Thầy giáo dạy tiếng Anh bằng bài hát 'Chuyện tình Lan và Điệp'

Bích Thanh
Bích Thanh
16/05/2018 17:07 GMT+7

Ngày 16.5, học sinh ở TP.HCM chia sẻ với nhau đoạn phim ngắn quay cảnh một giáo viên dạy học sinh hát bài Chuyện tình Lan và Điệp bằng tiếng Anh.

Trong đoạn phim ngắn do một học sinh của Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM) đưa lên trang cá nhân của mình quay cảnh giáo viên viết lời dịch tiếng Anh và lần lượt hướng dẫn học sinh hát theo. Cả giáo viên và học sinh hào hứng cùng hát theo lời bài hát: "I tell you hear, story Lan and Diep is a sad story. When Lan was young, she often dreamed, she wrote down a song. These day, Diep like butterfly, fly around Lan. Lan look like flower, love forever. Swear country never go away”. Nghĩa của đoạn bài hát ứng với tiếng Việt là: Tôi kể người nghe, đời Lan và Điệp một chuyện tình cay đắng. Lúc tuổi còn thơ, tôi vẫn thường mộng mơ, đem viết thành bài ca. Thuở ấy, Điệp vui như bướm trắng, say đắm bên Lan. Lan như bông hoa ngàn, thương yêu vô vàn. Nguyện thề non nước sẽ không hề lìa tan.

Khá nhiều học sinh tỏ ra hứng thú với hình thức dạy của thầy giáo nói trên. Một số học sinh cũ nhận ra thầy giáo của mình đã thốt lên: “Thầy Hùng đây mà”, “Ngày xưa thầy dạy hát hoài”, “Thầy giáo bá đạo”…

Qua tìm hiểu, phóng viên được ông Tống Phước Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10) xác nhận, giáo viên trong đoạn phim nói trên thầy Nguyễn Văn Hùng, làm ở tổ tiếng Anh của trường.

Với nội dung chia sẻ này, một số giáo viên cho rằng việc thay đổi hình thức giảng dạy giúp học sinh vui vẻ, giảm căng thẳng ngoài kiến thức theo chương trình là tích cực. Còn nếu đưa vào bài giảng chính khóa thì giáo viên cần phải đảm bảo tính chính xác và khoa học

Chẳng hạn, giáo viên L.T.T (Q.1) nhận xét về đoạn dịch lời bài hát theo kiểu tiếng Việt word by word, sai ngữ pháp, cách dùng từ… Giáo viên nhận xét rằng có thể thầy giáo dạy hát bằng tiếng Anh nên dịch như vậy nhằm mục dích khớp nhạc chứ không nhằm giúp học trò về kiến thức.

Trao đổi về vấn đề này với giáo viên Nguyễn Văn Hùng, Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10) cho biết thường xuyên sử dụng nhiều hình thức học khác nhau nhằm giúp học sinh cuối cấp giảm căng thẳng, mệt mỏi. Đoạn phim ngắn học sinh quay vào tuần trước vào thời điểm thư giãn. “Việc dạy học sinh hát bằng tiếng Anh đã được tôi thường xuyên sử dụng và thường có ý đồ cố tình tạo ra cái sai để sau đó vào tiết học sẽ yêu cầu học sinh sửa lỗi và kiểm tra cách dùng từ”, thầy Hùng nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.