Những đứa trẻ không có mùa hè

11/06/2016 08:00 GMT+7

Dù rất cần tình thương và sự hỗ trợ của ba mẹ khi học tại các trường chuyên biệt nhưng nhiều trẻ tự kỷ, down lại phải cô đơn khi hè về.

Trường chuyên biệt vào những ngày hè vẫn còn học sinh (HS) có ba mẹ làm ăn xa, làm ăn ở nước ngoài hoặc vì lý do riêng nên không thể đón con về trong kỳ nghỉ hè.
Một giáo viên ở Trường chuyên biệt P.H, TP.HCM, cho biết: “Theo quy định của trường, kỳ nghỉ hè bắt đầu từ ngày 20.6, nghỉ 10 ngày đến 30.6 mới vào học lại. Nhưng năm nào cũng vậy, chỉ nghỉ được 2 hoặc 3 ngày thì một số phụ huynh đã rối rít gọi điện thoại đòi đưa con em lên học lại cho bằng được”.
3 năm không có người nhà đến thăm
Nhiều năm nay, một trong số HS ở lại hè là Đ.K. “Năm nào gia đình cũng đăng ký cho K. ở lại nghỉ hè tại trường vì không có điều kiện đón về. Ông bà của K. nói có đón về cũng không ai trông được vì ông bà đã già yếu, không đủ sức khỏe để kiểm soát những hành vi của K”.
Lủi thủi chơi một mình trong phòng, thỉnh thoảng K. lại lén nhìn chúng tôi với ánh mắt sợ sệt. Giáo viên phụ trách của K. lo lắng: “Có lẽ vì ít được sự quan tâm, chăm sóc của gia đình nên dù học ở trường đã lâu nhưng những hành vi của K. không giảm. Thậm chí, gần đây còn xuất hiện thêm nhiều hành vi mới như xé áo, đánh bạn...”. Cô này nói thêm: “Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc khuyên bố mẹ K. dành nhiều thời gian cho con. Tuy nhiên, điều này nằm ngoài khả năng của họ vì giờ đây ai cũng đã có gia đình riêng. Việc chăm sóc con chung không hề dễ dàng”.

tin liên quan

Thầy giáo đam mê sáng tạo đồ dùng cho học sinh khuyết tật
(TNO) Nhiều đồ dùng học tập, dụng cụ hỗ trợ cho những học trò khiếm thị, khuyết tật đã ra đời từ sự sáng tạo của một giáo viên dạy toán: thầy Nguyễn Duy Quy, công tác tại Trường chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng).

N.M.N (quê ở Cà Mau) là HS có “thâm niên” ở lại Trường P.H lâu nhất. Đang lủi thủi xúc cơm ăn, thấy người lạ, em liền chạy trốn. Giáo viên phụ trách của N. cho hay dù hằng tháng vẫn có người đóng tiền ăn, học đầy đủ cho N. nhưng là chuyển qua ngân hàng chứ gần 3 năm nay em không có người nhà đến thăm. “Khi gửi con ở trường, hầu hết phụ huynh đều gửi thêm đồ ăn cho bảo mẫu để bữa xế, tối cho ăn thêm, nhưng chỉ duy nhất N. là chưa bao giờ thấy ba mẹ gửi quà bánh. Thấy vậy, chúng tôi hay góp tiền mua đồ ăn để sẵn, đến giờ phát thêm cho các em khác thì N. cũng được một phần cho em đỡ tủi”, một bảo mẫu chia sẻ.
“Cho con gặp ba !”
Trẻ tự kỷ nếu được giáo dục đúng cách và gia đình quan tâm, thấu hiểu suy nghĩ và có cách phối hợp tốt sẽ tiến bộ rất nhanh, có thể một vài năm là được chuyển ra trường bình thường học hòa nhập. Ngược lại, nếu không được quan tâm đúng mức, bị bỏ bê sẽ bức bối, suy nghĩ tiêu cực và tình hình ngày càng xấu đi.
Trường hợp N.A.T (quê Long An, Trường chuyên biệt A.D, TP.HCM) là một điển hình. Mẹ T. làm việc ở nước ngoài, mỗi năm chỉ về một lần, đón con ra khách sạn ở chơi 1 - 2 ngày rồi đưa lại vào trường. Có lẽ vì thiếu thốn tình cảm gia đình nên chiều thứ bảy nào cũng vậy, khi thấy những phụ huynh khác tới thăm con, đón con về nhà, T. thường thu mình vào góc tường ngồi khóc. Em khóc không thành tiếng mà nước mắt cứ ràn rụa và nhiều khi nấc nghẹn, rồi móc mắt cho tới khi chảy máu, sau đó là móc cằm và tự làm đau bản thân...

