Tư vấn truyền hình trực tuyến: Chọn tổ hợp nào để xét tuyển?

20/07/2016 10:21 GMT+7

Theo quy định, các cụm thi phải hoàn tất chấm thi và công bố điểm trước ngày 20.7. Sau thời điểm này, khi biết rõ kết quả thi thí sinh sẽ bước vào giai đoạn quan trọng: xét tuyển ĐH, CĐ.

Phần 1
Phần 2
Vào lúc 14 giờ 30 ngày 20.7, chương trình tư vấn trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức với chủ đề “Chọn tổ hợp môn nào để xét tuyển?” diễn ra trên Thanh Niên Online.
Tham dự chương trình có tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM. Bên cạnh đó còn có tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; Tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng; Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân; Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-tài chính TP.HCM; Thạc sĩ Đoàn Thị Phương Linh, Phó ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

tin liên quan

Xem điểm thi THPT quốc gia 2016 trên Thanh Niên Online
Chậm nhất ngày 20.7 các cụm thi phải chấm thi xong, sau đó gửi kết quả về Bộ GD-ĐT để đối sánh dữ liệu hoàn thiện chuẩn cơ sở dữ liệu chung trong cả nước và giao lại các cụm thi để công bố kết quả.
Các chuyên gia chương trình sẽ giúp thí sinh tháo gỡ các vướng mắc xung quanh việc chọn tổ hợp môn xét tuyển phù hợp để trúng tuyển đúng nguyện vọng...
Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho đại diện các trường ở ô bên cạnh để được giải đáp.
*** Đúng 14 giờ 30 phút, chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến bắt đầu.
Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân chia sẻ: Có lẽ đến thời điểm này hầu hết các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã biết kết quả thi (Theo quy định ngày 20.7 là thời hạn cuối các cụm thi công bố kết quả thi). Những ngày thi vừa qua rất quan trọng và giai đoạn sắp tới - xét tuyển - cũng quan trọng không kém. Sau khi đã biết kết quả thi, thí sinh dựa vào thông tin xét tuyển của các trường, cân nhắc, tính toán để nộp hồ sơ xét tuyển vào trường hoặc ngành phù hợp với năng lực và điều kiện của mình.
Theo quy định, từ ngày 1.8, các thí sinh sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn xét tuyển.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của thí sinh về việc xét tuyển, kể từ hôm nay, chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên về xét tuyển sẽ thực hiện tại địa chỉ thanhnien.vn và trang Video Báo Thanh Niên trên Facebook. Chúng tôi mong nhận được câu hỏi của các bạn gửi qua 2 địa chỉ trên hoặc qua số ĐT: 08- 39309242.
Khách mời tham gia phần 1 của chương trình tư vấn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chương trình hôm nay sẽ được chia làm 2 phần. Xin trân trọng giới thiệu đại diện các trường tham gia đợt 1:
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng.
Dù Bộ GD-ĐT chưa có những công bố cụ thể về phổ điểm cũng như thống kê về kết quả thi nhưng qua tình hình điểm thi ở các cụm thi đã công bố và cụ thể từ các cụm thi của ĐH Quốc gia TP.HCM, xin mời TS Nguyễn Đức Nghĩa có một vài nhận xét ban đầu về tình hình điểm thi năm nay.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: Cách công bố kết quả thi cho thấy năm nay rất khác so với năm 2015. Năm 2015 chỉ có 1 cổng thông tin duy nhất để thí sinh truy cập, sau đó thêm 8 cổng tuy nhiên vẫn bị nghẽn mạng. Năm nay có rất nhiều cổng thông tin, ít nhất 120 cụm thi có cổng thông tin để thí sinh tra cứu.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Kết quả điểm thi năm nay thấp hơn năm ngoái đặc biệt phân khúc thí sinh điểm thi cao. Các trường top trên có thể sẽ không cần tiêu chí phụ như năm 2015. Với các trường top giữa, vì có nhiều phương thức xét tuyển ĐH-CĐ, nên thí sinh có điểm thấp vẫn có khá nhiều cơ hội.
ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay cơ bản vẫn dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Có một số điều chỉnh như các trường thành viên tăng tỷ lệ ưu tiên xét tuyển thẳng từ học sinh trường chuyên, trường năng khiếu (năm 2015 chỉ có 5 trường THPT), năm nay mở rộng 82. Năm 2015 có 200 em trúng tuyển, năm nay lên tới hơn 800 (1.600 hồ sơ nộp).
Bên cạnh đó, năm nay điều kiện sơ tuyển đối với học sinh dùng kết quả thi THPT quốc gia là điểm bình quân 3 năm học phổ thông phải đạt 6,5 điểm trở lên (năm 2015 chỉ 5 học kỳ).
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển: Năm nay trường thực hiện 2 phương án xét tuyển: dựa vào điểm thi THPT quốc gia và điểm học bạ, mỗi phương thức chiếm 50% chỉ tiêu.
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Với phương thức học bạ lấy điểm 3 môn trong tổ hợp năm lớp 12, đạt 18 điểm trở lên. Với điểm THPT quốc gia, dự kiến sẽ lấy bằng mức điểm sàn.
Một bạn đọc hỏi: Em có thể cùng lúc dùng nhiều tổ hợp xét tuyển vào 1 ngành hay không, làm sao biết môn nào được nhân 2?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Các em cần lưu ý, thủ tục xét tuyển theo quy định chung mỗi thí sinh đợt 1 được đăng ký tối đa 2 trường mỗi trường tối đa 2 ngành. Đăng ký trực tuyến tại cổng thông tin của Bộ, nộp hồ sơ qua bưu điện, hoặc đăng ký trực tuyến tại trường. Thí sinh cần tự mình đăng ký xét tuyển để thông tin được chính xác.
Trên mỗi ngành vào 1 trường chỉ có 1 tổ hợp môn. Do đó các em chỉ được dùng 1 tổ hợp để đăng ký vào 1 ngành. Các em nên chọn tổ hợp nào có điểm cao nhất để có cơ hội trúng cao hơn.
Thông tin xét tuyển cũng vô cùng quan trọng. Các em phải biết được chỉ tiêu của từng tổ hợp, của từng ngành để xem mình có phù hợp hay không.
Một phụ huynh hỏi: Năm nay được đăng ký nguyện vọng ở 2 trường và không được rút hồ sơ, vậy trường ĐH có công khai xét tuyển từng ngày không, thí sinh xem ở đâu?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Theo quy chế, hằng ngày các trường phải cập nhật thông tin tình hình xét tuyển vào trường, số lượng thí sinh, mức điểm… Các trường cũng có thể thống kê thêm mức điểm có khả năng trúng tuyển vào trường đến thời điểm đó. Tuy nhiên thí sinh đã nộp hồ sơ là không được rút. Mọi thông tin thí sinh coi chỉ để tham khảo. Trong trường hợp không trúng tuyển thì có kế hoạch nộp hồ sơ vào các đợt tiếp theo.
Nếu NV1 bị rớt, trường xét qua NV2, trong trường hợp NV2 chỉ còn 3 chỉ tiêu thì nhà trường giải quyết thế nào?
Đây là vấn đề kỹ thuật. Mỗi ngành, nhóm ngành đều có chỉ tiêu. Khi định ra mức điểm chuẩn thì số thí sinh thường dôi ra so với chỉ tiêu. Nếu thí sinh không trúng vào ngành 1 thì phần mềm tự động chuyển qua ngành thứ 2.
Một thí sinh băn khoăn, đặt câu hỏi cho Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Nếu không đậu tốt nghiệp thì em có cơ hội vào học trung cấp ở trường hay không và khả năng liên thông ĐH như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh: Trường không còn đào tạo bậc trung cấp nữa. Vì thế, nếu muốn học trung cấp chuyên nghiệp thì em có thể tìm hiểu, theo học tại các trường khác có đào tạo bậc trung cấp. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM vẫn tuyển sinh ĐH liên thông đối với học sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp trung cấp tại các trường khác, em có thể theo dõi các đợt tuyển sinh liên thông lên ĐH của trường để đăng ký thi và học.
