Quy hoạch đào tạo nhân sự chất lượng cao ngành du lịch

17/04/2019 08:00 GMT+7

Tại Diễn đàn nguồn nhân lực du lịch VN 2019 ngày 12.4, do Sở Du lịch TP.HCM và ĐH Hoa Sen đồng tổ chức thì quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực CLC trong ngành du lịch được xem là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Nâng tầm nguồn nhân lực

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Du lịch thật sự là một trong những ngành công nghiệp có lợi thế và hiệu quả kinh tế đứng đầu của nước ta, thế nhưng lại chưa được khai thác hết tiềm năng. Để du lịch phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của VN, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và phát triển bền vững thì nguồn nhân lực chất lượng cao (CLC) đóng một vai trò tối quan trọng”.
Nguồn nhân lực du lịch CLC là trăn trở của nhiều doanh nghiệp cũng như cơ sở đào tạo. Phát biểu tại diễn đàn với tư cách là một trường ĐH đào tạo nhân lực ngành du lịch, GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho biết tháng 8.2010, cả nước chỉ có 24 cơ sở đào tạo nghề du lịch. Đến tháng 2.2019, cả nước đã có 346 cơ sở đào tạo các cấp độ. Tuy vậy, mỗi năm toàn ngành cần 40.000 lao động, nhưng chỉ có 15.000 sinh viên ra trường. Nếu trung bình mỗi trường ĐH, CĐ đào tạo khoảng 300 SV/năm và giả sử 100% đều tốt nghiệp, toàn quốc sẽ đào tạo được khoảng xấp xỉ gần 30.000 nhân lực có tiềm năng là nhân lực CLC. Có khoảng 50 - 60% sinh viên trụ lại với nghề. Để bù đắp thiếu hụt, có khoảng 38% nhân lực không được đào tạo chuyên ngành đang tham gia vào thị trường lao động. Con số này đáp ứng được thêm một phần số lượng, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra một số vấn đề về chất lượng.
“Chúng ta cần định nghĩa lại nguồn nhân lực CLC là như thế nào? Định nghĩa cơ bản nhất là nhân lực đào tạo từ cơ sở CĐ, ĐH trở lên. Nhưng hiện nay đã quốc tế hóa, cần xác định nhân lực CLC là nhân sự được đào tạo cử nhân trở lên và chuẩn quốc tế. Nói cách khác, đây là nhân lực đào tạo trong các cơ sở đào tạo ĐH, đạt kiểm định quốc tế hoặc bằng của cơ sở ĐH được liên thông và công nhận quốc tế. Nguồn nhân lực CLC cũng là nhân lực đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế hay không”, GS Quỳ nhận xét.
Đứng ở vai trò là một doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, rất đồng tình với điều này. Ông cho biết hằng năm số lượng ứng viên nộp hồ sơ xin việc khá đông nhưng hầu như đều khó chọn lựa ứng viên đáp ứng tốt cho các vị trí công việc phù hợp mà cần phải đào tạo lại.

Ưu thế từ ĐH ngoài công lập

Cũng trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thực tế các cơ sở đào tạo ngoài công lập có nhiều ưu thế trong việc đào tạo nhân lực du lịch và đã đạt được các thành tựu tương đối rõ nét, hướng đến các chuẩn mực toàn cầu về nhân lực du lịch. Đây là những điều cần lưu tâm khi phát triển đào tạo nhân lực ngành du lịch.
Thủ tướng cũng đã đưa ra một số gợi ý để phát triển ngành du lịch trong thời gian tới. Đó là hoạch định, triển khai chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực du lịch dài hạn đến năm 2030. Thủ tướng cho rằng cần có cơ chế thoáng hơn cho việc mở ngành đào tạo nhằm giáo dục đa ngành nghề du lịch đáp ứng nhu cầu thực tế. Ngoài ra, cũng cần huy động hiệu quả hơn nguồn lực từ các quốc gia mạnh về đào tạo du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch của VN.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới đào tạo nhân lực du lịch CLC. Đó là Bộ sẽ mạnh dạn giao chỉ tiêu đào tạo lớn cho các trường chứng minh năng lực, minh chứng chất lượng đầu ra được đảm bảo từ các doanh nghiệp có uy tín. Bộ cũng sẽ đề xuất Chính phủ ra chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực quản lý du lịch địa phương và giao cho các trường như Trường ĐH Hoa Sen chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ đề xuất Chính phủ ra chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào phát triển đào tạo du lịch ở cấp độ ĐH...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.