Tôi rất lo khi khen học sinh là biết 'vâng lời'!

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
14/12/2018 15:55 GMT+7

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết ông rất lo khi đọc hàng trăm cuốn học bạ của học sinh giỏi thì đều có câu khen là biết “vâng lời” .

Tại cuộc tọa đàm về áp lực giáo viên, nguyên nhân và giải pháp do trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức sáng nay, 14.12, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội, chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến cho nghề giáo trở nên quá áp lực và máy móc.
Thầy Hòa cho rằng, giáo viên của chúng ta khoảng 70% được đào tạo theo cách cũ nên bảo thủ nên rất khó thay đổi. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng.
Nguyên nhân thứ hai đến từ mục tiêu giáo dục của chúng ta. Lâu nay chúng ta dạy học sinh ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật và thầy cô là sản phẩm của lối dạy đó nên không chấp nhận học sinh hư, bức xúc và xử lý học sinh khi em nào không vào khuôn phép, không vào kỷ luật. Tự giáo viên gây bức xúc cho mình nên bạo lực với học sinh, vì nghĩ rằng làm như vậy là trách nhiệm của mình phải đưa học sinh vào “khuôn khổ”.
Thầy Hòa nêu ví dụ: “Tôi đọc hàng trăm cuốn học bạ thì có tới 90% học bạ của học sinh giỏi có câu đầu tiên là “ngoan, vâng lời” và tôi rất lo lắng với nhận xét như vậy. Cách giáo dục đó nhất thiết phải thay đổi, chúng ta phải dạy con người có sáng tạo, biết phản biện, chứ nếu chúng ta làm thế thì làm triệt tiêu khả năng sáng tạo của học sinh”.
Nguyên nhân nữa mà nhà giáo Nguyễn Văn Hòa chỉ ra, đó là lối dạy của chúng ta hiện nay chủ yếu cung cấp kiến thức, nặng về điểm số, chạy theo thi cử, thành tích, chỉ tiêu thi đua. Chính điều đó tạo ra áp lực khi cấp trên gây áp lực cho nhà trường, nhà trường áp lực cho giáo viên, giáo viên áp lực cho học sinh, cha mẹ cũng áp lực cho thầy cô và chính thầy cô cũng áp lực cho mình.
“Nhà trường chưa tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện, nhà trường không có yêu thương, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, làm chỗ dựa cho thầy cô. Thầy cô mắc khuyết điểm thì lại phê bình, lại điều tra, lập hội đồng kỷ luật”, thầy Hòa nói.
Phải là thầy hiệu trưởng chứ không thể là “anh/chị hiệu trưởng”
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cho rằng, giải pháp để giải tỏa áp lực nghề nghiệp là phải làm cho giáo viên thay đổi, làm mới mình, giáo viên phải tự cảm thấy mình hạnh phúc thì mới khiến học sinh hạnh phúc được.
Mục tiêu của giáo dục phổ thông cũng phải thay đổi, mẫu học sinh hiện nay mà chúng ta đưa lên là mẫu hình học sinh giỏi, đạt nhiều giải thưởng của các cuộc thi. Cần hướng tới mục tiêu chính là phải dạy người, không chạy theo thành tích điểm số.
Ông Hòa nhận xét, ở cấp tiểu học đã có Thông tư 22 về đánh giá học sinh rất đúng, bỏ đánh giá nặng về điểm số. "Tuy nhiên, cấp THCS và THPT chưa làm được điều đó, vẫn đánh giá theo cách 60 năm nay, từ thời tôi đi học phổ thông vẫn làm. Chúng ta dán tem, dán nhãn sớm quá lên mỗi cá nhân khi xếp loại học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu kém. Nếu là học sinh yếu kém thì cả đời vẫn mang nhãn dán yếu kém đó. Các nước không làm như vậy, mỗi HS có một điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Phải thay đổi cơ chế gây ra áp lực chính là ở chỗ đó”, thầy Hòa nêu quan điểm.
Về bình xét thi đua với giáo viên, thầy Hòa cho hay trường ông chỉ quan tâm tới 2 chỉ số là chỉ số hạnh phúc của học sinh và chỉ số tiến bộ so với chính học sinh đó, chứ không phải so với học sinh khác. Tổ tâm lý của trường mỗi năm 2 lần phải lấy được chỉ số đó và so sánh thi đua. Lớp nào có học sinh tiến bộ so với chính em đó, lớp nào học sinh hạnh phúc khi đi học, thì lớp đó được khen.
Ông Hòa đề nghị việc đào tạo lại hàng chục vạn giáo viên sẽ rất khó, nhưng Bộ GD-ĐT phải chủ trì đào tạo lại hiệu trưởng các nhà trường. Hiệu trưởng sẽ là người giúp cho giám đốc sở, cho Bộ trưởng làm chuyển biến giáo viên của mình.
Hiệu trưởng phải là thầy hiệu trưởng, chứ không phải là anh/chị hiệu trưởng. Thực sự phải là “thầy” hơn giáo viên một “cái đầu”, làm chuyển biến và chịu trách nhiệm về giáo viên của mình. Bài toán giáo viên như vậy sẽ được tháo gỡ", thầy Hòa nêu quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.