Một phụ huynh gửi câu hỏi cho chương trình: Nếu con tôi không đạt điểm vào một ngành đăng ký của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhưng lại đủ điểm vào một ngành khác của trường thì có được chuyển đổi điểm, nguyện vọng sang ngành thấp hơn không ạ?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh: Theo quy chế tuyển sinh năm nay, ở đợt 1, khi đăng ký vào một trường thì thí sinh chỉ được chọn 2 nguyện vọng. Vì thế, các em phải cân nhắc chọn ngành phù hợp theo điểm thi. Đối với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, như tôi đã lưu ý ở câu trước, điểm trúng tuyển NV1 có thể bằng điểm sàn, điểm trúng tuyển NV2 có thể cao hơn 2-3 điểm. Nếu thí sinh rớt trong đợt 1 thì phải đăng ký tiếp đợt 2 - tức NV3.
Một bạn đọc hỏi: Em thấy nhiều anh chị học ĐH xong khó xin việc làm, vậy em nên xét vào ĐH hay CĐ để không bị thất nghiệp? Có phải học bậc càng thấp càng khó xin việc?
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển: Nhu cầu nhân lực rất cần người có năng lực thực sự. Quan trọng là chuyên môn của bạn có tốt hay không, thái độ làm việc có chuyên nghiệp, cần cù siêng năng hay không chứ không phụ thuộc vào trình độ cao hay thấp. Tiếp đến là kỹ năng làm việc.
Nếu kiến thức như một tài sản, nếu giai đoạn này chưa kiếm được việc thì tài sản vẫn còn đó, cơ hội sẽ đến vào những thời điểm phù hợp.
Nhà báo Thùy Ngân đặt câu hỏi cho đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM về kế hoạch tuyển sinh 2016 của trường.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh: Như năm 2015, Trường vẫn dùng 2 hình thức tuyển sinh là theo học bạ và theo điểm thi THPT quốc gia. Trong đó, có 30% chỉ tiêu xét tuyển theo học bạ.
Học bạ cũng sẽ dùng tổ hợp 3 môn để xét tuyển và chỉ xét điểm lớp 12. Đầu vào xét tuyển đối với ngành dược là trên 20 điểm và 18 điểm đối với tất cả các ngành còn lại.
Bên cạnh đó, trường có 70% chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Trường lấy điểm sàn xét tuyển bằng với điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) của Bộ GD-ĐT sắp tới công bố. Theo kinh nghiệm những năm trước, ở nguyện vọng 1, điểm trúng tuyển các ngành của trường thường bằng hoặc cao hơn 1 điểm so với điểm sàn. Ở nguyện vọng 2, điểm trúng tuyển các ngành của trường có thể cao hơn 1-3 điểm.
Một thí sinh hỏi: Ngành học nào ở trường có thể giúp em tham gia robot? Có phải thế mạnh của Trường ĐH Lạc Hồng là thiên về kỹ thuật hơn là xã hội và kinh tế? Nếu học xong ĐH Lạc Hồng ở Đồng Nai thì sau này xin việc ở TP.HCM có khó không?
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển: Đó là những ngành cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa, điện, điện điện tử, công nghệ thông tin. Các em học xong có thể tham gia làm robot. ĐH Lạc Hồng là trường đa ngành, trong đó nhóm ngành kỹ thuật nhiều hơn. Việc đầu tư cho các nhóm ngành là như nhau.
Có nhiều sinh viên học ở ĐH Lạc Hồng và vẫn có thể về TP.HCM và các thành phố lớn khác làm việc, đó là chuyện hoàn toàn bình thường.
