Thiếu người, giáo viên môn khác phải dạy tiếng Anh

15/12/2015 08:06 GMT+7

Sáng 14.12, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức hội thảo bàn về thực trạng dạy học tiếng Anh trong việc đảm bảo chất lượng đầu vào và kết quả đầu ra môn tiếng Anh học sinh (HS) phổ thông khu vực miền Nam.

Sáng 14.12, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức hội thảo bàn về thực trạng dạy học tiếng Anh trong việc đảm bảo chất lượng đầu vào và kết quả đầu ra môn tiếng Anh học sinh (HS) phổ thông khu vực miền Nam.

Tại đây, nhiều thông tin về thực trạng dạy học tiếng Anh bậc phổ thông các tỉnh ĐBSCL đã được công bố.
Trong bài tham luận, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố kết quả khảo sát hiệu quả việc dạy tiếng Anh của 30 trường tiểu học thuộc 10 huyện - thị tỉnh Tiền Giang (thực hiện từ tháng 9.2011 - 8.2013).
Theo đó, hầu hết giáo viên và phụ huynh trả lời phỏng vấn đều cho rằng HS có khả năng tiếp thu ở mức trung bình khá trở lên. Trong khi thực tế bài kiểm tra viết trong thời gian ngắn và kiểm tra miệng với HS khối lớp 3 - 5 cho thấy kỹ năng nghe, nói, đọc và viết của HS đều dưới mức trung bình. Điểm trung bình bài kiểm tra nghe và nói của HS ở mức khá thấp nên chưa đạt được mục tiêu đề ra trong chương trình tiếng Anh tiểu học của Bộ.
Đặc biệt, qua việc nghiên cứu hồ sơ giáo viên tại các trường tiểu học trên địa bản tỉnh này, nhóm nhiên cứu đã công bố kết quả gây “sốc”. Theo đó, đa số các trường chỉ có một giáo viên tiếng Anh có bằng cao đẳng sư phạm chuyên ngành tiếng Anh. Cá biệt ở một số trường do quá thiếu giáo viên tiếng Anh nên còn sử dụng cả giáo viên bộ môn khác có chứng chỉ ngoại ngữ và đã được tham gia tập huấn ở sở về phương pháp giảng dạy tiếng Anh để tham gia giảng dạy tiếng Anh. Việc sử dụng giáo viên không đúng chuyên môn và trình độ tiếng Anh phù hợp phần nào đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, kết quả khảo sát tiếng Anh đầu vào với các kỹ năng nghe, nói, viết và kiến thức ngôn ngữ cho HS lớp 6 và 10 theo chương trình tiếng Anh hệ 10 năm của Đề án ngoại ngữ cho thấy phần lớn HS không đạt. Cụ thể, có tới 650/2.460 HS tiểu học (chiếm 25%) và khoảng 1.856/3.444 HS bậc THCS (khoảng 50%) không đạt yêu cầu để theo học chương trình này ở cấp học tiếp theo.
Theo đại diện sở này, yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào cấp THCS là việc giảng dạy tiếng Anh bậc tiểu học. Theo chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT, để đảm bảo tối ưu chất lượng dạy học cần giảng dạy 4 tiết/tuần. Tuy nhiên do thiếu phòng học và giáo viên tiếng Anh nên vẫn còn 609 lớp với 16.166 HS chỉ được học tiếng Anh 2 tiết/tuần.
Cũng theo Sở GD-ĐT Vĩnh Long, kết quả khảo sát của các chuyên gia giảng dạy tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cho thấy đội ngũ giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học của tỉnh này còn nhiều hạn chế. Cụ thể, trình độ không đồng đều, được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau và phần lớn không được đào tạo chính quy. Nhiều giáo viên được đào tạo dạy THCS và THPT nhưng lại giảng dạy ở bậc tiểu học. Đặc biệt, một số giáo viên chưa hề có khái niệm thế nào là dạy ngôn ngữ giao tiếp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.