Sẽ hiếm giáo sư, phó giáo sư bị loại?

Quý Hiên
Quý Hiên
26/02/2018 07:51 GMT+7

Dư luận đang nóng lòng chờ kết quả rà soát việc công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 theo yêu cầu của Thủ tướng. Tuy nhiên, theo dự đoán của giới chuyên gia, nhiều khả năng kết quả rà soát sẽ 'đúng quy trình'.

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, tuần trước Bộ GD-ĐT có công văn đề nghị Thủ tướng cho phép lùi thời hạn báo cáo kết quả rà soát việc công nhận người đạt tiêu chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đến hết ngày 28.2.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chủ tịch hội đồng ngành cho biết đã rà soát xong và đã có báo cáo với Hội đồng chức danh GS nhà nước từ tuần trước và hiện chưa có trường hợp nào đã được công nhận mà không đạt yêu cầu.
Tự mình kiểm tra mình !
Tôi tin rằng sẽ chẳng loại được ai. Nếu có thì cũng chỉ là vài trường hợp không đáng kể
PGS NGUYỄN NGỌC CHÂU
(Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN)
Một GS khối ngành khoa học tự nhiên tại Hà Nội nhận xét: “Về lý thuyết, nên có một vài trường hợp nào đó bị loại, để còn có cơ sở nói rằng việc rà soát có kết quả. Tuy nhiên, tôi đồ rằng sẽ không có trường hợp nào bị loại cả. Vì cứ nhìn vào cách làm của họ thì có thể dễ dàng thấy việc rà soát sẽ không có kết quả. Nếu kiểm tra lại thì phải là người này kiểm tra của người kia, hay một nhóm chưa hề tham gia kiểm tra thì giờ kiểm tra lại kết quả của nhóm vừa làm xong. Đằng này họ làm theo cách rất nực cười là hội đồng cấp trên hạ lệnh cho hội đồng cấp dưới tự kiểm tra kết quả của mình rồi báo lên. Tự anh đi kiểm tra chính anh, rõ ràng làm sao có kết quả khác đi được!”.
Một tiến sĩ tại TP.HCM kiến nghị: “Nên chọn hội đồng độc lập để rà soát lại kết quả thì mới mang tính khách quan hơn, chứ không nên giao hội đồng cũ thực hiện. Tôi được biết nhiều nhà khoa học tình nguyện làm việc này mà không cần thù lao”.
TS Đỗ Ngọc Quyên, một chuyên gia độc lập, cũng nhận xét: “Nếu rà soát để xem việc công nhận có đúng quy trình, quy định không, tức là rà soát bề mặt của sự việc thì dự báo kết quả sẽ không có gì thay đổi”. PGS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, khẳng định: “Tôi tin rằng sẽ chẳng loại được ai. Nếu có thì cũng chỉ là vài trường hợp không đáng kể và chủ yếu là bên khối ngành khoa học xã hội - nhân văn. Vì việc xét công nhận tiêu chuẩn GS, PGS là dựa theo quy định có sẵn và quy trình qua 3 cấp: cơ sở, ngành/liên ngành, nhà nước. Vì thế hồ sơ đã lên đến cấp nhà nước là phải đạt được các tiêu chí theo quy định hiện hành”.
Còn TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng trong số hơn 1.200 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017 thì gần 100 người có “nơi làm việc” không phải là trường đại học hay viện nghiên cứu. “Tôi tin rằng trong số này rất ít người có thành tích khoa học đặc biệt xuất sắc, được tặng giải thưởng lớn ở trong nước và nước ngoài. Chỉ cần loại hồ sơ không đúng diện xét này cũng đã là có kết quả”, TS Tùng nói.
Tiêu chuẩn thấp, cơ chế xin - cho
