Tôi đã tiếp cận với dự thảo nhiều lần và với lần công bố dự thảo này, diện mạo giáo dục phổ thông đã được phác họa đầy đủ các bậc học, từ quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông đến mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, kế hoạch giảng dạy đến định hướng về phương pháp giáo dục, kết quả đánh giá giáo dục cũng như các điều kiện để thực hiện chương trình, phát triển chương trình...
Thách thức cho giáo viên
Ở các nước có nền giáo dục phát triển, việc "làm mới" chương trình giáo dục là công việc thường xuyên với tên gọi "phát triển chương trình học". Tất cả giáo viên đều được học và thực hành môn học về chương trình, thường xuyên thực hiện phát triển chương trình học khi hành nghề.
Ở VN, một số trường ĐH sư phạm/khoa sư phạm mới đưa môn học về chương trình vào nhà trường trong vài năm gần đây. Khái niệm về xây dựng và phát triển chương trình học tuy không còn xa lạ nhưng cũng là một khó khăn cho giáo viên khi hành nghề. Đây là một thách thức vô cùng lớn vì ngay trong dự thảo, mục quan điểm xây dựng chương trình đã nêu "Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở". Giáo viên, nếu không được học và thực hành về xây dựng và phát triển chương trình sẽ gặp những khó khăn nhất định khi thực hiện.
tin liên quan
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tác động nhiều nhất đến bậc THPTDự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến góp ý.
Về các môn học mới như tìm hiểu công nghệ ở bậc tiểu học; khoa học tự nhiên, công nghệ và hướng nghiệp bậc THCS; hoạt động nghệ thuật, giáo dục kinh tế và pháp luật, thiết kế và công nghệ, khoa học máy tính bậc THPT là những môn học mới mà các trường sư phạm chưa có đào tạo, cũng là một khó khăn khi thực hiện chương trình này.
|
Tất cả các công việc để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, sự thành công hay thất bại của nó, phần lớn phụ thuộc vào sự đồng tình ủng hộ và thực hiện chương trình của đội ngũ giáo viên. Nên nếu như chúng ta không tạo được sự đồng thuận của giáo viên thì không thể thực hiện được đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tất cả giáo viên phải vào cuộc, ngay từ khi lấy ý kiến cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đến việc góp ý cho chương trình môn học, sách giáo khoa, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông... mới hy vọng vào sự thành công của chương trình lần này.
tin liên quan
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sẽ xét tốt nghiệp THPT thay vì thi?Hôm nay 12.4, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức họp báo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Lo lắng về thời gian thực hiện
Nhiều người lo lắng về thời gian gấp rút của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ bắt đầu từ năm học 2018 - 2019. Tính đến thời điểm đó, chúng ta còn 17 tháng với rất nhiều công việc như: Ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, xây dựng và ban hành chương trình môn học, biên soạn sách giáo khoa theo nghị quyết của Quốc hội - một chương trình nhiều sách giáo khoa, tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới... Sự lo lắng ấy là không thừa và đòi hỏi câu trả lời của các nhà xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Trong mục thời lượng giáo dục, quy định số giờ dạy cho mỗi môn học và số tiết học trong một tuần, chúng tôi thấy tổng số giờ/tuần cho học sinh lớp 1, 2 và 3 là 31 tiết học, lớp 4 và 5 là 32 tiết. Với số tiết như trên, học sinh tiểu học phải học hơn 6 giờ một ngày (nghĩa là phải học hai buổi/ngày). Trong điều kiện hiện nay, nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM khó có thể tổ chức tất cả các lớp học bậc tiểu học 2 buổi/ngày. Đây cũng là một thách thức không nhỏ cho chính quyền địa phương, cho các trường tiểu học khi mà quỹ đất xây dựng trường học không phải là ưu tiên của các thành phố lớn hiện nay.
tin liên quan
Cần xác định rõ mục tiêu các môn họcGóp ý cho dự thảo chương trình tổng thể, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xác định chính xác mục tiêu các môn học.
Ý kiến
Giáo viên sẽ được tập huấn thế nào ?
Điều mà giáo viên và học sinh cần đó là nội dung và sự kế thừa, liên tục ở từng lớp của từng bậc học. Các kiến thức và yêu cầu đưa vào nội dung chương trình cần đẩy mạnh hướng hiểu để vận dụng, trang bị kỹ năng chứ không nên hàn lâm, quá cao siêu. Điều quan trọng mà giáo viên quan tâm đó là chỉ còn khoảng một năm nữa là chính thức triển khai chương trình, vậy công việc tập huấn giáo viên thực hiện như thế nào? Bộ cần có kế hoạch thực hiện việc này bài bản vì chỉ khi giáo viên tự tin về phương pháp và nội dung mình sẽ truyền đạt thì thực sự mới đạt hiệu quả.
(Một giáo viên Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, TP.HCM)
Nên để địa phương chủ động tập huấn
Thời gian áp dụng nên có sự tính toán kỹ lưỡng. Bộ nên định hướng, cho người dạy tiếp cận với nội dung qua việc cung cấp tư liệu để giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu trước khi tổ chức tập huấn. Khi có sách giáo khoa thì thời gian tập huấn tập trung vào việc chỉ ra điểm mới, yêu cầu thực hiện ra sao, giải đáp thắc mắc. Bộ nên để các địa phương chủ động tập huấn chứ không nên tập huấn khu vực như trước đây. Bởi do có khung chương trình, các tỉnh thành sẽ tự tổ chức tập huấn theo đặc trưng và đưa ra hướng phát triển theo chiều sâu.
(Một lãnh đạo phòng giáo dục tại TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
|
Bình luận (0)