tin liên quan

Dạy trẻ tự kỷ bằng âm nhạc
Dùng âm nhạc để dạy cho các em bị bệnh tự kỷ, là phương pháp mới mà chị Nguyễn Nguyệt Thu (43 tuổi) một nghệ sỹ viola quốc tế đang áp dụng thành công ở VN.

Từng là giáo viên của T. trong nhiều năm liền, cô L.L.N (hiện đang phụ trách nội dung giảng dạy của Trường chuyên biệt B.M, TP.HCM) cho biết: “Trước đây T. khá lắm, biết nhận thức. Khi giáo viên hướng dẫn thì nghe lời và có ngôn ngữ. Nhưng càng ngày tình trạng của em càng xấu hơn. Một phần nguyên nhân làm cho hành vi của em ngày càng nặng hơn có lẽ là thiếu sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ”. Cô N. nói thêm: “Ngay cả vật nuôi trong nhà khi quan sát chúng ta thấy chúng luôn bám mẹ huống chi là con người. Giống như những đứa trẻ bình thường, trẻ tự kỷ, down cũng vậy, các em rất cần phụ huynh ở bên cạnh. Nhiều em mới được gia đình đưa đến trường thì sợ sệt, khi ba mẹ ra về thì khóc đòi theo. Điều đó chứng tỏ cảm xúc của các em không khác những đứa trẻ bình thường. Tuy nhiên, vì một số em không có ngôn ngữ nên không thể biểu hiện ý muốn bằng lời. Các em thường bày tỏ cảm xúc qua các hành vi như buồn thì thu mình ngồi vào góc, nhớ cha mẹ thì khóc, thấy bức bối thì cắn, đánh... Chính vì thế, các em rất cần người thấu hiểu để giúp kiểm soát, kiềm chế các hành vi, tạo điều kiện để các em có những tiến triển tốt”.

tin liên quan

Trẻ tự kỷ làm… nông dân
Trên một khu đất rộng, lúa đang trổ đòng thơm mát và bắp thì khoe trái trĩu cây. Rồi nào rau, nào đậu xanh um... Thật bất ngờ, “nông dân” ở đây chính là những trẻ tự kỷ.

Tương tự là trường hợp N.M.S (quê Đà Nẵng, Trường chuyên biệt A.D) cứ luôn miệng gọi cha. Theo mẹ S., trước đây em học một trường chuyên biệt ở Đà Nẵng, gia đình đưa đón về trong ngày. Tuy nhiên, từ khi chuyển vào học ở TP.HCM gia đình không có điều kiện đi thăm, thậm chí hè cũng không thể đón S. về nhà vì hai vợ chồng phải làm việc. “Chi phí học hành của con rất tốn kém. Tôi ở nhà làm thuê làm mướn kiếm tiền trang trải, còn ba S. phải vào làm ở Đồng Nai. Mỗi người một ngả nên không thể đưa con về nhà chăm sóc mà chỉ có thể cố gắng kiếm tiền đóng học phí”, mẹ S. tâm sự.
Ở trường chuyên biệt, chiều nào S. cũng chạy về phía cổng ngóng ra đường, mỗi khi khóc là miệng luôn nói “cho con về với ba S., con sẽ ngoan thật đấy”. Khi giáo viên nói không được thì S. thường đập đầu vào tường hoặc tự cắn vào tay mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.