Theo PGS Nguyễn Ngọc Châu, số lượng ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn PGS, GS năm 2017 chỉ là giọt nước tràn ly, còn những bức xúc là bị dồn nén từ nhiều năm nay về quy định và cách thức xét công nhận người đạt chuẩn. Tiêu chuẩn PGS, GS hiện nay không chỉ rất thấp mà còn tạo cơ chế xin - cho, khiến nhiều người kém cũng có thể trở thành GS, PGS. Chính phủ cũng như Bộ GD-ĐT đã nhận thấy điều này nên đã cho xây dựng quy định mới. Tuy nhiên, các thành viên tham gia soạn thảo quá bảo thủ, lại thiếu những hiểu biết căn bản về tổ chức hoạt động trong giới học thuật quốc tế nên dự thảo mãi vẫn chưa hoàn thiện được để ban hành. Lẽ ra trong khi chưa ban hành được quy định mới thì nên tạm ngừng việc công nhận GS, PGS để ngăn chặn việc có thêm nhiều người năng lực nghiên cứu khoa học kém, thậm chí không nghiên cứu gì, thâm nhập vào đội ngũ GS, PGS của nước nhà, thì nhà nước lại làm một “chuyến tàu vét”.
PGS Châu nói: “Tốt nhất là nên cố gắng để có được một quy định mà trong đó các tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế. Giờ cái gì cũng hội nhập rồi, kể cả bóng đá, mà riêng tiêu chuẩn GS, PGS ta cứ một mình một chợ là rất không nên. Và phải cố gắng làm sao để PGS, GS thực sự là những chức danh công việc, nghề nghiệp chứ chẳng có gì là ghê gớm để mà bộ trưởng, thứ trưởng hay doanh nhân gì cũng phải bon chen vào “kiếm” một chân GS, PGS. Trước khi có tiêu chuẩn mới thì nên tạm ngừng việc xét công nhận GS, PGS”.
Cần phá những rào cản vô lý
Còn GS Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, nhận định: “Vấn đề không phải là tiêu chuẩn quá thấp. Cái sai của cách chọn lọc hiện giờ là nó dựng lên hàng rào thấp để cho những trường hợp không xứng đáng qua được, nhưng lại chứa đựng những sự phi lý để những người xứng đáng không thể nào qua nổi. Cái tệ hại là chỗ đó”.
Tuy nhiên, GS Phú cho rằng ông không quan tâm kết quả rà soát, bởi đó là chuyện vặt vãnh. “Cái tôi và nhiều đồng nghiệp quan tâm là vấn đề chính sách. Chúng tôi góp ý để có một bộ tiêu chuẩn PGS, GS tốt, không nhằm cản những người không xứng đáng vào, mà là để phá những rào cản phi lý để những người xứng đáng phải được vào. Muốn thế phải bỏ những cái mà nước ngoài không bao giờ đòi hỏi khi phong GS, mà một ví dụ tiêu biểu là tiêu chuẩn viết sách. Thậm chí, vì quyền lợi khoa học nước nhà phải cấm nhiều người viết sách, vì sách họ viết ra không chỉ phần lớn có nguy cơ vi phạm đạo đức (đạo văn) mà còn là chất lượng cực thấp. Dùng sách đó để dạy học trò thì làm hại các thế hệ học trò. Nhưng người ta dựng tiêu chuẩn đó lên để cản những người xứng đáng”, GS Phú nói.
Cần công khai hồ sơ ứng viên trước khi công bố kết quả rà soát
Theo một tiến sĩ ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, điều mà Hội đồng chức danh GS nhà nước cần phải làm là minh bạch, sòng phẳng công bố điểm chấm cho từng thí sinh như công bố điểm thi đại học. Thậm chí cần công khai điểm chấm ở hội đồng các cấp (cơ sở, ngành/liên ngành, nhà nước) vì mỗi người chấm sẽ có những thang điểm khác nhau, qua đó sẽ biết được trình độ của người chấm hay của hội đồng. Những hồ sơ đạt chuẩn hoặc dư chuẩn nhưng không qua vòng bỏ phiếu thì cần được giải thích thỏa đáng.
TS Đỗ Ngọc Quyên cũng cho rằng nếu rà soát theo tiêu chí năng lực của ứng viên qua chất lượng của các công trình khoa học, các bài báo, ấn phẩm công bố thì chắc chắn kết quả công nhận GS, PGS năm 2017 sẽ có rất nhiều thay đổi, thậm chí nếu rà soát theo hướng này thì chức danh của các GS, PGS được công nhận từ các năm trước cũng sẽ bị lung lay.
“Để làm triệt để thì khó, nhưng tối thiểu nên công khai hồ sơ khoa học của ứng viên, công khai bảng chấm điểm từng ứng viên, và nên niêm yết kết quả khoảng 30 ngày, mở kênh nhận phản hồi để tiếp nhận các ý kiến trong ngành... rồi mới đưa ra kết quả cuối cùng”, TS Quyên đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.