Những lớp học miễn phí ở Sài Gòn

05/12/2015 05:36 GMT+7

Ở Sài Gòn, có rất nhiều lớp học miễn phí âm thầm diễn ra hằng ngày. Ở những nơi này xuất hiện bao câu chuyện cảm động.

Ở Sài Gòn, có rất nhiều lớp học miễn phí âm thầm diễn ra hằng ngày. Ở những nơi này xuất hiện bao câu chuyện cảm động.

Một lớp học ngoại ngữ miễn phí ở trung tâm ngoại ngữ chùa Lá - Ảnh: Lam NgọcMột lớp học ngoại ngữ miễn phí ở trung tâm ngoại ngữ chùa Lá - Ảnh: Lam Ngọc
Thuê nhà mở lớp học
Trong bộ quần áo nồng mùi mồ hôi sau một ngày lao động vất vả, ông Nguyễn Văn Hùng (53 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) đưa kính lên sát mắt, hướng dẫn Thiện Nhân (10 tuổi, học sinh trong lớp học tình thương) viết từng nét chữ cẩn thận. Vừa hướng dẫn, ông vừa bảo: “Con ráng viết cho đẹp, học giỏi để sau này lớn lên đỡ đần cho mẹ”.
Thiện Nhân là một trong hàng trăm học trò nghèo vừa trở về từ cuộc mưu sinh đang theo học lớp học tình thương của ông Hùng.
Chiều chưa tắt nắng, mấy chục đứa trẻ đen nhẻm xếp hàng chật cả quán lá trước căn nhà thuê của ông Nguyễn Văn Hùng. Chúng đang chờ để được ăn cơm chay miễn phí trước khi bắt đầu buổi học chữ từ thiện. Những đứa trẻ theo học ở lớp của ông Hùng toàn con nhà nghèo. Chúng theo cha mẹ từ các tỉnh vào Sài Gòn làm thuê đủ nghề, nay ở chỗ này mai chuyển chỗ khác.
“Vì không có hộ khẩu, không ở cố định nên các cháu không có điều kiện đến trường. Các cháu quen với vé số, với công việc trông em phụ mẹ hơn là cầm viết học chữ”, ông Hùng chia sẻ.
Thấu hiểu khó khăn của những đứa trẻ này, ông Hùng mở lớp học. Tới nay lớp học có 130 em. Ngoài giờ học, hầu hết các em phải đi bán vé số, phụ làm việc nhà. “Chỉ có vài tiếng đồng hồ vào buổi tối để học nhưng nhiều cháu sáng dạ, cần cù nên học giỏi. Thấy thế tôi cũng mừng”, ông Hùng tâm sự.
Ở nhà ông Hùng hiện tại có 8 lớp học từ vỡ lòng tới lớp 7. Người theo học lâu nhất đã 5 năm, mới nhất chỉ được vài ngày. Lớn nhất là anh “Cu Lớn” năm nay đã 22 tuổi. “Cu Lớn” bị thiểu năng trí tuệ nên dù 22 tuổi nhưng mới chỉ học lớp 1. “Cu Lớn” hồn nhiên nói: “Ở đây vui lắm, được học chữ, chơi trò chơi... Lại còn được ông Hùng thương nữa”.
Còn ông Hùng thật thà cho biết: “Tôi chỉ dạy được từ lớp 2 trở lại. Lớn hơn không dạy được vì kiến thức bây giờ mới, khác nhiều so với thời tôi học. Các lớp lớn phải trông cậy vào các sinh viên và thầy cô dạy giúp”.
Ngoài giờ giảng bài, ông Hùng và vợ là bà Kim Chi còn tranh thủ bán cơm chay, bán băng đĩa buổi tối, bỏ mối rau củ kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, lớp học ngày càng đông thì chi phí càng nhiều. Vì vậy ông bà quyết định về quê bán mảnh đất hương hỏa, dành tiền thuê căn nhà lớn hơn làm lớp học và mua thêm bút, sách cho tụi nhỏ.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng mỗi tuần một lần, vợ chồng ông Hùng đều đặn tổ chức trò chơi bốc thăm trúng thưởng với phần thưởng là gạo. 130 học sinh tham gia chơi nhưng chỉ có 4 phần gạo, mỗi phần 5 kg được tặng luân phiên. Ai được thưởng vào tuần trước thì tuần sau sẽ không bốc thăm nữa... lần lượt tới cuối năm cả lớp ai cũng có quà. “Gia đình các cháu đều nghèo, có cháu mất cha, có cháu mất mẹ, có cháu mồ côi ở với ông bà. Dành thời gian tới lớp học là các cháu mất đi vài tiếng đồng hồ phụ gia đình mưu sinh. Biết thế nên tôi “bù” cho chúng bằng vài ký gạo và bữa cơm chiều miễn phí; chỉ mong các cháu kiên trì, cố gắng để con chữ không bị bỏ ngang”, nói đoạn ông Hùng lúi húi sửa lại mấy cái chân bàn, sắp xếp lại vài cuốn tập mấy em nhỏ để chưa ngay ngắn.
Trung tâm ngoại ngữ trong chùa
