Ngày 19.5, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, cho biết ngày 24.4 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với ông Philip Nguyen, Chủ tịch GWIS.
“Tại buổi làm việc, chúng tôi có đề nghị ông Philip Nguyen cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý cùng minh chứng cho các hoạt động giáo dục của GWIS tại Mỹ và kiểm định chất lượng của trường. Tuy nhiên, ông Philip Nguyen không cung cấp được ngay và xin gửi tài liệu sau. Tuần vừa rồi, Bộ cũng đã nhận được các hồ sơ do GWIS gửi bổ sung. Tuy nhiên, qua xem xét cho thấy những tài liệu này cơ bản giống như những gì Bộ đã nhận được; GWIS chưa thêm được các minh chứng về quá trình hoạt động giáo dục tại Mỹ và kiểm định chất lượng”, ông Hưng khẳng định.
tin liên quan
Trường Newton tự ý thông báo tiếp tục hợp tác với GWIS?Trong khi đó, một trong những đối tác của GWIS tại VN là Trường Newton (Hà Nội) đến sáng 16.5 còn ra thông báo về việc “hợp tác chương trình GWIS và Trường Newton vẫn tiếp tục triển khai chương trình này. Chiều 16.5, PV Thanh Niên đã liên lạc với đại diện Trường Newton để đặt câu hỏi: “Căn cứ vào đâu trường lại quyết định sẽ tiếp tục hợp tác với GWIS, đến thời điểm này hồ sơ pháp lý của GWIS ra sao, đã đảm bảo đủ điều kiện hay chưa?”, đồng thời xin gặp lãnh đạo trường này. Nhưng đại diện nhà trường cho biết, lãnh đạo Trường Newton hiện đi công tác nên hẹn PV Thanh Niên lịch làm việc vào sáng 19.5. Tuy nhiên, sau đó phía Trường Newton lại gửi thư cho biết lãnh đạo trường có cuộc họp đột xuất vào ngày này nên không tiếp PV được; đồng thời cho rằng hiện GWIS đã gửi hồ sơ pháp lý trình Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội, đề nghị PV liên hệ cơ quan chức năng để có câu trả lời chính xác.
Liên quan đến chương trình liên kết giữa GWIS với Trường Newton ở VN, mối quan tâm của nhiều phụ huynh là quyền lợi của các học sinh chuẩn bị tốt nghiệp THPT sau khi Bộ GD-ĐT yêu cầu dừng chương trình. PV Thanh Niên đặt vấn đề: “Bộ chỉ đạo giải quyết thế nào để việc dừng liên kết với đối tác này không ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh, đó là được thi để cấp chứng chỉ hoặc bằng cấp của Mỹ song song với bằng tốt nghiệp THPT của VN?”. Ông Phạm Quang Hưng giải thích, các hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục có những đặc thù riêng. Cụ thể, khi dừng hợp đồng vì lý do nào đó thì vẫn phải thực hiện các cam kết mà các bên đã ký để đảm bảo quyền lợi của người học. Vì vậy, trong văn bản gửi các sở GD-ĐT, Bộ đã nhấn mạnh chỉ đạo dừng theo quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi người học và các bên liên quan. Các sở cần căn cứ trên tình hình thực tế tại địa phương để có giải pháp cụ thể.
Ông Hưng còn cho rằng, với các trường ĐH của Mỹ thì điểm SAT hoặc ACT là tiêu chí chính để lựa chọn ứng viên vào học. Do đó, việc chọn các môn học song ngữ toán, khoa học bằng tiếng Anh sẽ có tác dụng tốt đối với học sinh khi dự thi các kỳ thi này. Bên cạnh đó, học sinh vẫn được học đầy đủ theo chương trình giáo dục phổ thông của VN và dự kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học của VN bình thường.
Bình luận (0)