Thoát ra khỏi phòng học truyền thống để đến không gian lớp học trải nghiệm là bưu điện TP.HCM, Trần Thái Bảo Ngọc, học sinh lớp 8 Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), thể hiện vai trò “hướng dẫn viên” khi giới thiệu: “Đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của TP được người Pháp xây dựng từ những năm 1886 - 1891. Công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á... Và tiếp theo chúng ta sẽ tiến vào bên trong để xem kiến trúc của nó ra sao nhé”. Phong thái tự tin, giọng nói dõng dạc, ngôn ngữ hình thể linh hoạt, Bảo Ngọc thể hiện bài văn thuyết minh một cách mạch lạc và cặn kẽ cho các bạn cùng lớp nghe ở tiết học trải nghiệm môn ngữ văn.
Cùng lúc, gần đó một nhóm học sinh khác đi tham quan đường sách Nguyễn Văn Bình. Nhóm học sinh dừng lại tại một hiệu sách cuối đường, thảo luận sôi nổi về những tác phẩm văn học... Cũng tại đường sách, trong cửa hàng thức ăn nhanh hoạt động theo hình thức mở, một nhóm học sinh vừa giải lao vừa tranh thủ quan sát quy trình làm hamburger. Theo một giáo viên đi cùng nhóm, hình thức học này phù hợp với môn công nghệ và học sinh có thể miêu tả về cách thức làm bánh, nếu giáo viên bộ môn yêu cầu.
Học sinh học tại... Thảo cầm viên
Đáng lưu ý, theo quy định của Sở GD-ĐT, với 18 chủ đề, học sinh từ lớp 6 - 12 của TP.HCM lần lượt học môn sinh học tại Thảo cầm viên theo phương pháp “thực học, thực nghiệm”.
“Thảo cầm viên không xa lạ với học sinh nhưng tiết học về các loài động vật, các bộ móng vuốt trở nên hứng thú đến lạ lùng. Lần đầu tiên chúng em quan sát voi, tê giác, linh dương đầu bò... và biết được loài nào có bộ móng vuốt chẵn, loài nào thuộc bộ móng vuốt lẻ”, một học sinh hào hứng nói.
|
Ngoài ra, Sở GD-ĐT phối hợp với Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Cần Giờ xây dựng chủ đề các tiết học ngoài nhà trường cho 3 môn sinh học, lịch sử, địa lý. Chẳng hạn, môn sinh học sẽ học chủ đề “Thích nghi và vai trò của thảm thực vật, sự đa dạng của thế giới sống tại khu rừng ngập mặn”... Còn môn lịch sử và địa lý sẽ là chủ đề “Lịch sử, địa lý địa phương TP.HCM”.
Không làm mẫu biểu diễn
Theo một giáo viên bộ môn sinh học (tại Q.1, TP.HCM), sau mỗi tiết học, có những học sinh ngại ngần, không gặp trực tiếp mà nhắn vào Facebook: “Con và các bạn rất thích buổi học trải nghiệm. Tụi con muốn có thêm nhiều hoạt động như vậy để không chỉ học sách mà còn biết về thực tế”, điều này cho thấy việc làm của mình đã trở nên hữu ích.
Để có một tiết học trải nghiệm, giáo viên phải chọn chủ đề, lên kế hoạch cụ thể, chi tiết từng bước. Giáo viên ngữ văn một trường THCS ở Q.1, TP.HCM cho biết sau khi học văn thuyết minh và lựa chọn địa điểm là khu vực nhà thờ Đức Bà, bưu điện TP, đường sách Nguyễn Văn Bình, giáo viên sẽ phải sắp xếp thời gian phù hợp, phân công nhiệm vụ, yêu cầu cho từng nhóm học sinh... Để có sản phẩm là bài thuyết minh, học sinh phải chủ động tìm hiểu nội dung bài học, phát huy những suy nghĩ mới mẻ, sáng tạo, tự tin trình bày trước đám đông, nâng cao năng lực cảm thụ.
Với cách học này, Trần Thái Bảo Ngọc đã thể hiện sự thích thú: “Tuy những nơi này không lạ nhưng qua tiết học, em được quan sát kỹ và hiểu sâu hơn về lịch sử cũng như những kiến trúc đẹp của TP mà bình thường ít khi để ý”.
Để tiết học thực sự mang tính ứng dụng thực tế, thì bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cho biết giáo viên hãy xây dựng giáo án hướng đến phát triển năng lực cho học sinh chứ đừng làm theo kiểu mẫu tiết học biểu diễn. Và nên thực hiện một cách chừng mực, không lạm dụng vì dễ gây nhàm chán cho học sinh cũng như không đủ thời gian.
Bình luận (0)