Ôn tập thi THPT quốc gia: Học tới đâu phải chắc đến đó

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố chính thức lịch thi THPT quốc gia với thời gian thi sớm hơn mọi năm, các trường phổ thông đã lên kế hoạch ôn tập phù hợp cho học sinh.

Không còn nhiều thời gian
Về kế hoạch triển khai ôn tập cho kỳ thi sắp tới, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM), thông tin: Nhà trường thực hiện phương án dạy đến đâu chắc kiến thức đến đó. Vào buổi học thứ hai trong ngày, giáo viên đưa bài tập tương thích với lý thuyết để rèn khả năng phản xạ của học sinh (HS). Các tổ bộ môn phải thống nhất về nội dung, yêu cầu để xây dựng các câu hỏi phù hợp với trình độ từng lớp, tổ hợp môn thi.
Còn Trường THPT Tân Phong (Q.7, TP.HCM) cho HS vừa học vừa ôn tập theo chủ đề. Dạy hết chương nào ôn tập chương đó. Khi ôn tập, giáo viên sẽ cho HS tập dượt các câu hỏi theo kiểu tích hợp chủ đề, vận dụng liên môn.

tin liên quan

Vẫn sẽ lập nhóm trường để tuyển sinh
Theo ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay trường này vẫn sẽ chủ trì một nhóm trường để cùng nhau tuyển sinh nhưng chủ yếu hoạt động vào thời điểm xét tuyển.

Ông Phạm Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hồng Đức (TP.HCM), cho biết: “Các tổ bộ môn của trường đã lên kế hoạch ôn tập từ đầu năm học nhưng giai đoạn này sẽ tập trung nhiều hơn. Ngoài ra, trường tổ chức cho HS đăng ký môn thi, tổ hợp thi theo thế mạnh và sở thích”.
Đây là năm đầu tiên các môn toán, lịch sử, địa lý và giáo dục công dân chuyển từ thi tự luận sang trắc nghiệm và đưa vào kỳ thi quốc gia. Do vậy, đề thi các môn này thu hút sự quan tâm của giáo viên, HS. Giáo viên Nguyễn Phạm Phúc, Trường THPT Gia Định (TP.HCM), cho rằng thời gian không còn nhiều nên dạy đến bài nào lưu ý kiến thức trọng tâm của bài đó. Khi hoàn thành chương trình thì ôn tổng quan.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) ngay sau khi kết thúc học kỳ 1 đã bố trí tăng 2 - 3 tiết/tuần đối với các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ cho HS lớp 12.

Tổ chức nhiều đợt thi thử
Cứ cách một tuần, Trường Hồng Đức tổ chức một đợt thi thử với 2 môn. Đề thi thử do giáo viên thuộc các tổ bộ môn soạn với tiêu chí bám sát cấu trúc đề thi thử nghiệm mà Bộ công bố vào cuối tháng 1. Theo ông Tâm, thời gian thi bài thi tổ hợp theo đề minh họa quá dài nên trong các đợt thi thử, trường sẽ tách riêng từng môn. Thời gian thi mỗi môn không phải là 50 phút mà sẽ là 60 phút để HS không quá áp lực.
Trường THPT chuyên tỉnh Bắc Giang tổ chức thi thử 1 lần/tháng, thời gian, số lượng câu hỏi giống đề minh họa giúp HS làm quen, biết cách phân bổ thời gian làm bài.

Tại Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), ngân hàng đề thi trắc nghiệm của trường đang trong quá trình hoàn thiện. Từ học kỳ 2, các bài kiểm tra định kỳ của HS khối 12 sẽ được thực hiện giống như cách thức thi. Trường dự kiến sau khi Bộ có hướng dẫn cụ thể về tổ chức thi sẽ tổ chức một đợt khảo sát dành cho HS lớp 12 giống hệt như thi THPT quốc gia để tập dượt, đồng thời đánh giá chất lượng dạy học của trường.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở đã yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS lớp 12, đặc biệt trong học kỳ 2. Các trường cần chủ động có phương án ôn tập cho HS theo hình thức vừa học vừa ôn tập, nhất là đối với các môn lần đầu tiên thi như giáo dục công dân và các môn lần đầu tiên thi trắc nghiệm. “Đề thi năm nay chỉ nằm trọn trong chương trình lớp 12, quy chế thi được công bố sớm... là những thuận lợi cho các nhà trường trong quá trình ôn tập”, ông Dũng nói.

