Tỷ lệ việc làm sinh viên là tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh

Hà Ánh
Hà Ánh
28/01/2019 10:47 GMT+7

Bộ GD-ĐT lần đầu tiên sử dụng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường một năm làm một trong các tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Thông tin này được nêu ra trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 06/2018 về quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ TC, CĐ các ngành đào tạo giáo viên và trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ vừa được Bộ GD-ĐT ban hành.

Ngành mới không vượt quá 30% năng lực đào tạo

Theo đó, dự thảo thông tư có một số điểm mới so với quy định trước đó. Cụ thể, với ngành sức khỏe, giảng viên có bằng chuyên khoa cấp II các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính như giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Giảng viên có bằng bác sĩ nội trú, bằng chuyên khoa cấp I các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính như giảng viên có trình độ thạc sĩ.

Một điểm mới nữa là trong cách tính sinh viên quy đổi. Sinh viên chính quy được xác định trong chỉ tiêu tuyển sinh theo dự thảo này không bao gồm sinh viên cử tuyển ĐH hệ chính quy.

Quy định cụ thể xác định chỉ tiêu, dự thảo thông tư mới quy định ngành đạo tạo mới mở trong năm tuyển sinh, chỉ tiêu được xác định cho ngành đó không vượt quá 30% năng lực đào tạo của ngành.

Tăng chỉ tiêu nếu tỷ lệ sinh viên có việc làm từ 90%

Đáng chú ý nhất là trong cách xác định chỉ tiêu với các trường, theo dự thảo này, ngoài tiêu chí đạt chuẩn công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đã áp dụng từ năm 2018, nay lần đầu tiên dự thảo sử dụng thêm tiêu chí tỷ lệ việc làm sinh viên trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Cụ thể theo dự thảo, với cơ sở trong 3 năm liền không vi phạm quy định về tuyển sinh, được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định được tự chủ xác định chỉ tiêu theo cam kết chất lượng đào tạo, nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, ngành chưa có chương trình kiểm định không được tăng chỉ tiêu hoặc được tăng không quá 10% so với năm trước liền kề nếu kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt từ 90% trở lên (căn cứ vào kết quả kiểm định và kết quả khảo sát sinh viên có việc làm hằng năm của nhà trường).


 
Dự thảo này cũng nêu rõ, sinh viên bị sàng lọc là sinh viên đã nhận học vào trường nhưng sau thời gian đào tạo tiêu chuẩn (thời gian học đúng hạn theo chương trình đào tạo được thiết kế trung bình 3,5-6 năm tuỳ ngành) nhưng chưa đủ điều kiện được công nhận tốt nghiệp hoặc không còn tiếp tục theo học tại trường.

Nếu tỷ lệ trung bình của sinh viên có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt từ 90% trở lên và có sinh viên bị sàng lọc thì sau khi xác định chỉ tiêu theo quy định chung còn được xác định chỉ tiêu tuyển sinh tăng thêm không quá 25% số trung bình cộng của sinh viên bị sàng lọc trong 4 năm trước liền kề năm tuyển sinh. Nếu cơ sở đào tạo chưa đủ 4 năm có sinh viên tốt nghiệp thì tính số trung bình cộng sinh viên bị sàng lọc của các khóa đã tốt nghiệp.

Các trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề.

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.