Theo quy định của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, có 2 đợt kiểm tra, đánh giá năng lực vào các trường THCS chất lượng cao, ngoài công lập đông thí sinh đăng ký, đợt một vào ngày 29.6 và đợt 2 vào ngày 30.6. Từ 10.7 đến hết 12.7, các trường triển khai tuyển sinh. Thí sinh của các trường được phép tuyển sinh bằng đánh giá năng lực vào lớp 6 sẽ phải làm hai bài kiểm tra là: bài tổ hợp khoa học tự nhiên và toán; bài tổ hợp khoa học xã hội - tiếng Việt - tiếng Anh. Nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu ở lớp 5. Hình thức kiểm tra là trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận, thời gian làm bài 60 phút. Bài kiểm tra này sẽ giá 4 cấp độ nhận thức của người làm là: nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. |
Trường tư Hà Nội bức xúc vì quy định tuyển sinh 'không giống ai'
26/04/2018 20:50 GMT+7
Việc tuyển sinh của các trường tư thục danh tiếng trên địa bàn Hà Nội lại “nóng” không chỉ bởi áp lực về số lượng đăng ký dự tuyển quá lớn, mà còn vì bị bó buộc bởi quy định “không giống ai” của Hà Nội.
Trường tư phải được chủ động tuyển sinh
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường phổ thông Marie Curie Hà Nội, nêu thực trạng về quyền tự chủ tuyển sinh của các trường tư thục trong ngót nghét 30 năm qua. Cụ thể, từ năm 1989 đến năm 2014 thì các trường tư được tự chủ hoàn toàn về phương thức, thời gian tuyển sinh; từ năm 2015-2017, lệnh “cấm thi tuyển sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức” đã khiến tất cả các trường tư đã thi tuyển và rất hài lòng với kết quả thi tuyển vào lớp 6 từ hàng chục năm nay (như Trường Marie Curie) rơi vào tình trạng bị động, khó khăn và buộc phải nghĩ ra các “tiêu chí phụ” để xét tuyển vào lớp 6 trong khi bản thân các tiêu chí phụ này không đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Đến năm 2018, trước những bất cập của việc xét tuyển, Bộ Giáo dục - Đào tạo lại cho phép các trường “đặc thù”, có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển quá đông so với chỉ tiêu của trường, được phép kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6.
Ông Khang nêu nhận định, đây là một chỉ đạo rất phù hợp với tình hình thực tế cũng như mong muốn của các trường tư thục. Tuy nhiên, trong khi hầu hết các tỉnh/thành phố để dành quyền tự chủ tuyển sinh cho trường tư, trong đó phải kể đến là TP. HCM, thì Hà Nội lại đưa ra một số quy định mang tính bó buộc, không đúng với tinh thần chỉ đạo trong Thông tư quy định tuyển sinh THCS, THPT của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Cụ thể, ông Khang chỉ rõ mặc dù cho phép các trường như trường chúng tôi được kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6 nhưng Hà Nội lại yêu cầu phải “làm đề án, lập tờ trình” xin UBND quận/huyện phê duyệt. Về thời gian tuyển sinh, Sở cũng quy định cụ thể về ngày, tháng thuyển sinh, về nội dung tuyển sinh.
Ông Khang thẳng thắn nói, trường tư phải tự chủ, tự bươn chải rất nhiều khâu, từ xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, trả lương cho toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên… Để tồn tại, trường tư phải đảm bảo 2 điều kiện, trong đó điều kiện cần là cơ sở vật chất và điều kiện đủ là khâu tuyển sinh. “Do vậy, việc tuyển sinh của trường tư cần được tự chủ về phương thức và thời gian”, ông Khang nói.
Phải chấp nhận “xé rào” vì quyền lợi của người học
Chia sẻ thêm với phóng viên Thanh Niên, ông Khang cho biết, trong tháng 4, Trường có tổ chức 2 đợt trải nghiệm (miễn phí hoàn toàn) vào lớp 1 để tuyển sinh đầu cấp tiểu học. Sau 1 ngày trải nghiệm cùng vui chơi, hoạt động, ăn ngủ… tại trường, các con sẽ quyết định có chọn trường hay không và các thầy cô cũng quan sát để lựa chọn những cháu phù hợp với mục tiêu giáo dục và chỉ tiêu của trường có thể nhận. Trong bối cảnh số đăng ký so với chỉ tiêu tiếp nhận có sự chênh lệch lớn thì đây là cách tuyển sinh nhẹ nhàng hơn cả.
