Tuyển sinh lớp 10: Một thí sinh được ‘đặc cách’ đọc bài làm nhờ người khác chép

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
18/07/2020 06:20 GMT+7

Tại điểm thi Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, có một phòng thi đặc biệt dành cho một thí sinh bị tai nạn gãy tay phải, không thể tự viết.

Sáng nay, 18,7, học sinh Hà Nội sẽ dự thi môn toán, môn thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hệ không chuyên. 
Trao đổi với PV Thanh Niên, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Trưởng điểm thi Trường THPT Cầu Giấy, cho biết tại điểm thi này có một phòng thi "đặc biệt", là phòng thi số 25, chỉ có duy nhất thí sinh Đào Nguyễn Hải Anh, học sinh trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành.
Theo cô Quỳnh, thông tin từ gia đình thí sinh cho biết, trước ngày thi khoảng 2 tháng, Hải Anh bị tai nạn gãy tay rất nặng nên đến ngày thi em vẫn phải cố định tay, chưa cử động được. Vì thương tích ở tay phải nên Hải Anh không thể trực tiếp viết bài thi được. Tuy nhiên, nếu không tham dự kỳ thi thì Hải Anh sẽ không còn cơ hội dự tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập trong năm nay.
Trước thực tế này, Ban chỉ đạo thi TP. Hà Nội đã quyết định sắp xếp cho Hải Anh dự thi và bố trí một em học sinh lớp 8 thuộc một trường THCS ở Q.Hai Bà Trưng hỗ trợ chép lại đúng nội dung bài làm vào giấy thi do Hải Anh đọc và tính đó là kết quả bài thi của Hải Anh. Ngày đến làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi, cả Hải Anh và học sinh nhận nhiệm vụ hỗ trợ đều phải có mặt.
Cô Bội Quỳnh cho biết: "Quyết định trên của Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản gửi tới điểm thi và chúng tôi thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo nhưng cũng thấy đây là một sự “đặc cách” rất nhân văn cuả Ban chỉ đạo thi nên tạo điều kiện tối đa cho thí sinh Hải Anh dự thi, đồng thời cũng bảo đảm nghiêm ngặt trong từng việc để tránh làm sai quy chế thi".
Theo cô Bội Quỳnh, theo danh sách bình thường, Hải Anh được xếp ở phòng thi số 4 cùng với tất cả thí sinh khác. Tuy nhiên, trong quá trình Hải Anh làm bài phải đọc để cho em học sinh lớp 8 chép lại giúp nên sẽ gây tiếng ồn và có thể không bảo mật được nội dung bài làm với thí sinh khác. Do vậy, Ban chỉ đạo thi TP.Hà Nội yêu cầu xếp riêng cho Hải Anh một phòng thi.

Niêm phong ghi âm “bài làm” của thí sinh 2 năm

Một điểm đặc biệt nữa là để đảm bảo tính khách quan, trung thực về nội dung bài thi do Hải Anh đọc và em học sinh lớp 8 chép lại giúp, toàn bộ nội dung Hải Anh đọc được yêu cầu ghi âm đầy đủ mỗi buổi thi tương ứng với từng môn thi.
Cô Bội Quỳnh cho hay, máy ghi âm này do gia đình thí sinh tự trang bị nhưng phải mang tới trước ngày thi để bộ phận kỹ thuật của điểm thi kiểm tra thật kỹ, đảm bảo máy ghi âm hoạt động tốt, không có dữ liệu gì, không có chức năng truyền phát thông tin. Sau một buổi thi, máy ghi âm này lại được điểm thi thu và niêm phong, đến buổi thi tiếp theo mới mở niêm phong và sử dụng tiếp.
“Kết thúc kỳ thi, máy ghi âm lưu lời đọc bài làm của thí sinh Hải Anh sẽ được niêm phong và cất giữ ít nhất 2 năm, như bài thi trên giấy của thí sinh bình thường”, cô Quỳnh thông tin.
Cô Bội Quỳnh chia sẻ, việc có một thí sinh thi theo cách đặc biệt như vậy nên việc điều hành tại điểm thi cũng sẽ phức tạp và vất vả hơn nhiều. Ví dụ, đề thi được đựng vào từng túi của từng phòng thi. Trong khi danh sách của thí sinh này ở phòng thi số 4 nhưng thực tế em ngồi một mình ở phòng thi khác. Do vậy, khi phát đề thi cũng phải tính toán, phối hợp rất nhịp nhàng để không ảnh hưởng tới quyền lợi thí sinh khác và của chính em do phải chạy từ phòng thi số 4 sang phòng thi số 25 để phát đề cho em.
Trưởng điểm thi phải có mặt trực tiếp khi phát đề cho phòng thi này dù phòng thi một mình em vẫn có đủ hai giám thị như các phòng bình thường khác. “Với việc phát đề môn ngoại ngữ chiều 17.7, do mỗi thí sinh một mã đề nên lãnh đạo điểm thi chờ cán bộ coi thi phát đề ở phòng 4 đến vị trí ngồi của Hải Anh thì cho luôn đề vào túi và niêm phong ngay để mang sang phòng 25 cho Hải An kịp làm bài", cô Quỳnh kể lại.

"Làm bài" môn toán sẽ khó khăn hơn

Hôm nay, 18.7, thí sinh sẽ thi môn toán, môn cuối cùng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên. Cô Quỳnh có chút lo lắng khi nhắc tới Hải Anh ở môn thi này vì đặc thù của môn toán sẽ khó khăn hơn khi không chỉ đọc cho người hỗ trợ chép thông thường mà thí sinh còn phải vẽ hình, đồ thị,…
Tuy nhiên, cô Quỳnh tâm sự: "Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ hết mức như vậy để đảm bảo quyền dự thi của em Hải Anh, còn việc em làm được bài đến đâu trong tình cảnh bất khả kháng như vậy thì nằm ngoài khả năng hỗ trợ của chúng tôi”.
Sau 2 môn thi của ngày thi đầu tiên, cô Bội Quỳnh thông tin, do được hỗ trợ hết sức của cả Ban chỉ đạo thi và các thầy cô trong điểm thi nên tâm lý của thí sinh Hải Anh khá tốt, làm bài thoải mái, tự tin. Em nói lời cảm ơn khi các bác ở Ban chỉ đạo thi TP.Hà Nội đến thăm và hứa sẽ cố gắng hết mình, làm bài thi thật tốt dù điều kiện ôn tập và thi cử khó khăn.

Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM: Thí sinh nói gì về đề thi?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.