Thấy gì qua thực nghiệm chương trình mới?: Giáo viên sẽ đuối!

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
24/04/2018 08:05 GMT+7

Chủ biên chương trình một môn học phải thốt lên 'Giáo viên dạy để sống chứ đâu phải dạy để… chết!'. Trong khi đó nhiều người cũng nhận ra rằng nếu không khéo học sinh sẽ bị bỏ rơi trong chương trình mới khi lớp học quá đông.

Qua một tháng dạy thực nghiệm chương trình (CT) mới, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó có việc dạy học tích hợp, những điều bất khả thi khi phải dạy một lớp học với sĩ số quá đông…
Có phải 3 giáo viên dạy 1 bài “tích hợp” ?
Chúng ta giải quyết vấn đề sĩ số không chỉ vì người học mà còn phải vì GV. Phải biết thương GV. Họ dạy để sống chứ đâu phải dạy để... chết
GS ĐỖ ĐỨC THÁI Chủ biên chương trình môn toán
Một trong những điểm được dư luận xã hội quan tâm trong CT mới là việc dạy học tích hợp sẽ ra sao khi triển khai vào thực tiễn. Ngay chính các trường cũng chưa hình dung đầy đủ về điều này. PGS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên CT môn khoa học tự nhiên ở THCS, cho biết môn khoa học tự nhiên là một trong những môn học có nhiều điểm mới nhất.
Theo PGS Tuấn, cách tích hợp của CT môn khoa học tự nhiên không phải là cộng mỗi môn một chút. Điều quan trọng là huy động kiến thức của cả 3 ngành khoa học để giải đáp những vấn đề thực tiễn. Có những bài khi đưa vào thực nghiệm, giáo viên (GV) vật lý dạy sẽ thuận lợi hơn nhưng có những bài GV sinh học hoặc hóa học dạy sẽ thuận lợi hơn. Nói như vậy để khẳng định không có chuyện một bài mà 3 GV cùng dạy. Quan niệm tích hợp như thế là không đúng, nhưng nhiều người vẫn đang hiểu theo cách này.
GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên CT môn toán, nhấn mạnh không có môn học nào gọi là môn tích hợp, đó chỉ là cách gọi tắt làm sai lệch khái niệm về môn học. Yêu cầu tích hợp không chỉ thể hiện ở các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý mà còn thể hiện ngay trong một môn học truyền thống như toán. Vấn đề là GV có tích hợp được kiến thức của các môn học với nhau và tích hợp được kiến thức lý luận với kiến thức thực tiễn hay không. Thường thì để giải quyết các vấn đề thực tiễn, sẽ phải huy động hiểu biết của nhiều môn học, chứ không thể chỉ giới hạn ở kiến thức của một môn.
Quay cuồng với lớp học quá đông

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CT giáo dục phổ thông mới, khuyến cáo về việc sĩ số học sinh (HS) trong một lớp quá đông thì sẽ rất khó thực hiện CT mới.
GS Đỗ Đức Thái cho hay việc thực nghiệm CT môn toán ở 2 lớp sĩ số lên tới 65 HS/lớp của một trường nội thành Hà Nội khiến GV quay như… chong chóng nhưng chỉ đạt được yêu cầu ở mức chấp nhận được. Đáng lo ngại là những HS đuối trong lớp sẽ không được quan tâm đúng mức. “Chúng ta giải quyết vấn đề sĩ số không chỉ vì người học mà còn phải vì GV. Phải biết thương GV. Họ dạy để sống chứ đâu phải dạy để… chết”, GS Thái nói.
GS Thuyết cũng cho rằng: “Một lớp quá đông thì GV làm sao có thể tổ chức trải nghiệm thực tiễn? Do vậy chúng tôi không tin và không ca ngợi việc một GV dạy lớp học quá đông HS mà vẫn dạy tốt”.
TS Bùi Phương Nga, Chủ biên CT môn khoa học ở cấp tiểu học, chia sẻ: “Tôi đi dự giờ thực nghiệm ở một lớp có 60 HS. Dù GV đã rất nỗ lực, tổ chức hoạt động khá tốt nhưng cuối giờ thì GV tâm sự rất thực với chúng tôi là nếu cô mà dự giờ chúng em mấy tiết liền thì chúng em mệt lắm. Nói như vậy để thấy rằng GV chỉ có thể cố gắng được trong một thời gian ngắn”.
Hơn nữa, theo bà Nga, quyền lợi HS sẽ bị ảnh hưởng, bởi có những HS nằm trong nhóm bị “bỏ quên” ngay trong lớp học của mình vì lớp đông, cô giáo dễ tập trung vào những HS giỏi hoặc rất yếu, những học sinh trung bình không được rèn luyện các năng lực giao tiếp, năng lực nói trước đám đông…
Cần tăng lương và trao quyền chủ động cho GV
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, để GV có được động lực đổi mới, trước hết là trách nhiệm của những người biên soạn CT. Thứ hai là trách nhiệm của người viết SGK. Nếu ngay những cuốn SGK đầu tiên đã tạo ra được hiệu quả trong dạy và học thì GV sẽ phấn khởi, hào hứng với công việc đổi mới. Thứ ba là cải thiện điều kiện làm việc cho GV. Trong lúc chưa thể tăng lương thì đừng bắt GV dạy tới 60 HS/lớp, trong khi quy định của Bộ tối đa chỉ được bố trí 35 HS/lớp ở tiểu học,
40-45 HS/lớp ở trung học. Thứ tư là trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho GV. GV phải được chủ động chứ không phải suốt ngày lo cấp trên dự giờ, bắt ne bắt nét thiếu câu này, sai từ nọ trong SGK. Có được quyền chủ động, GV mới có cảm hứng, động lực đổi mới và sáng tạo được.

Sẽ cắt bỏ những nội dung, yêu cầu chưa phù hợp
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc sau thực nghiệm thì việc điều chỉnh CT môn học có được đặt ra hay không, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng kết quả thực nghiệm là một trong những thông tin quan trọng để điều chỉnh CT.
GS Đỗ Đức Thái khẳng định kể cả khi chúng ta kết luận một CT tốt thì có thể cũng chỉ tốt với số đông, vẫn còn một số ít vẫn thấy chưa tốt. Thực nghiệm là cơ hội để người xây dựng CT có trải nghiệm thực tế, trao đổi với người dạy, người học. “Do vậy, với môn toán, sau thực nghiệm chúng tôi sẽ phải tiếp tục cắt bỏ những nội dung, yêu cầu chưa phù hợp với thực tế”, GS Thái cho hay.
Còn PGS Mai Sỹ Tuấn thì cho rằng có những chỗ phải giảm nhẹ yêu cầu, có chỗ phải tăng lên, có chỗ điều chỉnh cách diễn đạt cho dễ hiểu hơn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.