Theo ông Khang, tại các buổi gặp gỡ với hàng trăm phụ huynh có con tham gia trải nghiệm lớp 1 tại trường, tôi có hỏi là: “Mặc dù Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội không cho các trường tư tuyển sinh sớm nhưng trường tôi vẫn làm điều này vì quyền lợi của các con, ai đồng ý giơ tay?”, kết quả là 100% phụ huynh có mặt đều giơ tay. “Giữa một bên là mong muốn của phụ huynh, một bên là yêu cầu của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, tôi đã nói với phụ huynh rằng tôi sẽ chọn giải pháp “vì nhân dân quên mình”, ông Khang dí dỏm nói.
Hiệu trưởng Trường phổ thông Marie Curie Hà Nội phân tích, việc các trường tư tuyển sinh sớm là vì để các gia đình và học sinh yên tâm với việc con mình đã trúng tuyển vào ngôi trường mà mình mong muốn; hoặc tình huống ngược lại là vì lý do nào đó các con không trúng tuyển trường này thì gia đình có thời gian để cho con đăng ký dự tuyển vào trường khác; tăng cơ hội lựa chọn cho phụ huynh và học sinh. Việc này vẫn tiến hành hàng chục năm trước đây và không nảy sinh bất cứ phản ứng nào của người dân, rất phù hợp với thực tiễn, không hiểu sao Sở Giáo dục - Đào tạo lại cấm?
Đồng quan điểm trên, nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, cho rằng không có trường tư thục nào không có động thái tuyển sinh trước thời gian quy định của Sở (từ ngày 1-3.7), vì thời điểm đó là quá muộn.
Bà Hiền nói: “Tôi giống như thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie - Hà Nội, sẵn sàng nhận khiển trách để tạo điều kiện cho học sinh, phụ huynh. Nếu cứ quy định như thế này, cái khó không rơi vào trường tư như chúng tôi. Trường tôi cho đăng ký trực tuyến, hiện đã có hơn 2.000 đơn đăng ký. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của chúng tôi chỉ có 500. Điều này bắt buộc các trường phải “lách”, nếu không lách sẽ gây khó khăn cho nhân dân. Chúng tôi sẵn sàng chịu khiển trách nhưng mang lại lợi ích cho nhiều phụ huynh. Họ sẽ sớm được biết là con họ có vào trường được hay không”.
Quy định của Bộ là cho phép các trường chủ động
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục - Đào tạo, cho biết cùng với việc cho phép kiểm tra, đánh giá năng lực vào lớp 6 từ năm nay, Bộ không bắt buộc các trường "đặc thù" phải kiểm tra, đánh giá năng lực với dạng bài thi giống nhau. Quy định của Bộ là để các trường được chủ động xây dựng phương án tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Theo ông Thành, đánh giá năng lực là đánh giá việc "thực hiện" nên các trường cần lựa chọn phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực một cách phù hợp, bao gồm việc yêu cầu học sinh phải thực hành, trải nghiệm, thuyết trình, trả lời phỏng vấn… chứ không phải và không nên chỉ là các bài kiểm tra trên giấy. Vì vậy, cần các trường cần được xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh phù hợp với mục tiêu của trường.
Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khẳng định: "Tuyển sinh đồng loạt sẽ gây rất nhiều khó khăn vì đây là việc toàn dân. Không thể tuyển vào cùng một ngày, cùng một lúc, hạn chế nguyện vọng của học sinh, phụ huynh… Với khối trường ngoài công lập, quan điểm của nhà nước là luôn tạo mọi điều kiện để các trường ngoài công lập phát triển, kéo các gia đình có điều kiện ra trường tư, nhằm giảm tải cho hệ thống trường công vốn quá áp lực. “Tôi hứa sẽ cùng các thầy cô tháo gỡ công tác tuyển sinh trong năm nay”, bà Minh nói.
Bình luận (0)