của các cô gái: Nguyễn Kha Bảo Nhi, Đoàn Thị Anh Thư, Lê Thư Kỳ, cùng ngành kinh tế đối ngoại, và Ngô Ngọc Minh Khuê, ngành quản trị kinh doanh. Cả 4 hiện là sinh viên năm nhất, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, TP.HCM.
Họ vừa chiến thắng cuộc thi khởi nghiệp Hult Prize khu vực Đông Nam Á (diễn ra online, kết thúc ngày 11.4) để trở thành đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Hult Prize toàn cầu được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Trước đó, cả 4 sẽ nhận học bổng trị giá 40.000 USD để đến thành phố Boston, Mỹ tiếp tục tham gia khóa đào tạo chuyên sâu.

Làm da sinh học để bảo vệ môi trường

Nguyễn Kha Bảo Nhi, trưởng nhóm, cho biết bám sát chủ đề của cuộc thi năm nay là “Xây dựng một mô hình khởi nghiệp tác động tích cực đến hành tinh của chúng ta trên từng đồng doanh thu”, cả nhóm nhận ra một vấn đề hiện nay là nhiều người có thói quen sử dụng da thật từ động vật trong công nghiệp thời trang. Việc này vừa gây tổn hại động vật, đặc biệt động vật hoang dã, vừa ảnh hưởng lớn tới môi trường. Do vậy, cả 4 đã ngồi lại với nhau, lên ý tưởng làm sao để sản xuất được da sinh học từ chất hữu cơ, từ đó có nguyên liệu an toàn, bền vững cho ngành thời trang, giúp hành tinh xanh hơn. Một trong những thành phần để làm ra da sinh học là lá trà xanh, tuy nhiên công thức đang được giữ kín, để không gây bất lợi cho cuộc thi toàn cầu sắp diễn ra. Nhóm đang trong quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ với sản phẩm trên.
Hult Prize toàn cầu là cuộc thi khởi nghiệp xã hội được sáng lập bởi Ahmad Ashkar, nhận sự bảo trợ từ cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Liên Hiệp Quốc, cùng với Trường ĐH Hult International Business School. Cuộc thi được tổ chức cho sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ trên toàn thế giới, ý tưởng sáng tạo nhất giúp giải quyết vấn đề cộng đồng sẽ nhận giải thưởng lên đến 1 triệu USD
“Chúng em làm da sinh học từ việc lên men các nguyên liệu tự nhiên và nhuộm màu hữu cơ. Sau đó, xưởng sẽ phân phối đến đối tác kinh doanh là những nhãn hàng thời trang có tiêu chí bền vững, không gây hại cho môi trường ở Việt Nam và thế giới. Ngành thời trang là nguyên nhân thứ hai gây ô nhiễm toàn cầu. Chúng em đang hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn, nơi mà mọi hoạt động từ thiết kế đến xử lý sản phẩm đều quan tâm đến tuổi thọ, độ bền và không gây hại môi trường”, Bảo Nhi bật mí.

Cách ly xã hội, ở nhà nghiên cứu khoa học

Cả 4 nữ sinh trên dù học các ngành liên quan kinh tế song đặc biệt quan tâm nghiên cứu khoa học. Họ tình cờ gặp nhau trong CLB Nghiên cứu khoa học tại trường và thử thách đầu tiên để họ được ghi danh vào CLB trên là làm thành công nước rửa chén từ rau củ quả bỏ đi. Bảo Nhi (cựu học sinh lớp chuyên sinh, Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận) cũng đang nằm trong ban tổ chức dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ dành cho sinh viên trong trường.
Do đó, trong thời gian cách ly xã hội, không tới giảng đường, ngoài thời gian học trực tuyến tại nhà, cả 4 nữ sinh cũng chăm chỉ đọc sách, tìm hiểu tài liệu liên quan nghiên cứu khoa học. Do ảnh hưởng của Covid-19, vòng chung kết cuộc thi Hult Prize khu vực Đông Nam Á diễn ra trực tuyến. “Với chúng em, đây đều là lần đầu tiên tham gia một cuộc thi khởi nghiệp quốc tế và may mắn giành giải cao với dự án làm da sinh học từ chất hữu cơ. Cuộc thi toàn cầu sẽ còn nhiều thử thách, chúng em sẽ cố gắng”, Bảo Nhi nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.