Thầy giáo trẻ Đặng Văn Mười (28 tuổi, ngụ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) dạy môn vật lý tại Trung tâm giáo dục thường xuyên số 1 (1093 Ngô Quyền, Q.Sơn Trà) vốn mê sách từ nhỏ. Có bao nhiêu tiền, thầy giáo Mười đều đổ vào “nuôi” sách với ước mơ “trước 30 tuổi phải làm được một thư viện, dù nhỏ”. Giữa năm 2017, anh dốc gần 400 triệu đồng là toàn bộ số tiền dành dụm được để mở Thư viện mini Hiền Nhân nằm ở địa chỉ K34/89 Lê Hữu Trác (Q.Sơn Trà) nhằm nuôi dưỡng văn hóa đọc và khơi dậy thói quen đọc sách trong cộng đồng.
tin liên quan
'Thầy giáo Đàn gà con': Thích nghề giáo từ những bài thơ của nội'Ông nội tôi là giáo viên môn văn. Ông đã cho tôi thấy làm một người thầy phải như thế nào, từ những bài thơ ông viết, từ cách hướng dẫn tôi làm văn..., và tôi đã thích nghề giáo từ hồi đó', thầy Nguyễn Duy Nhất chia sẻ.
Thư viện có diện tích khá nhỏ, chỉ 50 m2, vốn là một căn nhà thuê theo hợp đồng 3 năm. Nhưng với sự bố trí khéo léo, sắp xếp khoa học của thầy giáo Mười, cùng với những chiếc bàn ghế xinh xắn… đã tại cảm giác thoải mái cho bạn đọc.
Các đầu sách đa dạng như văn học các nước, danh nhân, văn hóa, lịch sử, khoa học, truyện tranh… được phân loại hợp lý theo độ tuổi, có cả khu thảo luận như một góc học tập dành cho làm việc nhóm.
“Mình mong muốn sẽ truyền tải tình yêu sách đến học sinh, giúp các em có một nơi giải trí lành mạnh. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng được người thân động viên, ủng hộ nên ban đầu thư viện cũng khá tươm tất và nhiều em học sinh chọn làm địa chỉ thường xuyên ghé đến. Khi các em có thắc mắc, mình luôn tận tình tư vấn, hướng dẫn chọn sách”, thầy giáo Mười nói.
Cao Hồng Hạnh, học sinh ở Q.Sơn Trà, trở thành bạn đọc thường xuyên tại thư viện của thầy giáo Mười, sau khi được bạn bè giới thiệu. Với Hạnh, không gian này khác với các thư viện thông thường, bởi có thiết kế cuốn hút, hấp dẫn, gần gũi… tương tự như các cà phê sách nhưng không bị “loãng” và không bị mất tập trung. Thư viện chỉ thu mức phí “tượng trưng” 150.000 đồng/năm nhưng giảm 20 - 50% cho học sinh, sinh viên.
Theo thầy giáo Mười, mức thu này chủ yếu để bạn đọc có trách nhiệm với việc mượn và giữ gìn sách chứ không đặt lợi nhuận kinh doanh, bởi chi phí đầu tư ban đầu, thuê mặt bằng hằng tháng, lương nhân viên và chi phí vận hành khá cao. Hiện thư viện có 2.000 đầu sách và ông chủ Đặng Văn Mười đang tiếp tục đầu tư, phấn đấu đến năm 2020 đạt 10.000 đầu sách và hướng hoạt động đến chuyên nghiệp.
tin liên quan
Những giáo viên quyết liệt đổi mớiCó những nhà giáo say sưa đến quyết liệt với phương pháp giáo dục mới mẻ, bởi họ cảm nhận đó là con đường tốt nhất cho tương lai học sinh, dù hành trình 'bảo vệ' phương pháp ấy tốn nhiều thời gian, sức lực và chịu nhiều sức ép từ dư luận.
Theo khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, có đến 30% thư viện trường học trên địa bàn chưa đảm bảo cơ sở vật chất như phòng đọc hẹp, máy tính cũ hoặc thiếu, đầu sách chưa phong phú, thiếu sách lịch sử địa phương trong khi học sinh quan tâm nhiều truyện tranh, sách tham khảo, sách lịch sử… Nhiều trường học ở H.Hòa Vang thậm chí còn chưa có thư viện. Học sinh các quận, huyện xa lại càng khó có điều kiện tiếp cận các thư viện lớn như thư viện Khoa học tổng hợp nằm ở trung tâm thành phố. Do đó, mô hình thư viện mini Hiền Nhân của thầy giáo Đặng Văn Mười có thể được nhân rộng với sự hỗ trợ của địa phương, để góp phần xây dựng văn hóa đọc vốn đang bị hạn chế bởi sự “cạnh tranh” của mạng xã hội và lịch học thêm dày đặc.
Bình luận (0)