Ở trung tâm ngoại ngữ miễn phí của chùa Lá (P.14, Q.Gò Vấp, TP. HCM), học viên được theo học 6 ngoại ngữ: Anh, Hoa, Nhật, Hàn, Đức và Pháp miễn phí. Mỗi ngày trung tâm ngoại ngữ chùa Lá hoạt động từ 7 giờ sáng tới 21 giờ khuya.
Sư thầy Thích Nhuận Tâm cho biết: “Tôi thành lập trung tâm ngoại ngữ miễn phí chùa Lá với mong muốn con nhà nghèo cũng được học ngoại ngữ để thuận lợi cho công việc sau này. Lúc đầu lớp học chỉ 30 người đăng ký học nhưng 1 tháng sau gần 400 người và hiện nay thì có khoảng hơn 60 lớp học”.
Để có đủ giáo viên giảng dạy các ngoại ngữ, sư thầy Thích Nhuận Tâm đến từng trường đại học, cao đẳng nhờ giảng viên về dạy cho trung tâm của chùa. Ngoài ra còn có nhiều thầy cô tình nguyện dạy miễn phí. “Để tạo hứng thú cho những tiết học ngoại ngữ, tôi còn mời về trung tâm những thầy cô giáo là người bản địa. Cứ 2 tháng một lần đoàn cũ đi, đoàn mới lại tới. Tôi nghĩ dù là dạy miễn phí nhưng chất lượng cũng phải đặt lên hàng đầu. Như thế mới giúp học viên một cách triệt để được”, sư thầy Thích Nhuận Tâm chia sẻ.
Theo học các lớp ngoại ngữ ở chùa Lá chủ yếu là người các tỉnh, thành khác. Có người làm công nhân ban ngày, buổi tối cũng đăng ký học thêm. Nhưng nhiều nhất là các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra còn có cả trường hợp là người khuyết tật. Dù đi lại khó khăn, sức khỏe không tốt nhưng ngày ngày họ cũng kiên trì tới lớp.
Đào Thị Mỹ Thương bị bại não. Dù chân tay không thể cử động như người bình thường nhưng hằng ngày Thương vẫn cần mẫn từ khu Bàu Cát, Q.Tân Bình tới chùa Lá học ngoại ngữ. Thấy Thương chăm chỉ và có quyết tâm học, các thầy cô dạy ở chùa Lá đề nghị xuống tận nhà dạy miễn phí cho Thương. Hơn 1 năm nay các thầy cô ở trung tâm thay nhau tới tận nhà giúp Thương học tiếng Anh.
Ngoài việc giảng dạy miễn phí cho học viên, nhà chùa còn cấp học bổng 1-2 triệu đồng cho những học viên chăm chỉ, học tốt.
Hơn 6 năm hoạt động, trung tâm ngoại ngữ miễn phí chùa Lá đã chắp cánh ước mơ cho không biết bao nhiêu thế hệ học viên. Nhờ được trung tâm trang bị ngoại ngữ, nhiều sinh viên ra trường đã xin được việc làm. “Nhận được tháng lương đầu tiên, hầu hết các em đều trích ra một phần ủng hộ lại cho chùa. Nhiều em lãnh lương tháng đầu tiên xong, chạy xe thẳng xuống chùa, đi dọc đường xe hết xăng nhưng cũng không dám lấy tiền lương đổ xăng mà phải gọi bạn mang tiền cho mượn. Em nó bảo phải giữ nguyên vẹn tiền lương quay về biếu lại cho chùa. Như thế nó mới yên lòng”, sư thầy Thích Nhuận Tâm kể.
Thầy Tâm nói thêm: “Với tôi, hạnh phúc chính là thành công của học trò. Nhìn thấy những đứa trẻ khốn khó ngày nào không có đủ tiền đi học ngoại ngữ giờ đây thành công... tôi thấy mãn nguyện!”.
Tặng xe cho học trò nghèo
Anh Lê Văn Thái, làm nghề sửa xe đạp, xe gắn máy tại 272 Hồng Lạc (P.11, Q.Tân Bình, TP.HCM) được những học trò nghèo không chỉ ở Q.Tân Bình mà ở nhiều quận huyện tại TP.HCM cũng như ở các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang... xem là điểm tựa tinh thần trong suốt nhiều năm qua. “Tôi luôn tâm niệm một điều rằng, sống trên đời phải biết giúp đỡ và yêu thương người khác, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn hơn”, anh Thái tâm sự.
Chính vì thế khi nhìn thấy những học sinh nghèo phải đi bộ để đến trường, anh Thái đã tìm mua những xe đạp cũ, trang trí lại thành xe đạp mới, hoàn chỉnh để gửi tặng cho học sinh nghèo. “Mỗi lần trao xe, nhìn niềm vui của các em, tôi càng có thêm động lực để cố gắng làm việc, để có thêm tiền mua xe tặng các em”, anh Thái chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.