Một bạn đọc đặt câu hỏi: Em rất thích làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản. Vậy em có thể đăng ký xét tuyển học ngành nào của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM? Xin thầy tư vấn giúp em.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh cho biết: Đối với các em thích làm việc cho các công ty Nhật Bản, các em có hai lựa chọn ngành học tại trường là: Một là ngành ngôn ngữ Nhật. Học ngành này, ra trường, các em có thể làm biên, phiên dịch, trợ lý, các công việc văn phòng,… tại các công ty Nhật Bản. Điểm chuẩn đầu vào của ngành này năm trước thuộc nhóm cao ở trường.
Lựa chọn thứ hai là các em có thể học chương trình ĐH chuẩn Nhật Bản. Chương trình học này có sự liên kết, tài trợ của các công ty Nhật Bản. Với chương trình ĐH chuẩn Nhật Bản của trường, các em vừa học chuyên môn, vừa học tiếng Nhật. Khi ra trường, các em vừa có có bằng cấp chuyên môn (ví dụ kế toán) và có bằng cấp tiếng Nhật.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh Ảnh: Đào Ngọc Thạch
“Ngành Quản trị du lịch và lữ hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đào tạo kiến thức gì? Cơ hội việc làm tại TP.HCM có cao không?”, một thí sinh đặt câu hỏi.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh: Ở ngành Quản trị du lịch và lữ hành, trường đào tạo kiến thức cơ bản của ngành về du lịch. Bên cạnh đó, tiếng Anh và kỹ ăng mềm cũng được nhà trường tập trung đầu tư kỹ cho sinh viên để ra trường các em có thể dễ dàng kiếm việc làm.
Một thí sinh ở Chợ Gạo (Tiền Giang) thắc mắc: “Tổng điểm 3 môn thi Toán - Lý - Hóa tốt nghiệp THPT của em được 15 điểm. Không biết khả năng đậu của em vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thế nào? Trường có xét tuyển học bạ không? Thí sinh đậu vào trường theo xét tuyển học bạ có học giống thí sinh đậu vào trường theo điểm thi tốt nghiệp không?”
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh: Em có thể vận dụng cả hai phương thức xét tuyển của nhà trường là theo học bạ và điểm thi THPT quốc gia. Với 15 điểm, ngoại trừ ngành dược, theo phổ điểm năm nay, có thể điểm chất lượng đầu vào không quá cao, thì em có thể trúng tuyển vào các ngành khác của trường. Song song đó, em có thể xét tuyển theo học bạ. Vì vậy, em có thể nhận được hai giấy báo trúng tuyển (theo học bạ và điểm thi THPT quốc gia). Dù trúng tuyển theo hình thức nào thì các em đều được học cùng chương trình như nhau. Ở đây chỉ khác nhau hình thức xét tuyển, chứ không có sự khác biệt về hình thức đào tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Năm nay Bộ GD-ĐT điều chỉnh lịch xét tuyển, nếu lúc trước hết hạn đăng ký xét tuyển là 12.8, công bố kết quả trước 15.8, nộp giấy chứng nhận kết quả thi để nhập học trước ngày 17.8. Nay thời gian nộp giấy đổi thành 19.8, thí sinh thuận lợi hơn nhưng các trường sẽ có áp lực lớp khi chỉ có ngày 13 để xử lý dữ liệu. Đó là chưa kể số lượng hồ sơ gửi qua bưu điện sẽ đến chậm hơn ngày 12.8.
Sẽ có nhiều trường triệu tập thí sinh đến nhập học ngay sau khi có kết quả để nắm chắc có bao nhiêu thí sinh nhập học. Vì vậy thí sinh cần theo dõi thông tin mình có trúng tuyển hay không ở trên mạng để kịp nhập học. Đừng chờ đợi phải nhận được giấy báo trúng tuyển qua bưu điện. Các em có thể đến trường nhận giấy báo rồi nộp lại cho trường ngay trong thời gian nhập học.
Những lời khuyên của các chuyên gia tạm kết lại phần 1 của chương trình tư vấn hôm nay. Cảm ơn các thầy đã tham gia chương trình, cảm ơn quý khán giả đã theo dõi chương trình trực tiếp tại website Báo Thanh Niên và Facebook. Chúng tôi hy vọng thí sinh có những thông tin cần thiết ban đầu về xét tuyển để chuẩn bị giai đoạn xét tuyển bắt đầu từ ngày 1.8.
