Thông tin này được chia sẻ cởi mở trong buổi toạ đàm "Trường chuyên trong thời đại 4.0" diễn ra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) chiều 18.7.
Kiểm tra đúng đề chuyên, điểm 10 không dễ
Buổi toạ đàm được tổ chức xuất phát từ nhiều ý kiến khác nhau về mô hình trường chuyên trong thời gian gần đây, trong đó có vấn đề học sinh trường chuyên và năng khiếu có nhiều điểm 10 trong học bạ.
Có mặt trong buổi toạ đàm, Tuấn Kiệt, cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ: "Đề kiểm tra của học sinh trường chuyên được xây dựng theo chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT trong khi việc dạy học lại theo chương trình chuyên. Vì vậy, việc lấy 10 điểm có thể nói là 'dễ òm'. Nhưng nếu cho kiểm tra đề đúng với trình độ học sinh năng khiếu thì 10 điểm là không thể".
Cựu học sinh này cũng cho rằng, học sinh trường chuyên hay năng khiếu cũng như những học sinh bình thường và có những năm THPT "trọn vẹn". "Không như suy nghĩ của nhiều người học chuyên phải nghiêm khắc với bản thân, cày ngày cày đêm để có những điểm 10", Tuấn Kiệt chia sẻ.
Không chỉ điểm số, có những ý kiến còn lo lắng chuyện học sinh chuyên học lệch. Nhưng từ góc nhìn bản thân mình, Đức Minh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), khẳng định quan điểm học trường chuyên không có nghĩa là học lệch mà do sự tự chủ của mỗi cá nhân với con đường học tập của mình.
"Nếu mình vào trường chuyên mà mình chưa thích môn đấy và mình quyết định dành 90% thời gian để đào sâu nghiên cứu cũng là lựa chọn của mình. Còn với em, mặc dù học chuyên văn nhưng em xác định môn này giúp rèn luyện tư duy, suy nghĩ và cách diễn đạt nên không dành quá nhiều thời gian đầu tư nghiên cứu sâu về nó. Do vậy nên em vẫn cân bằng việc học với môn khác", cựu học sinh này nói.
|
Cao Hoàng Đức, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đã có 2 năm học chuyên trước khi du học tại Vương quốc Anh. Cựu học sinh này cho biết thời gian học chuyên đã giúp bản thân có khả năng tự học rất tốt nên không mất nhiều thời gian để hội nhập và phát triển trong môi trường mới. Nhưng trong buổi toạ đàm, Hoàng Đức cho biết ở nước Anh việc thi học sinh giỏi khá đơn giản.
"Bản thân học sinh nào muốn thử thách thì đăng ký thi, em cũng thi và có giải. Nhưng cái người ta quan tâm ở kỳ thi này không phải là bạn có giải gì mà việc tại sao lại dự thi và đạt được gì từ cuộc thi đó", Hoàng Đức kể lại.
Hạn chế lớn nhất của trường chuyên là áp lực?
Các ý kiến trong buổi toạ đàm đều thừa nhận vai trò của trường chuyên, đặc biệt những lợi ích với bản thân người học. Tại đây, chính các cựu học sinh chuyên cũng mạnh dạn chỉ ra những hạn chế của môi trường học tập này.
Theo Cao Hoàng Đức, vấn đề đầu tiên cần nói tới là áp lực. Áp lực của một học sinh trường chuyên đến từ 2 phía. Thứ nhất là kỳ vọng của thầy cô và gia đình. "Khi mình đặt được chân vào trường chuyên, mọi người sẽ nhìn mình bằng một con mắt khác, đặt lên mình kỳ vọng rất lớn và đôi khi lớn hơn sức của mình", Đức nói. Áp lực thứ 2 đến từ các bạn cùng trang lứa, mỗi bạn luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình. Đức nhấn mạnh: "Do đó, đôi khi việc mình 'bước chậm' hoặc 'đứng lại' thôi đã là thụt lùi với xung quanh và tạo ra áp lực rất lớn với mình".
Dù vậy nhưng Đức vẫn cho rằng, ở trường chuyên thầy cô luôn biết cách giúp học trò vượt qua mọi áp lực và không để áp lực trở thành nguyên nhân của thất bại. "Vượt qua áp lực lại trở thành một kỹ năng rất hay mà học sinh có được từ trường chuyên", Đức rút ra.
Có 7 năm học trường chuyên, Trường An (học sinh chuyên văn Trường Phổ thông Năng khiếu), lại nhắn nhủ riêng với các bậc phụ huynh. Học sinh này cho biết bản thân vào được trường chuyên là may mắn và theo đúng mong ước từ nhỏ. Nhưng theo An, có những phụ huynh khá tiêu cực khi có những bạn phải 'học ngày học đêm, đang trên xe vừa ăn cơm vừa ôn bài để tới chỗ học thêm'.
An nói: "Theo con, phụ huynh không nên lấy ước mơ còn dang dở của mình áp đặt lên các học sinh mà hãy để các bạn chọn khi thực sự mong muốn. Bởi con biết có những bạn ban đầu không thực sự muốn nhưng một số phụ huynh đã hơi áp đặt, những bạn đó ngày càng bị sa sút".
"Việc mình học ở đâu không chứng tỏ mình là ai, cách mình học ở đó mới quan trọng. Phụ huynh hãy thực sự một lần lắng nghe con của phụ huynh thực sự muốn gì", lời nhắn nhủ của học sinh này đã nhận được sự tán thưởng của mình nhiều phụ huynh có mặt tại buổi toạ đàm.
Trường chuyên cần thay đổi ra sao?
Có mặt trong buổi toạ đàm, tiến sĩ Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng không chỉ trường chuyên, mà các trường THPT trên cả nước đều phải thay đổi theo hướng phát triển 4 yếu tố: kỹ năng, phẩm chất, thái độ, kiến thức của học sinh.
Phó hiệu trưởng này nói: 'Sẽ đến lúc, việc thi tuyển chỉ là 1 hình thức vào trường chuyên. Hội đồng tuyển sinh có thể sẽ tuyển thẳng với học sinh đặc biệt hoặc cho những lá đơn đọc rớt nước mắt". Cần có sự thay đổi về cách tuyển để có những người có năng khiếu về nhiều mặt hơn.
"Không chỉ thay đổi về tuyển chọn mà cả đào tạo để có cái nhìn rộng hơn về trường chuyên chứ không phải chỉ là những học sinh giỏi quốc gia khi nói về trường chuyên, năng khiếu như hiện nay", phó hiệu trưởng này chia sẻ.
Một cựu học sinh trường chuyên khác cho rằng cái học được nhiều nhất từ trường chuyên đó là sự tự trọng và tôn trọng lẫn nhau. "Nên chăng thêm những bộ kỹ năng dạy học sinh ở trường chuyên thời đại 4.0. Đó là kỹ năng để đi làm, kỹ năng để sống với nhau", cựu học sinh này đề xuất.
Cô Đoàn Thị Hải Lý, Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cũng nói: "Bản thân tôi là cựu học sinh chuyên và giáo viên chuyên nhiều năm. Để đánh giá một vấn đề gì chúng ta cần có nghiên cứu và thống kê chính xác. Bản thân tôi chưa có nghiên cứu thống kê nào nhưng những gì trường chuyên đã làm được chúng ta trân trọng nó. Không chỉ trường chuyên mà cả các trường khác bắt buộc phải thay đổi mình để hội nhập và ngày càng tốt hơn nữa".
Bình luận (0)