Thi tuyển vào lớp 1 là sai

07/04/2009 23:20 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên xung quanh việc các bậc phụ huynh đua nhau cho con học đọc, viết trước khi vào lớp 1 và nhiều trường tổ chức thi để vào lớp 1, ông Lê Tiến Thành ( ảnh ) - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng:

- Theo quy định, trẻ 6 tuổi khi vào lớp 1 mới bắt đầu phải học chữ, như vậy bất cứ trường học nào cũng không được coi việc trẻ chưa biết đọc biết viết là cản trở đối với việc đến trường của trẻ.

* Nhưng khi việc học đọc, học viết trước khi trẻ vào học lớp 1 trở thành phong trào, trong một môi trường mà quá nhiều học sinh (HS) biết chữ thì số ít trẻ còn lại nếu chưa hề được học gì đã từng bị cô giáo tiểu học phạt và phê bình. Ông nghĩ sao về điều này?

Tác hại khi dạy trước chương trình

“Nghiên cứu đã chỉ ra rằng về tâm sinh lý, sụn cổ tay và tâm lý của trẻ 5 tuổi chưa sẵn sàng để viết và học chữ. Đây là lứa tuổi vẫn cần chơi chứ chưa cần học. Hơn nữa, điều tai hại nhất là đứa trẻ học trước sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan tưởng cái gì cũng biết nhưng thực ra chưa biết được nhiều và một thời gian sức học sẽ đuối hơn hẳn so với những đứa trẻ khác. Dạy đúng tuổi là tuân theo những kết luận từ các nghiên cứu khoa học chứ không phải cứ bắt trẻ học càng sớm càng tốt như nhiều ông bố bà mẹ nghĩ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước trên thế giới hiện nay thậm chí còn đang đấu tranh để độ tuổi vào lớp 1 của trẻ là 7 tuổi chứ không phải 6 tuổi như hiện nay” - ông Lê Tiến Thành.

- Đó là cái sai của địa phương, giám đốc sở GD-ĐT của địa phương phải chịu trách nhiệm về việc này. Lãnh đạo sở GD-ĐT đó mặc dù không chỉ đạo giáo viên phải làm như vậy nhưng không thể mặc nhiên để cái sai tiếp diễn mà không có ý kiến gì để ngăn chặn. Giám đốc sở GD-ĐT phải chỉ đạo các phòng giáo dục, các nhà trường có biện pháp xử lý để giáo viên không thể làm được những việc tương tự.

* Một số giáo viên ở Hà Nội lại nói rằng do chương trình tiểu học hiện tại quá nặng nên nếu trẻ không học trước khi vào lớp 1 thì sẽ không theo kịp và giáo viên cũng sẽ rất vất vả?

- Đó chỉ là một cách ngụy biện của giáo viên. Nếu ở các thành phố lớn còn kêu chương trình nặng thì làm sao các tỉnh lẻ, các vùng sâu, vùng xa có thể học được. Tôi cho rằng đó là chỉ là cách giáo viên biện bạch cho việc làm sai của mình hoặc đó là một cách tuyên truyền để bắt ép phụ huynh HS phải lo lắng mà cho con em mình đi học thêm.

* Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì HS trước khi vào lớp 1 hoàn toàn chưa biết gì về kiến thức đọc, viết hoặc làm toán. Thế nhưng nhiều trường tiểu học lại tổ chức thi tuyển HS vào lớp 1. Vậy điều này có phải quá mâu thuẫn không, thưa ông?

- Tôi xin khẳng định rằng Bộ åGD-ĐT không bao giờ chỉ đạo việc thi tuyển sinh vào lớp 1. Nơi nào làm như vậy là làm sai. Tuy nhiên, có những trường không nằm trong hệ thống trường công lập, hoặc những trường không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân đang thí điểm theo chương trình mới. Những trường này không bị bắt buộc phải tuyển HS trên địa bàn trường đóng trong khi nhu cầu của phụ huynh và HS xin vào thì nhiều mà khả năng đáp ứng thì ít nên họ nghĩ ra một cách để lựa chọn và loại bớt HS.

* Vậy những trường công lập nhưng có dạy tăng cường ngoại ngữ cũng tổ chức một cuộc thi tuyển đầu vào đối với HS lớp 1 bằng hình thức khảo sát thì sao?

- Về lý thì cả những trường có tăng cường ngoại ngữ cũng không được quyền tổ chức thi tuyển đầu vào lớp 1. Tuy nhiên, nguyên nhân phải có một cuộc kiểm tra đầu vào này cũng xuất phát từ nguyên nhân “cung” quá nhỏ mà “cầu” thì quá lớn. Tuy nhiên, dù thi tuyển hay chỉ một cuộc kiểm tra đầu vào đơn giản thì cũng không tránh khỏi áp lực đối với trẻ.

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.