Chương trình sẽ được tiếp tục vào lúc 15h30 đến 16h15 cũng tại địa chỉ thanhnien.vn và trang Video Báo Thanh Niên trên Facebook với các khách mời là TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và Trường ĐH Kinh tế- Tài chính TP.HCM. Mời các bạn tiếp tục đặt câu hỏi và xin hẹn gặp lại các bạn trong ít phút nữa.
Ở phần 1, chúng ta trao đổi xung quanh về kết quả thi, những lưu ý về lịch và các quy định xét tuyển. Một điều thí sinh rất quan tâm là nên chọn tổ hợp môn nào xét tuyển và những ngành nghề nào đang được quan tâm hiện nay. Trong phần 2, chúng ta sẽ trao đổi về vấn đề này. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn và trang Video Báo Thanh Niên trên Facebook. Chúng tôi mong nhận được câu hỏi của các bạn gửi qua website, Facebook hoặc qua số ĐT 08- 39309242.
*** Phần 2 của chương trình với sự tham gia của đại diện các trường:
- Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa- Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải , Phó hiệu trưởng Trưởng ĐH Duy Tân
- Thạc sĩ Đoàn Thị Phương Linh, Phó ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng
- Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-tài chính TP.HCM
Khách mời tham gia phần 2 của chương trình Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhà báo Thùy Ngân: Nhiều bạn đọc hỏi chọn tổ hợp môn, nhóm ngành nào xét tuyển ra trường xin việc làm? Những câu hỏi này cần thiết để thí sinh nộp hồ sơ.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Từ kỳ xét tuyển năm 2015, khái niệm khối thi truyền thống chuyển sang dùng tổ hợp xét tuyển, cho phép TS tự chọn môn thi, các trường xét theo tổ hợp 3 môn thi.
Chúng tôi thống kê chủ yếu xoay quanh 15 tổ hợp môn, xoay quanh tổ hợp môn truyền thống. Mỗi trường có thể dùng nhiều tổ hợp môn xét tuyển, nhưng thường dùng tối đa 4 tổ hợp môn. Vì nhiều tổ hợp môn thì phần mềm, phân bố chỉ tiêu, thí sinh phức tạp hơn.
Thí sinh có thể đăng ký chọn môn thi theo nhiều tổ hợp môn khác nhau. Thống kê môn thi 2015 và 2016 tại cụm thi ĐH, khoảng 50% các em thi 5 môn. Như vậy là hợp lý.
Khi các trường thông báo xét tuyển, thí sinh có thể đăng ký nhiều tổ hợp môn. Nhưng chúng tôi khuyến cáo là theo tình hình các năm, các em dễ trúng tuyển nên nộp vào tổ hợp môn có điểm cao nhất. Đây là lời khuyên đầu tiên.
Năm nay em thi 2 khối A và D. Khối D điểm cao hơn. Điểm thi khối A rất khó xét tuyển vào trường ĐH công lập. Nhưng em lại thích môn khối A. Em nên chọn thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Đây là câu hỏi của nhiều thí sinh. Năm 2015, thí sinh chỉ chọn 1 trường với những ngành khác nhau, có khi thí sinh trúng tuyển ngành mà mình chưa yêu thích nhất. Năm nay, thí sinh có thể chọn một ngành giống nhau ở 2 trường. Ví dụ ngành CNTT nhiều ngành cùng đào tạo. Thí sinh căn cứ ngành này có điểm cao hay thấp ở các trường để xét tuyển. Thường trường đào tạo ngành CNTT có truyền thống, có nhiều thầy cô giỏi như: ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên... điểm rất cao. Vậy thí sinh có thể cân nhắc chọn ngành này ở nhiều trường khác, phù hợp điểm thi của mình.
