|
Dạy cho học sinh đọc, viết, nói, nghe
Mục tiêu và phương pháp dạy môn ngữ văn sẽ ra sao khi chương trình giáo dục phổ thông mới thay đổi hướng tiếp cận, từ truyền thụ kiến thức sang phát huy năng lực của người học. Những biểu hiện cụ thể trong thay đổi ấy là gì, thưa ông?
Do chuyển cách tiếp cận trong việc xây dựng chương trình nên mục tiêu và phương pháp dạy học ngữ văn cũng phải thay đổi. Chương trình lần này tập trung phát triển phẩm chất và năng lực.
Năng lực ngữ văn thể hiện rõ nhất ở việc học sinh (HS) đọc, viết, nói và nghe như thế nào. Đọc được hiểu theo nghĩa rộng với nhiều yêu cầu và mức độ khác nhau, trong đó đọc hiểu, tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá văn bản, nhất là văn bản văn học vẫn được chú trọng. Viết không chỉ yêu cầu HS biết viết chữ, câu, đoạn mà còn tạo ra được các kiểu loại văn bản, trước hết là các kiểu loại văn bản thông dụng, sau đó là một số văn bản phức tạp hơn. Nói và nghe căn cứ vào nội dung của đọc và viết để luyện tập cho HS trình bày, nói và nghe tự tin, có hiệu quả, từ nói đúng đến nói hay.
tin liên quan
Học văn nhưng không thể tả đúng con mèo!Câu chuyện một du học sinh VN phản ứng cách dạy học môn văn hiện nay vì cho rằng sau 12 năm học tiếng Việt nhưng khả năng viết, diễn đạt, lập luận hết sức kém cỏi một lần nữa đặt ra vấn đề học môn văn để làm gì.
Tuy nhiên, muốn có năng lực đọc, viết, nói và nghe tốt thì HS phải có kiến thức vững chắc. Chỉ khác là các kiến thức phổ thông cơ bản, nền tảng về văn học, giao tiếp, tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động dạy đọc, viết, nói, nghe và phục vụ cho các hoạt động ấy một cách thiết thực, hiệu quả.
Về phương pháp, giáo viên (GV) cần hạn chế tối đa việc độc giảng và áp đặt nội dung, cách hiểu theo ý của mình mà chỉ là người tổ chức, hướng dẫn để HS tự tìm hiểu, tự thu thập, khám phá và rút ra kết luận, hoàn chỉnh tiếp những hiểu biết của mình. Hướng dẫn HS cách đọc hiểu, cách tiếp cận, cách viết một văn bản theo kiểu loại thông qua thực hành, vận dụng là chính. Tôn trọng kết quả tiếp nhận và tạo lập văn bản của HS, khuyến khích HS có ý tưởng độc đáo, sáng tạo…
|
Gần gũi, thiết thực hơn
Nhiều ý kiến mong muốn môn ngữ văn sẽ được dạy một cách gần gũi, thiết thực hơn. Theo ông, mong muốn này có chính đáng không và liệu có được thể hiện trong chương trình mới?
Đó là một mong muốn rất chính đáng. Lâu nay, do truyền thống coi trọng văn chương nên cứ nói đến môn ngữ văn là người ta nghĩ ngay đến việc môn này chỉ dạy các tác phẩm văn học... Mà ngay tác phẩm văn học cũng chỉ coi trọng những tác phẩm hư cấu: thơ, truyện, tiểu thuyết... còn văn nghị luận và các loại văn bản khác ít được chú ý. Thế nên, nếu hỏi học xong bài thơ, thiên truyện hay tiểu thuyết thì ứng dụng được gì trong cuộc sống cũng thật khó chỉ ra cụ thể và có sức thuyết phục.
|
HS sẽ biết cách viết các kiểu loại văn bản thông dụng, từ văn miêu tả, tự sự, nghị luận, biểu cảm đến các văn bản mang tính ứng dụng thường nhật như đơn từ, giấy phép, thư xin việc; cách viết quảng cáo cho một sản phẩm; cách phản biện để bảo vệ hoặc bác bỏ một ý kiến; cách giới thiệu một cuốn sách, một sản phẩm…
Chương trình cũng chú ý luyện tập cho HS trình bày, nói và nghe một cách tự tin, có hiệu quả; từ nói đúng đến nói hay; có thái độ đúng mực, có văn hóa trong nói và nghe hằng ngày.
Sẽ chú ý đến tính ứng dụng của môn học này và đáp ứng được các ý kiến cho rằng cần dạy và học ngữ văn một cách giản dị, gần gũi, thiết thực hơn.
Kết hợp tính công cụ và thẩm mỹ
Luồng ý kiến khác lại lo ngại, nếu đi theo hướng ông vừa nói thì liệu mục tiêu trang bị cho người học về giá trị thẩm mỹ, nhân văn của môn ngữ văn có còn nữa hay không?
Sẽ không ổn nếu dạy và học ngữ văn chỉ dừng lại ở đó, chỉ nhằm mục đích ấy. Bởi vì ngữ văn không chỉ có tính công cụ, mà còn mang đậm tính thẩm mỹ - nhân văn, giúp HS phát triển những phẩm chất cao đẹp.
Qua những tác phẩm văn học chọn lọc và đặc sắc, môn ngữ văn giúp HS có đời sống tinh thần phong phú; có những cảm xúc lành mạnh, biết tôn trọng cái đẹp; có cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có lòng trắc ẩn, vị tha, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn.
tin liên quan
Đơn xin 'ly dị' môn vănTrải qua 4 năm du học, không chỉ cảm nhận từ bản thân mà còn lắng nghe chia sẻ của bạn bè, cuối cùng Lê Uyên Phương, du học sinh ngành tài chính tại Hà Lan viết lá đơn 'li dị' với môn ngữ văn.
Ngoài ra, bồi dưỡng cho HS tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa VN; hình thành và phát triển con người nhân văn, biết tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá các giá trị cao đẹp trong văn học và cuộc sống...
Để dung hòa 2 mong muốn đã nêu, chương trình ngữ văn mới phải chú ý kết hợp hài hòa cả 2 tính chất công cụ và thẩm mỹ - nhân văn của môn học này.
Bình luận (0)