Tuyển sinh vào lớp 6: Chưa nghĩ ra cách để công bằng và khách quan

21/04/2015 06:55 GMT+7

(TNO) “Bí” quá không nghĩ ra cách nào để xét tuyển học sinh học sinh lớp 6, Phó giáo sư Văn Như Cương hài hước nghĩ đến phương án đo chiều cao cân nặng của người dự tuyển.

(TNO) “Bí” quá không nghĩ ra cách nào để xét tuyển học sinh lớp 6, Phó giáo sư Văn Như Cương hài hước nghĩ đến phương án đo chiều cao cân nặng của người dự tuyển.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, Phó giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh Hà Nội vẫn tỏ ra hy vọng UBND TP.Hà Nội sẽ “mở” cho các trường ngoài công lập một chút quyền tự chủ trong việc tuyển sinh học sinh vào lớp 6 năm học 2015 - 2016 bằng cách khảo sát năng lực của học sinh.
Thầy Cương chia sẻ: "Nếu chỉ xét tuyển học bạ thì đúng là khó thật vì hầu hết là học sinh giỏi. Bốc thăm để tuyển sinh thì phản khoa học quá. Tôi có lúc nghĩ đến tình huống hài hước: Hay là trong số những học sinh dự tuyển đều giỏi, đều đạt ấy lại phải đo chiều cao cân nặng để chọn ra học sinh có thể lực tốt? Nhưng chỉ nói vui vậy thôi chứ cách ấy cũng phản khoa học".
cam - thi- vao-lop-6Trường Hà Nội - Amsterdam năm nay cũng chỉ tuyển 200 học sinh - Ảnh: Ngọc Thắng
Tương tự, Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng nói vui: “Chẳng lẽ lại nghĩ đến việc xét theo tiêu chí về thể lực, ngoại hình của học sinh?”.
"Nếu xét hồ sơ học sinh thì số học sinh tốt nghiệp tiểu học với lời nhận xét “không đạt” còn hiếm hơn là số học sinh đoạt giải quốc gia. Em nào cũng “đạt”, nhìn vào những dòng chữ khô khan ấy, chúng tôi biết chọn học sinh như thế nào để việc chọn và loại hồ sơ công bằng, khách quan".
Thầy Nguyễn Xuân Khang
Thầy Khang cho hay: "Dù khó cũng phải nghĩ ra cách nào đó, sẽ có cả điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện cần để tuyển thẳng những học sinh có giải trong tất cả các cuộc thi được ngành Giáo dục - Đào tạo tổ chức hoặc phối hợp tổ chức. Kể cả những giải về văn nghệ, thể thao, thi viết chữ đẹp, thi tìm hiểu các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, xã hội… Nghĩa là ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của học sinh trong bất cứ một lĩnh vực nào chứ không chỉ có giỏi Toán, tiếng Việt, tiếng Anh".
Điều kiện cần để tiếp tục xét tuyển, theo thầy Khang, chắc chắn phải là những học sinh 5 năm liền là học sinh giỏi hoặc “đạt” (theo cách đánh giá mới) của tiểu học. Sau đó mới tính đến điều kiện đủ. "Hy vọng việc đánh giá tiểu học theo cách mới thì hồ sơ, sổ sách của tiểu học bàn giao lên lớp 6 sẽ tường minh hơn. Học sinh được đánh giá từng mặt một cách chi tiết để nhìn vào đó chúng tôi có thể biết em nào trội hơn em nào trong một loạt hồ sơ đạt ấy", thầy Khang nói.
“Tôi chỉ lo, với phong trào “chạy” mạnh mẽ như hiện nay có khi hồ sơ của học sinh giỏi thực sự lại không đẹp bằng hồ sơ của học sinh bình thường chỉ vì bố mẹ của em ấy không “giỏi” bằng", thầy Khang lo lắng.
Trường "Ams" vẫn tuyển khoảng 200 học sinh
Với trường được quan tâm nhất hiện nay là THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội khẳng định: "Sẽ không có bất cứ cách thức tuyển sinh nào khác ngoài việc xét tuyển hồ sơ học tập cấp tiểu học của học sinh. Chỉ tiêu năm nay vào lớp 6 sẽ không thay đổi, vẫn khoảng 200 học sinh".
Theo ông Chất, Sở đang yêu cầu trường này xây dựng các tiêu chí xét tuyển với chỉ đạo chung là: đảm bảo công khai, công bằng và khách quan nhất.
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên Online, sở dĩ các tiêu chí xét tuyển vào trường này chưa được công bố vì Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội muốn tránh thời điểm các trường đang chuẩn bị thi hết học kì 2 và phụ huynh tìm cách tiêu cực để “làm đẹp” hồ sơ cho con mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.