Tránh sai lầm khi lựa chọn nghề nghiệp

08/01/2017 09:45 GMT+7

Chương trình Tư vấn mùa thi 2017 do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra tại Trường THPT Tân Bình (TP.HCM) sáng 7.1, tập trung vào việc chọn ngành nghề, những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Không chỉ hơn 1.300 học sinh (HS) tham gia tại chỗ, chương trình còn phát trực tiếp trên thanhnien.vn và fanpage Facebook/Thanhnien.
Cần thấy điểm sáng và điểm lặng của nghề
Tại chương trình, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã thực hiện khảo sát nhanh với HS tham dự trực tiếp. Kết quả cho thấy, có trên 50% HS nghĩ rằng bằng mọi giá phải vào được ĐH, 75% HS đồng ý việc chọn ngành phải phù hợp với sở thích, và hầu hết HS cho rằng lựa chọn ngành nghề dựa vào tiền lương cao.
Tuy nhiên, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng những lựa chọn này của HS đang sai hướng. Quan trọng nhất khi chọn trường là phải biết sở trường và không quên sở đoản. Nếu chọn không đúng với sở trường sẽ giống như chỉ làm việc một tay, không hiệu quả và mãi mãi bị hạn chế trong nghề nghiệp. “Để không hối hận về việc chọn nghề, HS cần nhìn thấy cả điểm sáng và điểm lặng của mỗi công việc. Nhiều HS chọn ngành học chỉ nhìn thấy sự hào quang bên ngoài mà không thấy sự hy sinh phải trả lại cho công việc đó”, ông Sơn phân tích.
Cũng theo ông Sơn, khi chọn ngành, HS còn cần có khả năng “tầm phóng chiếu”. Nếu chọn trường mà chỉ dựa vào thông tin tuyển dụng hiện tại sẽ là sai lầm. Thay vào đó cần tìm hiểu thông tin về dự báo nhân lực trong tương lai mà cụ thể sau 4 - 5 năm sau khi tốt nghiệp. Chỉ như vậy mới tránh được sai lầm trong hành trình chọn nghề tương lai.

tin liên quan

Gần 1.500 học sinh TP.HCM đến với Tư vấn mùa thi 2017
Sáng nay 7.1, chương trình Tư vấn mùa thi năm 2017 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức, đã diễn ra buổi đầu tiên tại Trường THPT Tân Bình, Q.Tân Phú, TP.HCM với gần 1.500 học sinh tham gia.
Một HS bày tỏ sự mâu thuẫn khi đặt câu hỏi: “Sở trường của em là các môn xã hội nhưng muốn theo học tự nhiên vì sợ khó tìm việc làm nếu học xã hội”. Thạc sĩ Lê Trọng Vinh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thông tin theo thống kê của nhà trường thì tỷ lệ sinh viên có việc làm trong 3 năm gần đây của nhiều ngành đều ở mức 90 - 100%. “Tỷ lệ có việc làm không phân biệt nhóm ngành nào mà phụ thuộc vào năng lực sở trường từng người. Trong thị trường lao động giao thoa như hiện nay, sự cạnh tranh nguồn lao động tăng cao và yêu cầu lao động phải có chất lượng. Trong đó, tiếng Anh là chìa khóa để thực hiện việc này”, ông Vinh tư vấn.
Trong khi đó, HS Nguyên Phúc (lớp 12A10) cho biết thích tìm hiểu về thực vật và công dụng của nó với sức khỏe con người nhưng băn khoăn về cơ hội việc làm trong thời đại tây y phát triển như hiện nay. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ HS đang đề cập đến 2 ngành học gồm: y học cổ truyền và dược học. Cả 2 ngành đều đang “nóng” vì rất thiếu nhân lực nên cơ hội việc làm cao. Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin tuyển sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, bổ sung thêm HS cũng có thể học các chuyên ngành về hóa dược, chuyên về các hợp chất tự nhiên.
Ngành nào phù hợp với nữ ?
Rất nhiều câu hỏi là nữ thì chọn học ngành gì phù hợp? HS Bùi Khánh Loan hỏi: “Em thích đi du lịch thì nên chọn ngành nào phù hợp với nữ?”. Ông Lê Trọng Vinh chia sẻ, du lịch có nhiều chuyên ngành, trong đó chuyên ngành hướng dẫn du lịch có đặc thù di chuyển xa nên có chút bất lợi đối với nữ. Nhưng bên cạnh đó, ngành này cũng có những vị trí công việc không bắt buộc đi lại nhiều như: quản trị tour, quản trị nhà hàng khách sạn... “Thích đi du lịch và phù hợp để làm việc trong lĩnh vực này là 2 việc khác nhau. Nếu chỉ thích nhưng không có khả năng phù hợp thì không nên chọn, bởi ngành này có những khoảng lặng phía sau, chẳng hạn như nữ phải đi xa nhiều trong trường hợp có gia đình”, ông Vinh nói.
Trả lời câu hỏi liên quan đến ngành học cho nữ sinh, PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết trường hiện đang đào tạo 29 chuyên ngành và tất cả đều tuyển nữ. Theo thống kê từ nhà trường, hiện có nhiều sinh viên nữ sau khi tốt nghiệp được nhận làm việc trên các tàu biển du lịch quốc tế với thu nhập cao. Vì vậy, nếu muốn TS có thể thực hiện ước mơ được làm việc trên biển của mình.

