Sẽ có biện pháp với trường tuyển điểm sàn thấp

Quý Hiên
Quý Hiên
27/07/2019 07:54 GMT+7

Trả lời phỏng vấn với PV Thanh Niên , bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho rằng đúng là có hiện tượng một số trường vì khó tuyển sinh nên đặt điểm sàn thấp.

Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo chất lượng và quá trình đào tạo của trường, nhằm đảm bảo lợi ích của người học cũng như cho xã hội.

Khoảng 9% số ngành lấy điểm sàn quá thấp

Theo quan sát của Thanh Niên thì năm nay nhóm có điểm sàn thấp nhất chủ yếu lại thuộc các trường công lập ở các địa phương, chứ không phải là trường tư thục. Bà nghĩ sao về hiện tượng này?
Điểm sàn của các trường phụ thuộc trực tiếp vào nguồn tuyển sinh. Điểm sàn thấp thì chất lượng đầu vào thấp, đa số các trường đặt điểm sàn thấp là đang tự xếp mình vào vị thế trường chất lượng thấp. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường đặt điểm sàn thấp đều là trường chất lượng thấp. Mặc dù trong danh sách các trường có mức điểm sàn thấp vẫn có một số trường tư thục nhưng tỷ lệ không nhiều. Điều đó cho thấy các trường tư thục đã dần bình đẳng với các trường công trong tuyển sinh. Đó là kết quả tốt của chính sách xã hội hóa trong giáo dục ĐH và là sự thành công của đa số các trường tư trong hệ thống.
Bà nghĩ thế nào khi năm ngoái hiện tượng trường đặt điểm thấp đã bị dư luận xã hội lên án và chính Bộ GD-ĐT cũng có ý kiến, nhưng năm nay việc này vẫn lặp lại?
Nhìn chung, các trường khó tuyển sinh sẽ có xu hướng đặt điểm sàn thấp; năm nay chủ yếu là các trường đóng ở địa bàn xa trung tâm, không hấp dẫn đối với người học. Ở các vùng đó, mặt bằng điểm thi của thí sinh cũng thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Bên cạnh đó, còn có một số trường đầu ngành về chất lượng nhưng đào tạo nhóm ngành bị xã hội cho là không hấp dẫn như nông lâm, thủy lợi… nên cũng phải đặt mức điểm sàn thấp. Số ngành có mức sàn thấp năm nay chiếm khoảng 9% số lượt ngành đang được các trường đào tạo nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành này thường rất thấp, không đến 9% chỉ tiêu tuyển sinh.
Tuy nhiên, nếu chỉ phản ánh điểm sàn thấp như là mặt trái của quyền tự chủ tuyển sinh thì có nghĩa là đang nhìn vào gần 9% mà đánh giá cả hệ thống. Bên cạnh việc không đồng tình với các trường xác định điểm sàn thấp, cũng cần phải thấy đa số các trường trong hệ thống đang có xu hướng cạnh tranh để nâng cao mức điểm sàn của trường mình để thu hút học sinh giỏi, khẳng định vị thế, uy tín của các trường trước người học và xã hội. Có khá nhiều ngành được đặt sàn trên 20 điểm, có những ngành đã được đặt điểm sàn tới 24 điểm…
Từ đó để thấy rằng, việc trao quyền tự chủ xác định điểm sàn tuyển sinh đã tạo ra xu hướng cạnh tranh giữa các trường trong cả hệ thống để ngày càng nhiều trường đặt mức điểm sàn cao; không như trước đây, khi Bộ quy định điểm sàn, hầu hết các trường theo đó, không cần phải chú trọng nhiều đến chất lượng tuyển sinh của trường mình. Cùng với trao quyền tự chủ cho các trường là cơ chế minh bạch thông tin rất rõ ràng để người học lựa chọn. Điều đó cũng sẽ tác động tốt đến sự cạnh tranh của người học để vào các trường tốt, trường có thương hiệu để khẳng định giá trị của mình.

Xử phạt thật nghiêm với các trường vi phạm

Thưa bà, nếu căn cứ thí sinh đạt từng ngưỡng điểm thì năm nay trường nào xác định điểm sàn 13 chỉ tương đương 12 điểm của năm 2018. Vậy một số trường đặt sàn 13 thì có thể được xem là “phá sàn” so với năm 2018? Bộ đã có ý kiến gì với các trường chưa?
Năm 2019, mặt bằng chung điểm thi cao hơn 2018 nên nếu lấy mức điểm sàn như 2018 thì chất lượng của điểm sàn này sẽ bị coi là thấp hơn.
Đối với những trường đặt điểm sàn quá thấp, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo nhà trường về chính sách chất lượng của trường, về việc cần nâng cao chất lượng đầu vào để đảm bảo chất lượng đào tạo, về việc sẽ có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với những trường tuyển điểm sàn thấp…
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì xác định điểm sàn là thẩm quyền của các trường. Bộ tiếp tục chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường này khi xác định điểm trúng tuyển, trong quá trình đào tạo và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... để công khai thông tin cho xã hội giám sát, thí sinh lựa chọn; để đánh giá chất lượng, định hướng cho sự phát triển của nhà trường và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH nói chung.
Nhưng trước sự bất chấp của nhiều trường trong việc định điểm sàn, Bộ có giải pháp gì mạnh mẽ hơn để buộc các trường phải thực sự quan tâm yếu tố chất lượng trong tuyển sinh cũng như trong đào tạo?
Như trên đã nói, theo quy định của pháp luật thì xác định điểm sàn là thẩm quyền của các trường nhưng sẽ phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với những trường tuyển điểm sàn thấp... Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường này khi xác định điểm trúng tuyển, trong quá trình đào tạo và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp; sẽ xử phạt thật nghiêm đối với các trường vi phạm, công khai thông tin để dư luận và người học đánh giá, lựa chọn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.