Thời cơ cho toán học Việt Nam

23/08/2010 23:25 GMT+7

Việt Nam có một nền toán học đích thực của mình, dù nhỏ bé và dường như lâu nay bị bỏ quên cho đến khi GS Ngô Bảo Châu mang về chiếc huy chương của giải thưởng Fields. Nhưng để toán học Việt Nam khẳng định vị thế của mình thì còn rất nhiều việc phải làm.

Trước hết là một đồng lương đủ sống

Nếu so sánh nền toán học VN như một con bệnh, thì muốn chẩn đúng bệnh phải nhìn thấy rõ những đặc điểm cơ bản của nó.

Phải “có bột mới gột nên hồ”

Toán học không phải là truyền thống của nền văn hóa VN. Cho đến tận thập niên 40 của thế kỷ 20, chúng ta mới có những bài báo đầu tiên được đăng ở những tạp chí Toán học có uy tín ở châu u, đó là những công trình của GS Phạm Tỉnh Quát, rồi sau đó là của GS Lê Văn Thiêm - nhà toán học VN nổi tiếng, người có công đầu trong việc xây dựng nền toán học hiện đại của Việt Nam. Nhưng những nhà toán học như vậy là rất ít. Thực sự mà nói, nền toán học VN ra đời vào quãng những năm 60 trở lại đây, sau khi chúng ta có những nhà toán học được đi đào tạo ở Liên Xô (cũ) và những nước XHCN Đông u. Ở thế hệ đó có thể kể đến GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Cảnh Toàn, GS Phạm Ngọc Thao, GS Đoàn Quỳnh, GS Nguyễn Đình Trí... So với cả bề dày nghìn năm của các nước châu u thì chúng ta còn thua xa lắm.

 
6 học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế IMO 2010 đều đoạt giải

Nói như vậy để thấy rằng nền toán học của chúng ta non kém cũng không phải là chuyện lạ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tuy mới chỉ 40 năm, chúng ta đã tạo ra được một đội ngũ các nhà toán học mang trong mình dòng máu Việt, dù công tác ở trong nước hay ở nước ngoài, nhiều người đạt đến đẳng cấp quốc tế, và nhiều người trong số đó là những ngôi sao sáng trên bầu trời Toán học thế giới. GS Ngô Bảo Châu là ví dụ điển hình; GS Vũ Hà Văn (ĐH Rutgers, Mỹ) là chuyên gia hàng đầu về lý thuyết tổ hợp; GS Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Paul Sabatier, Toulouse, Pháp) là chuyên gia hàng đầu về Hình học của các hệ khả tích; GS Đinh Tiến Cường (ĐH Paris 6, Pháp) là chuyên gia hàng đầu thế giới về hệ động lực nhiều biến; GS Phạm Hữu Tiệp (ĐH Arizona, Mỹ) là chuyên gia hàng đầu về đại số và lý thuyết biểu diễn; GS Lê Tự Quốc Thắng (Học viện Kỹ thuật Georgia, Mỹ) là chuyên gia hàng đầu về tôpô chiều thấp...

Theo tính toán của chúng tôi, số tiền cấp cho đề án phát triển toán học chỉ bằng... 6 km đường cao tốc! Nhưng tôi tin, với tiềm năng về toán học của chúng ta, nó sẽ làm nên được một “đường cao tốc” trong phát triển toán học...

Nếu tính cả những nhà toán học trong nước đạt đến đẳng cấp quốc tế như: GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Văn Khuê, GS Hà Huy Khoái, GS Ngô Việt Trung... thì chúng ta có cả trăm người. Điều đó rất đáng tự hào và đã chứng minh rằng tiềm năng trí tuệ của dân tộc Việt là không hề thua kém. Đó là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng, nếu có những quyết sách mạnh mẽ với một giải pháp đồng bộ thì chúng ta có thể đưa nền toán học VN lên một tầm cao mới trên thế giới. Không có những nhân tố đó, những con người đó thì không có cách nào (dù có đổ vào bao nhiêu tiền đi nữa!) nâng tầm nền toán học VN lên được. Phải “có bột mới gột nên hồ” là như thế. Chúng ta có nền toán học đích thực của mình, tuy còn nhỏ bé nhưng có những hạt giống tốt.

