Điểm toàn 10 nhưng phải học lại cơ bản ?
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng Trường phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), chia sẻ: “Năm đầu tiên bỏ thi, số lượng nộp hồ sơ dự tuyển đông hơn hẳn so với khi còn thi tuyển. Tiêu chí 5 năm liền học sinh (HS) giỏi ở tiểu học chỉ là điều kiện cần, sau đó chúng tôi lọc ra những hồ sơ chỉ toàn điểm 10 trong tất cả các bài kiểm tra học kỳ của 5 năm tiểu học, số đó vẫn dư nên phải có thêm các tiêu chí phụ để xét tuyển”.
PGS Cương cho hay khi HS nhập học rồi mới thấy chất lượng đầu vào rõ ràng không bằng những năm mà trường tự tổ chức thi. “Chúng tôi phải bỏ ra một vài tháng đầu để sốc lại toàn bộ HS lớp 6. Phải rất vất vả cả thầy và trò mới bắt nhịp được với chương trình của THCS. Nhiều HS thiếu kỹ năng làm bài, kỹ năng tự học và hổng cả kiến thức cơ bản”.
Tuyển sinh lớp 6 kiểu nào cũng... căng thẳng
Bộ GD-ĐT quyết định cấm thi tuyển vào lớp 6 nhằm giảm áp lực học thêm và thi cử đối với học sinh, nhưng sau một năm căng thẳng cũng như áp lực xét tuyển vẫn không giảm.
Ông Cương bày tỏ: “Thực tế sau một năm khiến tôi cảm thấy rất băn khoăn và nghi ngờ về cách đánh giá, chấm điểm của một số trường tiểu học. Tại sao có những HS toàn điểm tuyệt đối mà chất lượng học tập thực tế lại chỉ ở mức trung bình như vậy?”.
Cùng chung nhận định này, bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết: “Nếu thi tuyển là thước đo do chúng tôi đặt ra để có thể tuyển được HS phù hợp thì nay thước đo đó được chuyển hết sang cho các trường tiểu học, phụ thuộc vào chất lượng đánh giá của họ. Vì vậy, có những HS vẫn đáp ứng được tiêu chí xét tuyển về kết quả học tập ở tiểu học nhưng chất lượng thực tế thì lại không phải như vậy”.
Trong khi đó, bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam - nơi thu hút sự quan tâm hơn cả của phụ huynh, đã từ chối đưa ra nhận định khi phóng viên hỏi về chất lượng của HS lớp 6 năm vừa qua.
Thử thách năng lực của các trường
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng chắc chắn chất lượng đầu vào về mặt kiến thức của HS năm vừa qua không thể bằng chất lượng khi thi tuyển gắt gao của các năm trước. Tuy nhiên, ông Khang khẳng định: “Chất lượng đầu vào chỉ là một điều kiện ban đầu, chất lượng đầu ra như thế nào khi các em vào THPT mới nói lên năng lực của trường”.
Hà Nội vẫn cấm tuyệt đối thi tuyển vào lớp 6
Năm học tới Hà Nội vẫn quán triệt chủ trương các quận, huyện phải đảm bảo 100% trẻ đều có chỗ học, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6.
Ông Khang cho biết: “Chúng tôi coi đây là một lời thách đố đối với bản thân. Lâu nay các trường danh tiếng vẫn được quyền tuyển HS giỏi nhất của thành phố rồi nhận đó là chất lượng dạy học của mình. Nay tuyển HS ở mức độ vừa phải thôi, các trường liệu có duy trì được những thành tích ấy nữa không?”.
Bà Lê Kim Anh cũng cho rằng về cơ bản, HS vẫn đáp ứng được yêu cầu và dần bắt nhịp được với chương trình giảng dạy của trường. Tuy nhiên, để có được điều đó thì mỗi giáo viên phải vất vả hơn trước, phải tâm huyết và chắt chiu từng chút một để có được chất lượng tốt nhất.
Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, tỏ ra thận trọng khi cho rằng muốn đánh giá chất lượng HS vào các trường đặc thù thì cần phải có thời gian chứ không thể đưa ra nhận xét trong vòng 1 đến 2 năm. Đánh giá cũng phải dựa vào kết quả học tập cụ thể của HS chứ không thể bằng những cảm quan ban đầu. Theo ông Đại, cần có thêm thời gian để đánh giá việc bỏ thi tuyển đầu cấp và thay vào đó là hình thức xét tuyển có những ưu điểm, hạn chế gì để ngành giáo dục thủ đô có đề xuất với Bộ GD-ĐT đưa ra giải pháp phù hợp hơn.
“Còn trước mắt, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ, chúng tôi vẫn cấm thi tuyển dưới mọi hình thức, kể cả kiểm tra IQ, EQ hay phỏng vấn thêm”, ông Đại nói.
Thế nhưng, với những trường vẫn tổ chức tuyển sinh đầu vào theo cách mới như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM có giảm được áp lực học hành, luyện thi và nâng cao chất lượng như mong muốn hay không? (Còn tiếp)
Lớp chọn, không thi trước thì thi sau !
Cùng với “lệnh” cấm thi tuyển, quy định không được thi để xếp lớp áp dụng từ năm 2015 với tất cả các trường THCS để khắc phục mô hình “trường chuyên, lớp chọn” đang có xu hướng quay lại ngày càng phổ biến. Các trường có vẻ thực hiện nghiêm túc quy định này và chỉ xếp lớp dựa vào một số tiêu chí như kết quả học lực ở tiểu học; giải thưởng một số cuộc thi của ngành GD-ĐT để xếp lớp toán, văn, ngoại ngữ...
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, sau một năm, một số trường THCS danh tiếng trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức thi để xếp lại lớp, phục vụ cho nhu cầu chất lượng “mũi nhọn”. Để lách luật, có trường không đứng ra thông báo về việc này mà để đại diện phụ huynh thông báo về mục đích và cách thức thi. Có phụ huynh cho biết chỉ nhận được thông báo trước 2 ngày.
|
Bình luận (0)