Hệ thống giáo dục hoàn thiện
Theo đề án, Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn là trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng trình độ cao thuộc các nhóm ngành mũi nhọn của TP.HCM và khu vực. Dự kiến trường tổ chức tuyển sinh và khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 9.2019. Các khối ngành dự kiến đào tạo theo lộ trình gồm khối kỹ thuật công nghệ, kinh tế, ngoại ngữ và chăm sóc sức khỏe... Trường này sẽ là một thành viên trực thuộc Hệ thống giáo dục Đại Việt.
Hệ thống giáo dục Đại Việt đã đầu tư khởi điểm Trường trung cấp Đại Việt TP.HCM. Qua thời gian phát triển, từ một trường trung cấp, một số trường cao đẳng và trung cấp khác như CĐ Đại Việt Sài Gòn, CĐ Đại Việt Đà Nẵng, Trung cấp Đại Việt Cần Thơ, trường THCS-THPT Phan Bội Châu bắt đầu được sáp nhập vào và trở thành một hệ thống giáo dục. Sự ra đời của Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn sẽ giúp cho hệ thống này hoàn thiện hơn và phát huy được những thế mạnh sẵn có.
Thế mạnh đó là gì? Đó là sự liên thông đào tạo hoàn chỉnh từ trung cấp lên đại học đối với những ngành nghề đặc thù, đang là nhu cầu lớn của xã hội hiện đại. Hiện tại, những trường trong Hệ thống giáo dục Đại Việt đang rất mạnh trong việc đào tạo những khối ngành như: sức khỏe, sư phạm, kinh tế và luật, ngoại ngữ và du lịch. Đặc biệt, khối ngành công nghệ ô tô những năm gần đây được rất nhiều thí sinh lựa chọn vì uy tín trong đào tạo. Với sự phát triển của công nghệ ô tô tại VN, đây là hướng đi mà ngày càng nhiều bạn trẻ theo đuổi.
|
Phù hợp định hướng của Chính phủ
Theo Quyết định Về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ không thành lập trường mới ở khu vực Hà Nội và TP.HCM. Chính phủ khuyến khích thành lập các trường ĐH không vì lợi nhuận để đảm bảo ổn định, phục vụ xã hội. Luật Giáo dục ĐH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua cũng quy định định rất rõ về trường ĐH không vì lợi nhuận: không được chia lãi theo thông lệ quốc tế; chênh lệch thu chi để đầu tư phát triển trường là tài sản chung hợp nhất không phân chia. Tài sản chung hợp nhất không phân chia (gồm: tài sản được viện trợ, tài trợ, hiến tặng, cho tặng và tài sản khác được pháp luật quy định) thuộc sở hữu của cộng đồng nhà trường, do hội đồng quản trị đại diện quản lý, sử dụng vì mục đích phát triển trường và phục vụ lợi ích của cộng đồng, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển, không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.
|
Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Lâm, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Đại Việt, chia sẻ: “Định hướng của Chính phủ khuyến khích thành lập các trường ĐH không vì lợi nhuận là rất chính xác. Trường tư hoạt động theo mô hình này sẽ tránh được “vết xe đổ” của các trường ĐH tư thục thời gian qua như tranh giành quyền lực, mâu thuẫn nội bộ giữa HĐQT và hiệu trưởng... Quan trọng hơn, đây là trường học của xã hội, mọi nguồn lực sẽ quay về tái đầu tư trường cũng như nâng cao đời sống cho giảng viên, phục vụ tốt sinh viên. Sẽ có nhiều học bổng cho sinh viên khó khăn, thu hút được nhiều sinh viên quốc tế...”.
|
Bình luận (0)