tin liên quan

ĐH là nơi đào tạo sinh viên khởi nghiệp
Trả lời phóng viên Thanh Niên hôm qua (6.1), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) khẳng định 2017 sẽ là năm đẩy mạnh tốc độ kiểm định chất lượng trong toàn hệ thống giáo dục đại học.
Giải đáp câu hỏi về ngành kỹ thuật hạt nhân, thạc sĩ Phùng Quán nói: “Ngành kỹ thuật hạt nhân của trường đã đào tạo từ nhiều năm trước khi có dự án điện hạt nhân tại VN. Ngoài điện hạt nhân, ngành này còn đào tạo kỹ thuật hạt nhân trong nhiều ứng dụng cuộc sống như: y học, thực phẩm…”.
Nhiều HS đặt câu hỏi về phương án tuyển sinh mới và phân công nhiệm sở sau khi tốt nghiệp của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà cho hay, trường xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả thi THPT quốc gia chứ không tổ chức thêm kỳ thi riêng nào. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ phân công tốt nghiệp theo thứ hạng, trong đó sinh viên hạng cao sẽ tự chọn nhiệm sở cho mình trên địa bàn tại TP.HCM vì trường chỉ tuyển sinh viên có hộ khẩu thường trú tại đây.
Nếu bỏ điểm sàn có ảnh hưởng tới hs ?
Trong buổi tư vấn, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thông tin dự kiến sẽ có nhiều điểm mới trong kỳ tuyển sinh năm nay. Theo đó, việc đăng ký xét tuyển đợt 1 sẽ thực hiện cùng thời điểm đăng ký dự thi THPT quốc gia (khoảng tháng 4). Vì vậy, từ nay tới đó HS cần xác định rõ ngành nghề đăng ký theo học. Đặc biệt, dù năm nay thí sinh được đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng vào các trường nhưng cũng chỉ có một cơ hội trúng tuyển nên cần phải lựa chọn đúng đắn ngay từ ban đầu.
Liên quan vấn đề này, Dương Tuấn Khanh (HS lớp 12A13) hỏi: “Năm 2017 Bộ cho phép bỏ điểm sàn ĐH, điều này ảnh hưởng như thế nào đến HS?”. Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng nếu có bỏ điểm sàn ĐH thì điều này được thực hiện dựa trên kết quả năm 2015 và 2016. Dù điểm sàn ĐH năm 2016 được xác định ở mức 15 điểm nhưng HS dưới mức điểm này vẫn có thể xét tuyển vào ĐH bằng học bạ THPT. Từ đó có thể khẳng định, việc bỏ điểm sàn ĐH sẽ tác động đến các trường ĐH nhiều hơn. Với thí sinh, việc này không tác động nhiều vì dù có hay không điểm sàn này thì điều kiện để vào ĐH gần như không thay đổi. Thông tin thêm về phương án tuyển sinh Trường ĐH Luật TP.HCM, ông Hiển lưu ý năm nay trường vẫn xét tuyển thí sinh dựa trên điểm học bạ, điểm thi THPT quốc gia và bài kiểm tra năng lực nhưng sẽ điều chỉnh tỷ trọng các bước này trong tổng điểm trúng tuyển. Đặc biệt, trường sẽ có thời gian nhận hồ sơ xét tuyển khác với quy định chung của Bộ.
Còn HS Trần Thanh Hiệp (lớp 11B10) đặt câu hỏi “lo xa” rằng dự thảo quy chế tuyển sinh được ban hành có áp dụng cho năm nay và năm sau không. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhìn nhận quy chế tuyển sinh các năm gần đây mỗi năm đều có những điều chỉnh nhưng theo hướng tích cực và ngày càng có lợi hơn cho thí sinh. Nếu tập trung vào năng lực sở trường của bản thân thì không ngại bất kỳ thay đổi nào.
Làm sao để tự tin bước vào mùa thi ?
HS Vũ Minh Huy (lớp 12A4) băn khoăn: “Năm nay lần đầu tiên áp dụng tổ hợp mới trong thi và xét tuyển nên tâm lý HS rất lo lắng, vậy làm sao để tự tin bước vào kỳ thi?”. PGS-TS Huỳnh Văn Sơn cho biết trước hết mỗi HS cần trả lời câu hỏi mình là ai. Theo ông Sơn, khi tham gia một hoạt động cần biết được thế mạnh và sự phù hợp của bản thân để có sự tự tin. Cùng một hoàn cảnh nhưng người tích cực sẽ nghĩ dễ dàng nhưng người tiêu cực lại có cảm giác nặng nề. Vì vậy, để có tự tin thì sự chuẩn bị quan trọng nhất là thế mạnh bản thân. Trên cơ sở đó so sánh bản thân với ngành và trường học mới biết “điểm rơi” phù hợp. Những người tập trung sẽ có sự bình an về tâm lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.