Sẽ không dễ có 'mưa' điểm 10

25/01/2018 08:03 GMT+7

Ngày 24.1, Bộ GD-ĐT chính thức công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo nhiều giáo viên, với đề thi này, sự phân hóa rõ nét và sẽ không còn xảy ra tình trạng điểm 10 ồ ạt như năm ngoái.

Số câu khó môn toán tăng lên
Với đề thi tham khảo môn toán, có thể học sinh không đủ thời gian để làm bài
Thạc sĩ NGÔ THANH SƠN (Trường THPT Vĩnh Viễn - TP.HCM)
Nhận xét về đề tham khảo môn toán, thạc sĩ Ngô Thanh Sơn, Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM), cho rằng với đề thi năm 2017, độ khó không tăng nhưng số câu khó thì nhiều hơn. Nếu đề thi năm vừa rồi có 5 câu khó thì đề tham khảo năm nay có đến 13 câu. Tổng quát đề thi cho thấy, 20 câu đầu là những kiến thức đơn giản, yêu cầu nhẹ nhàng giúp học sinh (HS) dễ lấy điểm và mức độ khó tăng dần từ câu 20 trở đi.
Cũng theo thạc sĩ Sơn, trong đề thi tham khảo, kiến thức của lớp 11 tập trung vào tổ hợp, xác suất. Phần kiến thức này chiếm 10/50 câu. Ông Sơn nhận định: “Với đề thi này, có thể HS không đủ thời gian để làm bài”.
Ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho biết đề tham khảo đã có sự hoàn thiện hơn, thể hiện qua lời dẫn của các câu hỏi. 30 câu hỏi đầu vẫn là những kiến thức đơn giản. Những câu hỏi đề cập đến kiến thức lớp 11 chạy xuyên suốt chương trình, mỗi chủ đề có 1 câu, đặc biệt xác suất, tổ hợp chiếm tỷ trọng lớn (4 câu). Do đó, HS phải ôn tập kiến thức lớp 11, học thuộc công thức. Theo ông Toàn, mức độ phân hóa bắt đầu từ câu 31 trở đi và có độ khó hơn đề cũ. Tuy nhiên, khác với mong đợi của giáo viên là đề thi sẽ có câu hỏi vận dụng nhiều hơn để tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới thì đề tham khảo chỉ có một câu, tương tự năm trước.
Ông Toàn cho rằng điều đáng ghi nhận của đề này là ở những câu hỏi hình học tương đối phức tạp thì Bộ không bắt buộc thí sinh phải vẽ hình mà cho hình sẵn, thí sinh chỉ cần tư duy để làm bài.
Đề văn hay hơn, thay đổi nhiều ở nghị luận văn học
Xem chi tiết các đề thi tham khảo để có thể làm quen trong quá trình dạy học và ôn tập phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại: thanhnien.vn/giao-duc.
Với đề môn ngữ văn, giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho rằng nếu so với đề thi năm 2017, đề thi tham khảo hay và hấp dẫn hơn. Phần kiến thức thuộc chương trình lớp 11 cũng không quá nhiều mà ở mức chấp nhận được. Ngay phần đầu, nội dung câu đọc - hiểu cũng thiết thực hơn so với năm trước khi yêu cầu HS viết về việc tự trải nghiệm của bản thân, tạo cơ hội cho HS thể hiện kỹ năng chứ không sa đà vào việc kiểm tra kiến thức ngữ pháp. Đây là yếu tố rất cần thiết vì thực tế nhiều HS hiện nay chỉ biết học như người máy.
Điều cần nói nhất và thay đổi nhiều nhất so với đề thi năm 2017 chính là câu hỏi về nghị luận văn học. Đề yêu cầu thí sinh viết cảm nhận về hình ảnh người lái đò sông Đà vượt thác trong tác phẩm Người lái đò sông Đà và liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù để nhận xét quan niệm của nhà văn Nguyễn Tuân về vẻ đẹp con người. Nội dung câu hỏi có tính phân hóa rất rõ, giúp những thí sinh khá, giỏi thể hiện.
Theo giáo viên Đức Anh, mặc dù đề tham khảo khó hơn so với đề thi chính thức 2017 nhưng tạo niềm tin cho cả giáo viên và HS, đó là phải dạy - học nghiêm túc mới có thể làm tốt được.
Buộc thí sinh phải học nghiêm túc
Còn với môn tiếng Anh, giáo viên Lê Thanh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), nhận xét nội dung và hình thức, mức độ yêu cầu tương tự như năm trước. Những HS có học lực trung bình khá có thể đạt từ 4 - 5 điểm, thích hợp cho mục tiêu xét tốt nghiệp. Phần đoạn văn đọc - hiểu chủ yếu để phân hóa những thí sinh đạt điểm cao xét tuyển vào những trường ĐH tốp đầu.
