Sách in lậu - căn bệnh trầm kha!

20/06/2005 22:06 GMT+7

Có quá nhiều bức xúc trong hội nghị tổng kết công tác chống in lậu sách giáo dục được tổ chức mới đây tại TP.HCM.

In lậu cũng phải "lao động"(?)

Sách giáo khoa đòi hỏi tính chuẩn mực cao, theo những quy định chặt chẽ để bảo đảm tính khoa học và tính sư phạm. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang - Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) - cho biết: "Sách Toán chỉ cần in mờ 1 con số là có thể làm sai cả bài toán, sách Tiếng Anh mờ 1 chữ có thể khác nghĩa cả câu. Vậy mà những quyển sách giáo khoa in lậu không chỉ sai 1 con số, mờ 1 chữ...".

Trong nhiều năm qua, nạn in lậu sách giáo khoa đã trở thành một căn bệnh trầm kha, tưởng chừng vô phương cứu chữa. Cách đây 10 năm, tại Hà Nội, Nguyễn Hữu Chiến in lậu hàng chục đầu sách giáo khoa nên bị bắt và xử lý hành chính. Năm 1998, Chiến lại đến Hà Nam làm tiếp "công việc" này và bị phạt 1 năm tù, nhưng khi mãn án vẫn tiếp tục... in lậu. Ông Vũ Bá Hòa - Giám đốc NXBGD tại TP.HCM nói rõ: "Trong năm 2004, đoàn kiểm tra liên ngành 814 TP.HCM đã phát hiện Bùi Thị Khách Loan tổ chức in lậu và tiêu thụ trên 20 tấn sách, trong đó có 13 đầu sách của NXBGD. Đầu năm 2005 cũng có rất nhiều sai phạm được phát hiện tại Hà Nội và TP.HCM, trong đó có những quyển sách ghi giấy phép NXB TP.HCM nhưng trên thực tế, NXB TP.HCM không hề biết đến những quyển sách này”... Gần đây, cũng có các sách in lậu, in nối bản với các giấy phép cấp cách đây đến hơn 5 năm (sách luyện thi tốt nghiệp THCS môn Sinh học lớp 9).      

Ông Phạm Sĩ Sáu - Trưởng phòng Bản quyền NXB Trẻ cho biết: "Việc xâm phạm bản quyền xảy ra cả trong lẫn ngoài nước. Ở trong nước, mặc dù nhà văn Sơn Nam đã nhượng bản quyền cho NXB Trẻ nhưng cũng có trường hợp một NXB ở trung ương vẫn cấp giấy phép xuất bản sách của nhà văn này cho một đơn vị liên kết, không hề làm việc với chúng tôi. Đối với sách nước ngoài, chúng tôi mới ký hợp đồng được 100 đầu sách thôi nhưng ngay sau đó không lâu đã có hơn 10 đầu sách bị in lậu !".  Ông Sáu cho rằng việc in sách lậu và in "nối bản" quả thật rất khó quản lý, nhưng không hẳn là bó tay vì muốn in lậu với "chất lượng như thật" cũng phải có cơ sở in ấn hiện đại, không khó phát hiện lắm nếu có sự phối hợp quản lý tốt. 

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt kể lại một kiểu lập luận của người in sách lậu: "Họ bảo rằng in sách lậu cũng phải "lao động" ghê lắm, cũng phải thức khuya dậy sớm, cũng phải có "ý tưởng", cũng phải biết tìm hiểu thị trường mới làm được việc".

Tem chống giả cũng bị... làm giả !

Để hạn chế phần nào tình trạng sách lậu, một số NXB đã phải chủ động "tự cứu". NXBGD sử dụng bìa đặc chủng và dán tem dạ quang để chống giả, NXB Trẻ (TP.HCM) ưu tiên nâng cao cả chất lượng nội dung lẫn in ấn (in 2 màu, thậm chí 4 màu) và in sách với số lượng lớn nhằm phủ rộng sản phẩm của mình và có giá thành mà người tiêu dùng chấp nhận được. Những giải pháp như thế dù sao cũng chỉ có tính chất tạm thời, vì ngay tem chống giả của NXBGD cũng bị... làm giả! Ông Ngô Thanh Hải - Phó phòng PC13 Công an Đà Nẵng đề nghị cần triển khai việc chống in lậu sách giáo dục một cách đồng bộ và quyết liệt hơn. Nhắc lại những sơ hở trong việc xử lý Nguyễn Hữu Chiến trước đây, ông Nguyễn Kiểm - Cục phó Cục Xuất bản Bộ Văn hóa - Thông tin chỉ đạo phải công khai hóa việc in ấn sách giáo dục (nhà in nào được in sách giáo khoa, sách tham khảo, số lượng và thời gian in...) đến các ngành liên quan như công an, quản lý thị trường, văn hóa - thông tin... để phối hợp giải quyết. Ông Kiểm còn đề nghị bổ sung khung hình phạt cho đối tượng in sách lậu, tịch thu cả máy in (nếu phát hiện in lậu), rút giấy phép...

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.