Ý kiến:
Đề thi hạn chế dùng mẹo
Đề thi thể nghiệm môn ngữ văn sâu sắc và đậm chất văn hóa dân tộc. Môn toán có độ phân hóa sâu hơn. Ở một số câu hỏi bắt buộc HS phải đọc, hiểu câu hỏi thì mới có thể bấm máy tính ra kết quả. Việc này giúp hạn chế việc HS dùng mẹo để làm bài. (Lý Trần A Khương, HS Trường THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Mức độ phù hợp với HS trung bình
Đề thử nghiệm lần 2 tương đối dễ hơn so với đề minh họa công bố trước đó. Số câu cơ bản chiếm 60% số điểm. Mức độ phù hợp HS trung bình khá, tạo tâm lý ổn định cho HS. (Vũ Thị Kim Oanh, Tổ trưởng tổ hóa, Trường THPT Tân Phong, Q.7, TP.HCM)
Phải phân bố thời gian hợp lý
Đề thi thử nghiệm mới đây rõ hơn ở phần đọc hiểu, nhưng phần làm văn lại khó hơn. Với thời gian làm bài như hiện nay thì hơi hẹp cho HS. Tuy nhiên, kiến thức thi năm nay chỉ tập trung vào chương trình lớp 12 nên nếu phân bổ khéo thời gian thì HS vẫn có thể làm tốt với đề này. (Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Cần học thuộc ngữ liệu
Đề thi thử nghiệm cả 2 lần đều không có văn bản văn học nên HS cần học thuộc thơ và những dẫn chứng tiêu biểu trong tác phẩm văn xuôi. Phần nghị luận văn học đòi hỏi HS có kiến thức nền cơ bản. Tuy nhiên, đề còn một số hạn chế là phần câu hỏi nghị luận chưa kích tư duy phản biện, thể hiện quan điểm riêng của thí sinh. Với đề thi này, HS cần tăng cường thời gian để luyện tập, tiếp xúc với nhiều dạng văn bản đọc hiểu. (Trương Minh Đức, giáo viên ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM)
Môn toán có kiến thức lớp 10 ?
Đề thi thử nghiệm lần 2 phân hóa tốt hơn nhưng có câu hỏi liên quan đến kiến thức cuối học kỳ 2 lớp 10 là phương trình chính tắc elip đang gây hoang mang cho giáo viên, HS. Không biết trong kỳ thi chính thức, Bộ xử lý tình huống này như thế nào? (Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM)
Lam Ngọc - Bích Thanh (ghi)
Nhiều HS chọn bài thi khoa học tự nhiên
Theo đại diện Trường THCS -THPT Hồng Đức (TP.HCM), hầu hết HS đăng ký thi tổ hợp khoa học tự nhiên, chỉ có khoảng 30% đăng ký thi tổ hợp khoa học xã hội. Bà Nguyễn Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho biết: Ngay sau khi Bộ công bố phương án thi, trường đã tiến hành khảo sát nguyện vọng chọn bài thi của HS lớp 12 tới 2 - 3 lần. Tỷ lệ HS của trường đăng ký chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên cũng nhiều hơn so với số HS chọn bài thi khoa học xã hội. Trường có 354 HS lớp 12 thì 201 HS chọn tổ hợp môn khoa học tự nhiên.
Trong khi đó, tại Bắc Giang, ngoài số ít HS theo khối A, B đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, đa số chọn làm bài thi tổ hợp môn khoa học xã hội. Trường THPT Yên Dũng 2 có khoảng 85% HS thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp chọn làm bài thi tổ hợp khoa học xã hội. Tại Trường THPT Phương Sơn, H.Lục Nam có gần 80% HS chọn bài thi tổ hợp các môn khoa học xã hội.
Tuệ Nguyễn - Lê Duy - L.Ngọc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.