Một phụ huynh hỏi: Tôi có con tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Toán - Lý - Hóa đạt điểm khá cao. Con tôi nên đăng ký ngành nào để có cơ hội trúng tuyển cao. Con tôi đam mê CNTT và Y đa khoa?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Điểm khá cao nhưng chưa khẳng định được dễ trúng tuyển hay không. Nhiều ngành có nhiều thí sinh điểm cao đăng ký sẽ có điểm chuẩn cao. Cần theo dõi phổ điểm và chỉ tiêu của ngành cần xét tuyển.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Hiện nay nhiều thí sinh đã biết kết quả nhưng khá lung túng trong việc chọn ngành nghề. Các em cần xác định năng lực, khả năng bằng cách tham gia một số phần mềm trắc nghiệm. Hoặc có thể tham khảo những người làm trong nghề đó, hoặc có thể trải nghiệm bằng công việc thực tế.
Sau đó là chọn trường, tìm hiểu về trường mình định nộp hồ sơ trên website: môi trường, học phí… Nên đến trường tham quan để có quyết định phù hợp. Trường cũng tư vấn rất kỹ cho phụ huynh và thí sinh.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bạn đọc hỏi: Em thích học ngành tài chính ngân hàng nhưng em nghe nói ra trường khó xin việc. Vậy em nên lựa chọn như thế nào để ra trường có việc làm ngay?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Hiện các trường đều có công tác hỗ trợ việc làm ngay từ khi sinh viên còn học trong trường. Nhóm ngành kinh tế, tài chính vẫn còn nhu cầu công việc cao. Các em cần chuẩn bị năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm. Trường đào tạo theo định hướng chuẩn quốc tế nên luôn bám sát các tiêu chí trên.
Trường xét tuyển từ kỳ thi THPT quốc gia (70% chỉ tiêu) và học bạ (30% chỉ tiêu). Cả hai phương thức này thí sinh đều có cơ hội nhận học bổng cao. Cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp cũng như nhau. Sự thành công còn phụ thuộc vào sự cố gắng và năng lực của bản thân.
Một câu hỏi của phụ huynh tỉnh Kiên Giang: Con tôi thi khối C được 24,25 điểm chưa cộng điểm ưu tiên. Số điểm vậy có khả năng trúng tuyển các ngành công an không, kể cả ĐH, CĐ, TCCN?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Các trường này chỉ xét tuyển thí sinh đã đăng ký sơ tuyển và qua vòng sơ tuyển, chưa đăng ký thì không được xét tuyển. Các năm gần đây, đặc biệt năm 2015, điểm chuẩn các khối ngành này rất cao. Có trường, ngành lên tới 27 điểm. Chưa đảm bảo mức điểm nào là điểm chuẩn nhưng dự kiến điểm chuẩn sẽ rất cao.
Một bạn đọc đặt câu hỏi cho đại diện Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: Theo kinh nghiệm của trường thì những ngành nghề nào hiện là thế mạnh và trong tương lai có nhiều cơ hội việc làm?
Thạc sĩ Đoàn Thị Phương Linh: Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đào tạo đa ngành, đa nghề. Trong đó, thế mạnh của trường gồm khối ngành sức khỏe, kinh tế, ngôn ngữ và năng khiếu. Ngoài ra, trường cũng có trung tâm hỗ trợ sinh viên, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, để kiếm được việc làm thì cái chính vẫn là năng lực của sinh viên. Các bạn học tốt, năng động thì ra trường kiếm việc không khó.
Thạc sĩ Đoàn Thị Phương Linh Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một bạn đọc gửi câu hỏi cụ thể: Xin cô cho biết, ngành Việt Nam học của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đào tạo những gì, sinh viên ra trường có thể làm việc gì?
Thạc sĩ Đoàn Thị Phương Linh: Ngành Việt Nam học của trường đào tạo về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Khi ra trường, sinh viên có thể làm về tổ chức, quản lý, nghiên cứu thị trường và hướng dẫn du lịch. Ngoài ra, trường có thêm khóa học sư phạm để khi ra trường sinh viên học ngành này còn có thể đi dạy. Năm nay, trường tuyển 150 sinh viên cho ngành Việt Nam học.