“Vay” tạm một ông tiến sĩ...

Hiện nay, việc nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế trong hệ thống ĐH của chúng ta đang thực sự có vấn đề; chất lượng của đội ngũ giảng viên toán của nhiều trường ĐH là rất yếu. Tôi nghĩ, tỷ lệ tiến sĩ khoa Toán các trường ĐH, trừ một vài trường lớn như: ĐH Quốc gia HN, ĐH Sư phạm HN, ĐH Quốc gia TP.HCM... là dưới 15%. Thậm chí có những trường không có tiến sĩ nào, phải đi “vay” tạm một ông tiến sĩ sắp bảo vệ. Có những trường thành lập mấy chục năm chỉ có vài ba tiến sĩ mà những tiến sĩ đó lại làm quản lý hết.

Phải nói rằng ở nước ta, đầu tư cho nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu toán học nói riêng là chưa tương xứng. Điều đó khiến chúng ta bị “chảy máu chất xám” ngay trên chính lãnh thổ của mình. Không ai đo được những nhà toán học của VN phải dành bao nhiêu phần trăm tâm sức và quỹ thời gian của mình để kiếm sống, để làm những công việc ngoài chuyên môn mà Nhà nước mong muốn, đó là nghiên cứu toán học và giảng dạy toán học.

Một giảng viên trẻ ở khoa Toán chúng tôi nhận mức lương khoảng 1,8 triệu đồng/tháng. Tất cả các thu nhập cộng lại mới khoảng 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, thuê một phòng trọ trong dãy nhà cấp 4 cũng mất ngót nghét 1 triệu đồng, còn lại chừng 1 triệu đồng để chi phí cho toàn bộ sinh hoạt. Trước một thực tế như thế, chúng ta có thể nhìn thấy ngay một điều tất yếu: Họ buộc phải làm thêm để kiếm sống và do đó hiển nhiên họ bị phân tâm, không thể dành thời gian, tâm sức cho nghiên cứu toán học được.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, một giảng viên trẻ phải dạy 250 tiết/năm học, nhưng do các trường ĐH hiện nay thiếu giảng viên nên khối lượng giảng dạy thực tế của các giảng viên trẻ là rất nặng, thường là 300-400 tiết/năm. Điều đó cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quỹ thời gian dành cho việc nghiên cứu.

Cơ sở vật chất để làm việc thì nghèo nàn; giáo sư, phó giáo sư thậm chí không có chỗ để đặt cái bàn làm việc chứ đừng nói có phòng làm việc riêng...

Chỉ bằng... 6 km đường cao tốc!

Làm thế nào và bắt đầu từ đâu để thay đổi hiện trạng hiện nay của nền toán học VN, nâng nó lên một tầm vóc mới? Câu trả lời phải là một hệ thống các giải pháp đồng bộ với một quyết tâm cao độ của cả đất nước. Trong suy nghĩ của chúng tôi, giải pháp nào cũng cần giải quyết hai điều cốt lõi sau:

Trước hết, chúng ta phải tạo một môi trường làm việc cho các nhà toán học đang sống và làm việc ở VN. Môi trường đó bao gồm một đồng lương đủ để đảm bảo cuộc sống, một không gian làm việc tối thiểu, một điều kiện được giao lưu với các nhà toán học trên thế giới.

