Báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT nêu thực tế: tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông. Thời gian qua không ít địa phương đã bố trí giáo viên dôi dư ở cấp học THCS, THPT xuống dạy cấp học mầm non, tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học, trong đó Thanh Hóa là một điển hình.
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa thừa nhận, đây là vấn đề rất “nóng” của ngành GD-ĐT Thanh Hóa thời gian gần đây và phân trần: việc điều chuyển hơn 200 giáo viên THCS dôi dư xuống dạy mầm non nhưng chưa chuyển mà chỉ mới lập danh sách và lên kế hoạch bồi dưỡng lại đội ngũ ngày cho phù hợp với bậc học mầm non. Tỉnh cấp kinh phí và giao cho Đại học Hồng Đức Thanh Hóa bồi dưỡng, tập huấn lại để số giáo viên này có thể dạy học mầm non và tiểu học cho phù hợp.
Tuy nhiên, bà Hằng cũng chỉ ra rất nhiều bất cập liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm đội ngũ của ngành. Theo bà Hằng, "thực tế là ngành GD-ĐT hiện nay không có quyền gì về đội ngũ và tài chính. Con người thì do ngành nội vụ nắm, về tiền thì ngành tài chính nắm và phân bổ còn ngành GD-ĐT thì phải chịu trách nhiệm về chất lượng. Do vậy rất khó khăn cho các Sở GD-ĐT, suốt từ năm 2007 Thanh Hóa giao quyền quản lý đội ngũ từ mầm non đến THCS cho chủ tịch huyện; giao chỉ tiêu biên chế, thanh tra kiểm tra về đội ngũ là Sở Nội vụ; phân bổ tài chính là Sở Tài chính. Ngay việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học hay THCS cũng do chủ tịch huyện bổ nhiệm; hoặc bổ nhiệm “ông” trưởng phòng GD-ĐT thì Giám đốc Sở GD-ĐT cũng không biết, bổ nhiệm hiệu trưởng trường THPT Giám đốc Sở GD-ĐT cũng không có quyền".
Cũng theo bà Hằng, từ năm 2011 - 2016 chỉ tiêu biên chế với ngành GD-ĐT ở Thanh Hóa là… đóng băng, mặc cho tình hình tăng giảm đội ngũ biến động như vậy. Chúng tôi đã liệt kê hết những báo cáo với UBND tỉnh về dự báo quy mô trường lớp, đội ngũ giáo viên thừa thiếu ra sao, đề xuất thế nào… nhưng chúng tôi không có thẩm quyền tuyển dụng, chủ tịch UBND các huyện họ có thẩm quyền nên họ để xảy ra tình trạng hợp đồng sai quy định. Riêng Thanh Hóa có hơn 5.000 trường hợp đồng. Đây là nguyên nhân của lạm thu vì lấy hết kinh phí chi thường xuyên chi cho các trường hợp hợp đồng…
tin liên quan
Không vì phản ứng mà ngại đổi mớiNhân dịp năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (ảnh) đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn xung quanh những vấn đề “nóng” của giáo dục hiện nay.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay phần lớn các vấn đề giáo dục của địa phương ông chỉ được biết qua báo chí. "Chế độ báo cáo là công cụ quản lý, lẽ ra phải thông suốt nhưng chúng ta làm chưa tốt. Nếu tôi biết trước được thì chủ động chỉ đạo kịp thời hơn nhiều. Rất đáng tiếc vì phần lớn các “vấn đề” giáo dục của địa phương tôi đều biết qua báo chí" , ông Nhạ nói.
Ông Nhạ cũng nêu ví dụ về các vấn đề gây xôn xao dư luận tại Hà Tĩnh thời gian qua (điều động giáo viên đi tiếp khách, phụ huynh cho con nghỉ học phản đối mô trình trường học mới - PV) để nhắc nhở về việc thiếu kịp thời trong việc báo cáo và phối hợp giải quyết của người đứng đầu ngành Giáo dục - Đào tạo ở địa phương, gây ra những phản ứng trong dư luận, xã hội.
Từ thực tế đó, ông Nhạ đề nghị trong thời gian tới phải làm tốt hơn công tác bồi dưỡng, trao đổi thông tin, cập nhật thông tin để thông suốt về chủ trương, từ các sở lan tỏa xuống phòng, các trường, giáo viên. "Những vấn đề chưa tốt tôi đề nghị các đồng chí không giấu, bằng điện thoại, bằng email, báo cáo để có hướng giải quyết. Tôi sẽ cùng bàn với các đồng chí để giải quyết", ông Nhạ hứa.
Bình luận (0)