Tôi đã làm thầy như thế!

18/11/2017 10:30 GMT+7

Mỗi người sinh ra với tính cách như thế nào, chọn nghề nào, dường như không còn là việc muốn hay không của bản thân mình, mà một phần do số phận lựa chọn. Số phận đã lựa chọn giúp tôi để tôi trở thành thầy giáo.

Khi thầy giáo tăng gia sản xuất

Sau 5 năm học đại học, tôi cùng một số bạn cùng khóa được phân công ở lại trường công tác như là một cán bộ giảng dạy ở ngành cơ khí nông nghiệp, trong khi có nhiều bạn học khác hoặc về quê hoặc đi các vùng miền khác.

Cái thời ra trường thì đất nước còn nhiều khó khăn nên môi trường làm việc không được thuận lợi. Hằng ngày, chúng tôi cùng các thầy của mình đút thìa vào túi quần lững thững xuống bếp ăn tập thể. Mỗi khi có hàng căng-tin về thì ôi chao mọi người chen nhau, bám đu cửa sổ để mua bằng được bánh nướng hoặc một loại hàng nào đó. Có thầy còn ra chợ Vàng (Gia Lâm) mua được nửa thúng khoai sọ về phải giấu vào gầm giường luộc ăn dần vì ngày ấy đói lắm…

Tôi vốn là dân sinh ra và lớn lên ở thành phố không quen với việc tăng gia sản xuất nhưng ngày ấy phải trồng cấy lúa, sáng sớm ra phân công nhau gom phân ra bón ruộng để mọi người khỏi nhìn thấy... Cuộc sống khó khăn và phải làm những việc không phải là việc của một trí thức, nhưng anh em rất vui và lao vào với sự nghiệp đào tạo.

tin liên quan

Những người thầy trong trái tim tôi: 20.11, ngày ấy và bây giờ
Hơn 30 năm trước, hành trang mà cả lớp sư phạm chúng tôi mang theo khi tốt nghiệp là những dòng thơ:“Có ai hiểu được cuộc đời nhà giáo/Rất đơn sơ tập giáo án gối đầu/Viên phấn trắng làm tâm hồn bay bổng/Mực đỏ chấm bài như máu chảy từ tim”.

Trân trọng người học bằng trái tim người thầy

Cuộc đời người thầy mặc dù còn nghèo khó nhưng trong công việc niềm vui lấn át nỗi buồn và những lo toan thường nhặt với đồng lương khoảng 54 đồng cho người tập sự (85% của 64 đồng) ở năm 1980. Vui buồn trong công việc thì nhiều. Những ngày đầu, vui nhất là khi đi giảng về truyền đạt hết nội dung bài học mà không bị vấp hoặc bị cháy giáo án, đó là chưa kể mấy buổi đầu tiên toát hết cả mồ hôi khi phải đứng giảng giải cho khoảng gần 100 sinh viên trong lớp học ghép.

Nhưng buồn nhất là sau mỗi buổi thi vấn đáp, số sinh viên bị đánh trượt quá nhiều thường bao giờ cũng non nửa lớp và không bao giờ có chuyện chạy chọt điểm số. Kể cả ngày 20.11 cũng không có chuyện sinh viên đến nhà thầy để tặng hoa gì cả. Quan hệ giữa thầy và trò hết sức giản dị.

Mấy giảng viên trẻ cùng khóa chúng tôi được sinh viên mệnh danh là "máy chém". Ôi nghe lại cảm thấy hơi "hãnh diện" mới chết.

Sau nhiều năm đi dạy, tôi nhận ra, sinh viên chính là những đồng nghiệp tương lai của mình và phải rất trân quý họ, dìu dắt và định hướng cho họ phát triển mà không phải cứ quá khắt khe theo chủ nghĩa "hoàn hảo (perfectionism) với mọi người và rằng không có niềm vui nào bằng đối với người thầy mà học trò mình có việc làm và thành đạt, được xã hội biết đến.

Năm 1993, một học trò cũ ra trường được 6 năm quay lại thăm tôi trong căn nhà cấp 4 có tâm sự rằng ngày em học thầy mỗi tuần em đi làm (gia đình có doanh nghiệp) kiếm được một chỉ vàng nhưng không dám khoe với các thầy sợ các thầy đánh trượt em. Sau này cậu ta trở thành một trong những doanh nhân thành đạt và là chủ của tòa nhà Bitexco tại TP.HCM. Tôi tự hào về điều đó và cũng tự nhận thấy rằng học trò mình không chỉ là đồng nghiệp, mà còn là bạn và còn là cả "thầy" của mình ở ngoài đời, một khi mình chỉ ngồi trong tháp ngà lý luận mà thiếu hiểu biết thực tiễn.

Viết vội mấy dòng chia sẻ và muốn gửi một thông điệp đến cho các giảng viên trẻ rằng sự học, nghiên cứu, tự do học thuật trong tư duy không bao giờ thừa cả và luôn trân quý những sinh viên của mình bằng cả trái tim của người thầy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.