Nhà báo Thùy Ngân: Năm 2015 nhiều trường đặt ra điểm xét tuyển không cao lắm nhưng thực tế điểm trúng tuyển rất cao. Có thể khuyên thí sinh như thế nào?
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Năm 2015 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, điểm ngưỡng là 15 điểm, trên thực tế số trường đưa ra mức điểm xét tuyển cao hơn không nhiều. Các trường thường chọn điểm xét tuyển bằng điểm ngưỡng của Bộ GD-ĐT. Nhưng các thí sinh cũng rất tỉnh táo. Như tại các trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM, nhiều trường đưa ra điểm xét tuyển là 15 điểm. Nhưng đa số thí sinh xét tuyển có mức điểm từ 18 điểm trở lên. Năm 2016 với nhiều phương thức xét tuyển đa dạng, chúng tôi nghĩ thí sinh cũng đã có cân nhắc cỡ bao nhiêu điểm nên nộp trường nào, ngành nào...
Một bạn đọc hỏi: Ngành dược ở Trường ĐH Duy Tân có đào tạo đông y không. Với điểm 21,15 nên nộp hồ sơ ngành nào?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Chương trình đào tạo của Trường ĐH Duy Tân có những môn học nghiên cứu chuyên sâu về đông Y. Trường cũng có trung tâm nghiên cứu chuyên về đông Y. Đối với các trường ngoài công lập, trong đó có ĐH Duy Tân, năm ngoái mức điểm này (21,15) là trúng tuyển. Năm nay chưa thể trả lời, nhưng mức điểm này nằm ở ngưỡng giữa giỏi và trung bình. Cơ hội đỗ các trường ngoài công lập sẽ cao. Bên cạnh đó, các ngành gần ngành dược, các em cũng có thể xem xét để tham khảo. Năm nay cho phép thí sinh nộp 1 ngành tại 2 trường, thí sinh nên khai thác điều này triệt để, không nên bỏ qua.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Với tổ hợp môn Toán - Văn - Sinh, em có thể chọn ngành nào ở Trường ĐH Duy Tân? Một thí sinh hỏi.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Năm nay, Trường ĐH Duy Tân có thêm tổ hợp Toán - Văn - Sinh và Toán - Ngoại ngữ - Sinh cho các ngành điều dưỡng, dược hay môi trường... Em có thể xem xét để có lựa chọn tốt nhất.
Một Phụ huynh hỏi: Con tôi thi khối kinh tế, đạt 21 điểm, nên đăng ký NV1 vào trường nào là hợp lý? Điều kiện học tập và khả năng thành công khi học tại trường là như thế nào?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Nhóm ngành kinh tế có nhiều trường đào tạo và có nhiều ngành khác nhau: quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, tài chính ngân hàng, quản trị du lịch… Nhiều trường ĐH như: Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, Kinh tế - Luật TP.HCM, Công nghệ TP.HCM, Kinh tế tài chính TP.HCM… đều đào tạo nhóm ngành này.
Với mức điểm 21 thí sinh sẽ khó vào các trường top trên, như ĐH Quốc gia TP.HCM phải đạt 24 điểm năm 2015. Thí sinh nên chọn một trường vừa sức với mình.
Tại trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, có nhiều ngành kinh tế. Các em có thể xét học bạ hoặc xét điểm kỳ thi THPT quốc gia. Khả năng thành công sau khi tốt nghiệp còn phụ thuộc vào năng lực và sự nỗ lực của người học.
Một thí sinh hỏi: Nên chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất hay chọn tổ hợp môn có ít người xét tuyển? Chính sách học bổng của trường như thế nào?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Thí sinh nên chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất. Năm 2016 trường dành nhiều học bổng cho thí sinh. Đạt 21 trở lên sẽ được nhận học bổng 25% mức học phí năm nhất của trường, 24 trở lên là 50%, 27 trở lên là 100%.
