Thay đổi khen thưởng để khích lệ tài năng

08/10/2018 07:07 GMT+7

Bộ GD-ĐT lý giải sau 16 năm, việc khen thưởng học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế đã không còn phù hợp về mức thưởng và hình thức khen thưởng.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, nhiều đại biểu cho rằng hiện giải thưởng và tiền thưởng cho học sinh (HS) giỏi cấp quốc gia, quốc tế rất thấp, trong khi giải thưởng, tiền thưởng cho các vận động viên (VĐV) rất cao, và đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tiễn và các quy định hiện hành.
Mức thưởng không còn phù hợp
Ông Nguyễn Văn Vui, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ GD-ĐT, nhìn nhận: sau 16 năm thực hiện Quyết định số 158 của Thủ tướng Chính phủ ngày 15.11.2002 quy định về chế độ khen thưởng đối với HS, sinh viên (SV) đoạt giải trong các kỳ thi HS-SV giỏi, olympic quốc gia, olympic quốc tế, kỹ năng nghề quốc gia và kỹ năng nghề quốc tế, việc khen thưởng đã không còn phù hợp về mức thưởng và hình thức khen thưởng. Ông Vui dẫn chứng: Tại thời điểm ban hành Quyết định số 158, mức thưởng đối với HS-SV đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế cao so với mức lương cơ sở năm 2002. Ví dụ, HS đoạt thành tích cao nhất là huy chương vàng (HCV) quốc tế được thưởng 15 triệu đồng, tương đương 71 lần mức lương cơ sở (210.000 đồng); HCV châu Á được thưởng 10 triệu đồng, tương đương 47 lần mức lương cơ sở...

Trong khi đó, HS đoạt HCV quốc tế năm 2002 được thưởng 15 triệu đồng nay chỉ còn gấp 11 lần so với mức lương cơ sở là 1,390 triệu đồng; mức thưởng thấp nhất cho HS đoạt giải ba trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia, kèm theo bằng khen của Bộ trưởng là 400.000 đồng, gấp gần 2 lần mức lương cơ sở năm 2002, nhưng hiện nay chỉ còn tương đương 0,3 lần so với mức lương cơ sở.
Do vậy, theo ông Vui, việc Bộ GD-ĐT trình Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách về mức thưởng đối với HS-SV đoạt giải quốc gia, quốc tế bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 91 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Thi đua, khen thưởng, trong đó quy định mức thưởng cho các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đã tăng khoảng hơn 4 lần so với mức thưởng năm 2002, là rất cần thiết.
Về hình thức khen thưởng, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra Quyết định 158 hiện nay không còn phù hợp với luật Thi đua, khen thưởng. “Là người có một số năm làm công tác thi đua, khen thưởng, tôi lo lắng nhất một điều, người tốt, các nhà khoa học giỏi làm việc tốt, làm khoa học giỏi chưa bao giờ vì mục đích để được khen thưởng. Vì vậy, người làm công tác khen thưởng không tìm được, động viên được và khích lệ được việc này là chưa thành công”, ông Vui chia sẻ.
Căn cứ pháp lý để thay đổi khen thưởng
Theo Bộ GD-ĐT, có đủ căn cứ pháp lý để sửa đổi các chính sách và xây dựng Nghị định quy định chế độ khen thưởng đối với HS-SV đoạt giải trong các kỳ thi HS-SV giỏi quốc gia, quốc tế để thay thế các chính sách đã được quy định tại Quyết định số 158.
Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, cũng xác định rõ: “Tôn vinh, khen thưởng xứng đáng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc và đóng góp nổi bật cho sự nghiệp GD-ĐT”. Ngày 14.8.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc xây dựng Nghị định quy định chế độ khen thưởng đối với HS-SV đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế…
Căn cứ nào tặng huân chương lao động cho học sinh ?
Nhiều ý kiến băn khoăn dự thảo có quy định sẽ tặng Huân chương Lao động cho một số thành tích đặc biệt của HS. Ông Vui nêu dẫn chứng, Nghị định số 91 quy định hình thức khen thưởng gồm: bằng khen của Bộ trưởng, bằng khen của Thủ tướng và huân chương lao động các hạng. Ứng với mỗi hình thức khen thưởng đều có quy định khen thưởng thành tích đột xuất, thành tích xuất sắc hoặc đặc biệt xuất sắc.
Ngoài ra, nghị định này cũng quy định trong một năm học, nếu một HS đoạt nhiều thành tích trong các kỳ thi quốc tế thì được khen thưởng hình thức cao nhất, tránh trường hợp được tặng thưởng 2 huân chương hoặc 1 huân chương và 1 bằng khen của Thủ tướng trong 1 năm.
Một điểm khác đáng chú ý trong dự thảo lần này xuất phát từ Quy chế thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật và thi tay nghề, HS-SV tham gia theo nhóm, đội; mỗi nhóm, đội có từ 2 - 3 HS-SV. Do vậy, về tiền thưởng, Bộ GD-ĐT đề xuất mỗi HS trong nhóm được hưởng mức tiền thưởng tương ứng với giải cá nhân nhằm động viên, khích lệ các HS-SV tham gia trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật và thi tay nghề.
Vì sao thưởng HS-SV thấp hơn VĐV ?
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Vui cho hay: Bộ GD-ĐT, Ban soạn thảo dự thảo nghị định, các bộ cũng đã thảo luận kỹ vấn đề này. Sở dĩ có sự chênh lệch là do đặc thù hoạt động của các VĐV. Đối với các VĐV, hoạt động thể dục thể thao là một nghề, thường vào nghề từ rất sớm, có khi suốt cả sự nghiệp chỉ được một giải; đặc biệt là tuổi hoạt động trong nghề rất có giới hạn (có VĐV vì lý do thương tật chưa đến tuổi 30 đã phải giã từ sự nghiệp).
Còn đối với HS-SV, các em chỉ đoạt giải quốc gia, quốc tế khi đã vào học THPT. Các em đoạt giải cao nhưng cũng mới chỉ là dấu hiệu của tài năng và sự nghiệp của các em giờ mới là bắt đầu. Do vậy, hình thức thưởng, mức thưởng khác nhau giữa hai đối tượng này là phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.