Tranh cãi 'nảy lửa' đề thi ngữ văn vào lớp 10 ở Bình Thuận

Quế Hà
Quế Hà
15/07/2019 18:24 GMT+7

Đề thi vào lớp 10 môn ngữ văn ở Bình Thuận đang gây tranh cãi 'nảy lửa' giữa các phụ huynh, thậm chí cả giáo viên cũng bất đồng quan điểm chỉ vì một câu văn là câu đơn hay câu ghép.

Đề ngữ văn của Sở GD-ĐT Bình Thuận (tuyển sinh lớp 10), như sau: “Cũng may mà bằng mấy nét, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên (1). Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá (2)”.
(Trích Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, ngữ văn lớp 9, tập một, Nhà xuất bản giáo dục VN, 2018).

Đề yêu cầu thí sinh chỉ ra trong câu (2) của đoạn văn này là câu đơn hay câu ghép. Chỉ ra các thành phần câu. (câu này được 0,75 điểm).
Đáp án yêu cầu thí sinh chỉ ra được đây là câu đơn. Với thành phần của câu: Người con trai ấy (chủ ngữ) - đáng yêu thật (vị ngữ) - nhưng làm cho ông nhọc quá (vị ngữ).

Tranh cãi "nảy lửa" !

Thầy P.D.T, có 33 năm dạy ngữ văn THPT (ở huyện Đức Linh, Bình Thuận) cho rằng, đây là câu ghép vì có hai cụm chủ vị. Theo phân tích của thầy T., “người con trai ấy đáng yêu thật”- là một câu vì nó có đủ cụm chủ vị. Đoạn sau của câu này “nhưng làm cho ông nhọc quá” cũng là một câu, nhưng được ẩn chủ ngữ. Thầy T. cho rằng, nếu đáp án xác định là câu đơn là không chuẩn, sẽ thiệt thòi 0,75 điểm đối với những thí sinh xác định nó là câu ghép. Nhà giáo này còn cho rằng, giám khảo còn tranh cãi chưa ngã ngũ như vậy. “Nên chăng mời một chuyên gia để phân định cho mọi người thỏa mãn”. Mặt khác, thầy T. kiến nghị, “đối với những câu dạng còn giữa lằn ranh câu đơn, câu ghép như vậy không nên đưa vào đề thi, gây khó cho học sinh khi mới 14 tuổi”.

Đáp án của Sở GD-ĐT Bình Thuận

QUẾ HÀ

Khác với quan điểm trên, cô giáo N.A.B, có thâm niên 30 năm dạy ngữ văn bậc THCS (ở TP.Phan Thiết, Bình Thuận) khẳng định chắc nịch “đây là câu đơn” và cách ra đề, cho đáp án như vậy là hoàn toàn chính xác.
Theo cô N.A.B, đây là câu đơn vì chỉ có một chủ ngữ và hai vị ngữ. Người con trai ấy (chủ ngữ) đáng yêu thật (vị ngữ) - nhưng làm cho ông nhọc quá (vị ngữ). Theo nhà giáo này, câu ghép phải là câu có hai cụm chủ - vị không bao chứa nhau. Trong trường hợp này, “nhưng” là quan hệ từ nối hai vị ngữ, không phải nối hai vế câu. Hay nói cách khác, đây là câu đơn mở rộng thành phần. Do vậy đề thi là hoàn toàn chuẩn, không có chuyện sai kiến thức.
Một giáo viên THCS ở TP.Phan Thiết cho rằng việc ra đề tuyển sinh vào lớp 10 chủ yếu là kiến thức lớp 9 bậc THCS. Nếu Sở giao cho giáo viên dạy THPT ra đề có thể sẽ không sát với kiến thức mà thí sinh đã học.
Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận, cho biết năm nay quy trình ra đề được Sở làm rất chặt chẽ. “Nhóm giáo viên ra đề gồm cả giáo viên THPT và THCS. Sau khi các bộ đề được ra còn có nhóm giáo viên phản biện từng bộ đề, trước khi trình hội đồng thẩm định”, ông Thái nói.
Được biết việc chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Bình Thuận mới diễn ra ngày thứ 2, chưa có kết quả của kỳ thi. Hiện nay trên mạng xã hội vẫn đang tranh cãi "nảy lửa" về đề ngữ văn này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.