Thầy giáo Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập (H.Nam Trà My), cho biết những năm gần đây, mặc dù hạ tầng giao thông vùng cao này được đầu tư xây dựng đến từng thôn bản, song nhận thức về luật Giao thông đường bộ của người dân vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, 100% HS là người dân tộc thiểu số, khó tiếp cận tình hình giao thông ở các khu vực thành thị nên nhà trường đưa ra ý tưởng đặt mô hình giao thông thực tế trong sân trường để các em dễ nắm bắt về luật.
Từ nguồn xã hội hóa, nhà trường xây dựng mô hình trực quan này. Sau 2 tháng, một ngã tư có tín hiệu đèn giao thông, vòng xuyến, đường một chiều... hoàn thiện trong sân trường (ảnh). Giáo viên được giao sưu tầm luật Giao thông đường bộ và soạn giáo án tuyên truyền. “Để áp dụng thực tế, nhà trường yêu cầu mỗi ngày giáo viên đến trường phải đi qua ngã tư trong trường và tuân thủ luật Giao thông đường bộ, ai vi phạm sẽ bị khiển trách, nhắc nhở. Cách làm này giúp HS noi theo và thực hiện”, thầy Phương nói.
Với HS, mỗi tuần nhà trường dành một buổi để giáo viên dạy lý thuyết trên lớp. Hết phần này, HS ra sân trường thực hành, mỗi hôm học một chủ đề. “Nhiều HS miền núi chưa được xuống thành phố, chưa thấy đèn xanh, đèn đỏ, vạch chỉ đường. Mô hình thực tế này giúp các em dễ hiểu và biết tham gia giao thông an toàn”, thầy Phương chia sẻ.
Bên cạnh mô hình giao thông, nhà trường cũng xây dựng sa bàn bản đồ Việt Nam trên sân trường nhằm tuyên truyền trực quan cho HS về chủ quyền biển, đảo. Sa bàn được thiết kế trên hồ nước 120 m2, phần đất là “đất liền” Việt Nam, phần nước có 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa...
Bình luận (0)