Viện nghiên cứu cấp cao về toán học sắp được thành lập là một “liều thuốc” mạnh bốc cho tương đối nhiều “bệnh” mà một trong những mục đích chính của nó là tạo ra môi trường làm việc tốt hơn cho các nhà toán học VN. Có một đội ngũ các nhà toán học nội địa tài năng thì mới thu hút được các chuyên gia trên thế giới, kể cả người Việt ở nước ngoài trở về hợp tác làm việc. Tạo ra một môi trường như vậy sẽ kéo theo nhiều thứ, chẳng hạn như các bạn học sinh giỏi sẽ chọn học toán ở bậc đại học, sau đại học và theo đuổi nghiệp toán học trong suốt cuộc đời.

Phải sớm lấy chuẩn mực quốc tế trong đào tạo toán từ bậc đại học cho đến bậc tiến sĩ. Đặc biệt, phải cương quyết dùng chuẩn mực công bố quốc tế trong việc đánh giá xét duyệt các đề tài nghiên cứu. Phải đào tạo ra một đội ngũ những nhà toán học trẻ tiến đến trình độ quốc tế và không để “chảy máu chất xám” đội ngũ này.

Nói thì đơn giản nhưng đây thực sự là những thử thách vô cùng lớn. Chúng ta đã trót để cho nền toán học nước nhà đi xuống trong hàng chục năm vừa qua, trót để xảy ra sự hụt hẫng thế hệ, đương nhiên chúng ta phải trả giá. Trả giá trong 5 năm, 10 năm, thậm chí 15 năm là chuyện bình thường vì đào tạo hiền tài không thể ngày một ngày hai mà có được. Nếu không có những biện pháp đặc biệt để thúc đẩy khoa học cơ bản mà cứ làm theo cơ chế bình thường như hiện nay thì nguy cơ tiềm ẩn về sự tụt dốc ghê gớm của nền toán học VN sẽ trở thành sự thực. Và lúc đó, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt.

Theo tính toán của chúng tôi, số tiền cấp cho đề án phát triển toán học chỉ bằng... 6 km đường cao tốc! Nhưng tôi tin, với tiềm năng về toán học của chúng ta, nó sẽ làm nên được một “đường cao tốc” trong phát triển toán học, tạo ra một đội ngũ những nhà toán học Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, góp phần xây dựng đội ngũ tinh hoa của dân tộc.  

Lực lượng kế cận ngày càng mỏng

Có hai nguy cơ, nguy cơ lớn nhất là việc nhiều bạn trẻ không chọn khoa học cơ bản, trong đó có toán học làm nghề nghiệp của mình. Ngay cả những học sinh rất giỏi toán, rất say mê toán ở các lớp chuyên Toán, được giải cao trong kỳ thi quốc gia hoặc quốc tế cũng không chọn toán làm nghề nghiệp của mình. Có những thời điểm, khoảng 10 năm, từ năm 1993-2003, số các học sinh giỏi toán tiếp tục theo đuổi toán học vô cùng hiếm hoi.

Những người như GS Ngô Bảo Châu, GS Nguyễn Tiến Dũng... là những người hiếm hoi còn quay về VN làm việc đều đặn. Có những người rất nổi tiếng nhưng đóng góp cho nền toán học nước nhà vẫn còn khiêm tốn lắm. Một phần vì họ phải lao động vất vả để tìm chỗ đứng của mình bên nước bạn, một phần chúng ta cũng không có tiền để mời họ về. Một thực tế là GS Ngô Bảo Châu hay GS Nguyễn Tiến Dũng mỗi lần về trường ĐH Sư phạm HN của chúng tôi đều phải tự lo hầu hết chi phí. Chúng tôi chỉ có thể chi trả cho họ một khoản tiền khiêm tốn trên cơ sở những quy định ngặt nghèo về chi tiêu tài chính của Nhà nước. Phải là những người có tình yêu mãnh liệt với quê hương, mang trong mình một khát vọng thay đổi quê hương bằng chính khả năng của mình thì mới có thể làm được những việc như thế!

GS-TSKH Đỗ Đức Thái (khoa Toán-Tin, trường ĐH Sư phạm HN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.