Một thí sinh đặt câu hỏi cho Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: Em quan tâm đến ngành Truyền thông đa phương tiện của trường. Ngành này đào tạo như thế nào?
Thạc sĩ Đoàn Thị Phương Linh: Đối với ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đào tạo chuyên sâu về khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là truyền thông. Bao gồm các môn chuyên ngành về phỏng vấn, thiết kế, làm các chương trình truyền hình… Sinh viên ra trường có thể làm báo in, báo mạng, phát thanh - truyền hình và các công ty truyền thông.
Ngày 1.8 TS bắt đầu nộp đơn xét tuyển. Thí sinh cần lưu ý và chuẩn bị gì?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Trước khi đưa lời khuyên, tôi muốn quay lại câu hỏi tổ hợp môn ít người đăng ký hay điểm cao.
Năm nay đã nộp thì không rút. Làm sao biết được ngành nào ít thí sinh đăng ký. Với thời gian đăng ký xét tuyển đợt 1, tất cả các trường tham gia xét tuyển thì điểm chuẩn thường cao. Thí sinh phải theo dõi, thăm dò thông tin. Vì vậy, yếu tố điểm cao của tổ hợp môn là yếu tố quan trọng nhất. Vì có ngành ít thí sinh đăng ký nhưng toàn học sinh giỏi.
Lời khuyên của tôi là năm nay nên tận dụng ưu thế để trúng tuyển các ngành mình yêu thích. Một vài năm trước, điều kiện xét tuyển khá thoáng. Trong đó, xét tuyển học bạ dễ dàng cho thí sinh học ngành yêu thích chứ không phải là một chỗ học ĐH. Em nào dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia đăng ký, phải theo dõi kỹ thời gian quy định. Hai là thông tin các em xét tuyển ngành nào, trường nào, chỉ tiêu xét tuyển, điểm xét tuyển, dùng tổ hợp môn nào, xa hơn là ngành học những gì, ra trường làm gì. Phải nhớ khi tốt nghiệp sau 4 năm, thành cử nhân, kỹ sư, không ai hỏi các em đậu ĐH bao nhiêu điểm. Các doanh nghiệp, công ty… hỏi về những gì các em học trong 4 năm ĐH. Theo nghiên cứu, yếu tố quan trọng nhất cho sự thành đạt của 1 người là kiến thức và thái độ. Vì vậy, những gì thí sinh học ở các năm ĐH là cốt lõi của thành công.
TS Võ Thanh Hải: Tôi muốn nhấn một điểm là vì sao chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất. Trong 1 ngành có tối đa 4 tổ hợp, điểm trúng tuyển theo ngành, xếp thứ tự từ cao xuống thấp theo chỉ tiêu. Lời khuyên vẫn là nên chọn tổ hợp môn nào có điểm cao nhất ở ngành đó.
Thứ hai là mỗi năm đi qua, hội đồng tuyển sinh hoàn thiện dần kỳ thi tuyển, xét tuyển của kỳ thi. Năm nay đã khắc phục được nhiều hạn chế. Nên 12 ngày đầu tiên nên bình tĩnh xem xét, đánh giá. Thủ thuật nhỏ: nếu trường nào vừa sử dụng kết quả THPT quốc gia và xét tuyển học bạ như các trường ngoài công lập ở đây, cùng lúc nên nộp cả 2 phương thức. Vì nhiều em có điểm học bạ rất cao. Nộp cả hai phương thức cơ hội sẽ cao hơn.
*** Qua chương trình, chúng tôi hy vọng quý vị đã có được những thông tin về ngành nghề cũng như kế hoạch xét tuyển của các trường ĐH,CĐ. Chúng tôi chúc các thí sinh lựa chọn được tổ hợp thi phù hợp, xét tuyển vào đúng ngành nghề mình yêu thích và có nhiều cơ hội trong tương lai.
Chương trình sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 1.8, ngày đầu tiên thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển với chủ đề Nộp hồ sơ xét tuyển đê trúng tuyển từ NV1 địa chỉ thanhnien.vn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.