Thầy giáo luyện toán chia sẻ clip bí kíp làm bài thi đánh giá năng lực

09/05/2016 09:20 GMT+7

Một giáo viên trẻ chuyên luyện thi toán ở Hà Nội đã dự thi kỳ thi đánh giá năng lực với tư cách là một thí sinh, sau đó đăng clip chia sẻ bí kíp làm bài thi.

Đó là anh Nguyễn Quốc Chí, sinh năm 1993, cựu sinh viên ngành Tiên tiến Toán học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện đang học ở Học viện Ngân hàng. Ngoài học, Chí còn là một giáo viên luyện thi đại học môn toán, hiện khá nổi tiếng trong cộng đồng mạng bởi phong cách trẻ trung, cách giải quyết vấn đề gần gũi, thiết thực với các bạn thí sinh.
Chí cho biết, đã hai năm liên tục, anh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội với tư cách thí sinh. Năm ngoái, ngoài phần bắt buộc tất cả các thí sinh phải làm là toán và văn, anh chọn phần tự chọn là khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và được 92/140 điểm. Năm nay, anh chọn phần khoa học xã hội (sử, địa, công dân) và đạt 97/140 điểm. Chí cho biết, thực ra sau khi làm bài phần toán, Chí dành hầu hết thời gian còn lại để nhớ lại và khái quát hóa đề toán với mong muốn đưa ra được những lời khuyên hữu ích với những em chưa thi đợt 1 (kéo dài đến 15.5) và đợt 2 (tháng 8 tới).
[VIDEO] Thầy Chí chia sẻ bí quyết làm bài thi 
Nguồn: Nhân vật cung cấp
Để có kết quả tốt nhất bài thi đánh giá năng lực chung, thí sinhh cần tỉnh táo khi quyết định chọn phần khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Theo Chí, ngoài những bạn ôn khối D, C, những bạn ôn khối A1 nên lựa chọn phần tự chọn sử, địa, công dân để làm, bởi các bạn này chỉ có sở trường môn lý, trong khi kiến thức môn hóa và sinh rất khó và dàn trải thành thử cơ hội “ăn” điểm là rất thấp. Hơn nữa, các câu hỏi của môn lý cũng rất “xương”, khi mà các kiến thức của lớp 10, 11 cũng được động tới.
Chí nhận xét: “Đề sử nhiều mốc thời gian, địa cũng khá khó cho những người không học, nhưng “ngon ăn” nhất là giáo dục công dân vì chỉ cần các bạn hiểu biết một chút về pháp luật là làm được. Cá nhân tôi làm đúng tất cả các câu phần này”.
Với đề văn, Chí cho rằng không có quá nhiều câu hỏi về kiến thức nghị luận văn học. Các câu hỏi phổ biến ở dạng đưa ra một đoạn văn rồi yêu cầu thí sinh hiểu ngữ nghĩa của các từ khóa. Những bạn nào đọc nhiều sách báo thì sẽ làm tốt các câu hỏi dạng này.
thay-giao-chia-se-bi-kip-luyen-thi-Nguyen-Quoc-Chi
Thầy Chí trong một buổi dạy toán cho thí sinh Ảnh nhân vật cung cấp
Chí đặc biệt dành nhiều thời gian chia sẻ kinh nghiệm về môn toán, trong đó nhấn mạnh vai trò của máy tính cầm tay. Chí chia sẻ, câu số 1 mà anh gặp là một bài giải phương trình. Khi nhìn thấy phương trình đó, Chí đã hơi sốc trong 1 - 2 giây vì không thể liên tưởng tới phương trình gốc là phương trình nào. Nhưng sau đó Chí trấn tĩnh rồi dễ dàng điền được câu trả lời đúng nhờ sự trợ giúp của máy tính. Chí khuyên: “Khi đi thi, các bạn phải khai thác triệt để các thủ thuật của máy tính. Nếu cứ loay hoay tính toán rồi giải ra giấy như cách làm thông thường trên lớp, các bạn sẽ mất rất nhiều thời gian cho một câu hỏi. Nếu vậy, thay vì làm được gần hết (50 câu) trong 80 phút, các bạn sẽ chỉ làm được một nửa”.
Hiện nay, các clip của Chí đã được hàng nghìn lượt xem với hàng trăm lượt chia sẻ. Nhiều giáo viên cũng nhận xét Chí rất sáng tạo khi nghĩ ra cách tiếp cận trực tiếp đề thi thật của kỳ thi đánh giá năng lực bằng cách tự mình đi thi. “Tôi và một số đồng nghiệp bàn nhau sẽ học theo bạn Chí bằng cách dự thi vào tháng 8 tới, bởi với việc tiếp cận đề thật của kỳ thi, giáo viên sẽ giúp học sinh ôn thi hiệu quả hơn nhiều”, cô Hương, một giáo viên toán Trường THPT Việt Đức, Hà Nội chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.