Qua đề tham khảo môn vật lý, giáo viên Lê Thị Ngọc Dung, Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho biết số câu hỏi phân hóa nhiều hơn đề thi năm 2017. Trong đó những câu hỏi về kiến thức lớp 11 được biên soạn độc lập với số lượng khoảng 7 câu. Những câu hỏi đòi hỏi vận dụng cao trải hầu hết các chương kiến thức và có tập trung ở chủ điểm điện xoay chiều. Nói chung, với nội dung đề đòi hỏi HS phải học nghiêm túc chứ không thể xảy ra “mưa” điểm 10 như năm trước nữa.
Phân hóa rõ hơn, không chủ quan với kiến thức lớp 11
Bà Nguyễn Thị Như Hương, giáo viên (GV) dạy ngữ văn lớp 12 Trường THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội), cho rằng: Việc công bố đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2018 đặc biệt quan trọng vì đã giúp GV và học sinh (HS) có hình dung cụ thể về cách thức ra đề năm nay.
Trước đây, chỉ nghe Bộ GD-ĐT thông báo đề thi năm 2018 có phần kiến thức lớp 11, đề thi sẽ phân hóa tốt hơn nhưng thầy trò vẫn chỉ đoán mò với nhau chứ chưa biết kiến thức lớp 11 sẽ xuất hiện thế nào trong đề thi, nhiều hay ít…
Đề minh họa môn văn vừa công bố được bà Hương đánh giá là hay, có độ phân hóa rõ rệt hơn hẳn so với đề thi năm 2017. Trong đó có lượng kiến thức của lớp 11 ở phần nghị luận văn học (5 điểm). Nghĩa là, để làm được trọn vẹn phần đề này, HS sẽ phải nắm vững tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân ở lớp 11. Như vậy, dù khó định lượng rạch ròi nhưng phần kiến thức lớp 11 cũng chiếm khoảng gần 30% trong toàn bộ đề thi.
Cũng theo bà Hương, với đề thi như vậy, chắc chắn số HS đạt điểm 9 sẽ rất ít chứ không thể nhiều như năm trước. HS sẽ phải lật lại hết chương trình lớp 11 để ôn tập vì nếu không nắm vững thì sẽ rất dễ bị mất điểm ở phần nội dung có liên quan đến kiến thức lớp 11. Nhìn chung, đề tham khảo năm 2018, môn văn nên phân hóa theo hướng như vậy thì sẽ đáp ứng được yêu cầu là một đề thi với 2 mục tiêu, vừa dùng để xét tốt nghiệp, nhưng lại phải có tính phân loại cao để làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH, tránh tình trạng “mưa” điểm 9, điểm 10 như trước kia.
Tuy nhiên, bà Hương cũng chia sẻ, đây chỉ là đề tham khảo. Vì vậy, HS vẫn cần học hết toàn bộ kiến thức lớp 11, tránh học tủ. HS sẽ phải lật lại hết chương trình lớp 11 để ôn tập vì nếu không nắm vững thì rất dễ bị mất điểm ở phần nội dung có liên quan đến kiến thức lớp 11.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, GV toán tại hệ thống học trực tuyến Hoc24h.vn, cho rằng thực sự nếu so độ khó của đề tham khảo 2018 với đề thi THPT quốc gia năm 2017 thì đề tham khảo năm 2018 khó hơn rất nhiều. Đề tham khảo tăng độ khó lên, kiến thức trong đề bao phủ chương trình lớp 11 và lớp 12. Có câu kết hợp cả kiến thức lớp 11 và lớp 12 để xử lý. Ví dụ: câu 42 HS có thể dễ dàng đạt 6 điểm. Từ câu 1 - 30: kiến thức rất cơ bản, bấm máy tính thoải mái.
Từ câu 31 - 40: Mức 6 - 8 điểm, câu chuyện đã khác đi khá nhiều, đòi hỏi kỹ năng xử lý biến đổi bài tập tốt. Từ mức độ trên 8 - 10 điểm, đan xen cả câu cơ bản và câu vận dụng, vận dụng cao. Yêu cầu HS phải hiểu rõ bản chất mới có thể làm hết được. Kiến thức lớp 11 phù hợp, rơi vào yêu cầu vận dụng và câu vận dụng cao. Kiến thức lớp 12 trong đề bao phủ toàn bộ kiến thức của lớp này. Nội dung trong đề cũng không ra vào phần giảm tải. Kiến thức bám sát theo sách cơ bản.
Tuệ Nguyễn (ghi)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.