Thế nào là siêu đô thị?

16/01/2007 22:15 GMT+7

Theo SGK Địa lý lớp 7 xuất bản tháng 3.2005 ở bài 3, bài tập số 2, trang 12 xếp loại ngôi thứ của 10 siêu đô thị lớn nhất thế giới năm 2000 gồm: 1/ Tô-ki-ô (Nhật Bản) có 27 triệu dân; 2/ Niu I-oóc (Bắc Mỹ) có 21 triệu dân... 7/ Lốt An-giơ-let: 12 triệu; 8/ Bắc Kinh, 9/ Côn-ca-ta và 10/ Xơ-un đều có 12 triệu dân (viết theo cách phiên âm của sách).

SGK Địa lý lớp 8 cũng xuất bản tháng 3.2005 ở bảng 6.1 trang 19, mục 2: Các thành phố lớn ở châu Á (gồm 15 thành phố trên 5 triệu dân) thì số dân của một số thành phố lớn của châu Á năm 2000 xếp loại theo thứ tự từ lớn đến nhỏ như sau: 1/ Tô-ki-ô (Nhật Bản có 27 triệu dân)... 4/ Tê-he-ran (I-ran có 13,6 triệu); 5/ Niu Đê-li (Ấn Độ có 12,2 triệu); 6/ Gia-các-ta (In-đo-nê-xi-a có 13,2 triệu); 7/ Bắc Kinh (Trung Quốc có 13,2 triệu)...  

Đến đây cả người dạy và người học đều băn khoăn: Dân số của một thành phố phải bao nhiêu triệu thì sẽ được gọi là siêu đô thị trên thế giới và được xếp ngôi thứ 10 siêu đô thị của thế giới? Bởi  SGK Địa lý lớp 7 có 4 thành phố (Lốt An-giơ-let, Bắc Kinh, Côn-ca-ta và Xơ-un) đều chỉ có 12 triệu dân nhưng lại được xếp nằm trong 10 siêu đô thị lớn nhất của thế giới. Trong lúc theo SGK Địa lý lớp 8, chỉ riêng ở châu Á còn có 3 thành phố (Tê-he-ran có 13,6 triệu; Niu Đê-li có 12,2 triệu; Gia-các-ta có 13,2 triệu) đều lớn hơn 12 triệu. Vậy thì tại sao lại không được xếp hạng 10 siêu đô thị lớn nhất thế giới?

Chưa kể cùng ở thời điểm năm 2000, ở SGK Địa lớp 7 thì Bắc Kinh có số dân là 12 triệu. Nhưng ở SGK Địa lớp 8 thì Bắc Kinh có số dân là 13,2 triệu. Như vậy số liệu ở sách nào đúng để truyền đạt cho học sinh (?).

Nếu Nhà xuất bản Giáo dục và các tác giả không sửa kịp ở SGK lẫn sách giáo viên thì nên in phụ lục về các nội dung của các môn ở bậc THCS có chỉnh sửa dành cho giáo viên sử dụng khi giảng dạy.

Trần Đình Tuấn (Ninh Thuận)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.