Bộ Khoa học và công nghệ vừa có quyết định phê duyệt kinh phí để tiến hành xây dựng Trung tâm bảo tồn nguồn gen động vật quý của Việt Nam tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Tổng kinh phí được cấp là 30 tỉ đồng cho 3 năm từ nguồn quỹ bảo tồn nguồn gen của Bộ Khoa học và công nghệ.
PGS-TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, chủ trì dự án, cho biết đây là trung tâm đầu tiên của Việt Nam về bảo tồn nguồn gen động vật quý.
PGS-TS Thuận cho biết thêm, sau khi được đầu tư, nhiệm vụ của trung tâm này là thu thập tất cả các nguồn gen động vật quý hiếm của Việt Nam thông qua mô, tế bào sinh dưỡng. Sau đó tái biệt hóa thành tế bào gốc để giữ lâu dài và vĩnh viễn bằng phương pháp iPS hoặc ntES (tế bào gốc vạn năng cảm ứng hoặc tế bào gốc phôi nhân bản).
Cũng theo PGS-TS Thuận, tại các nước phát triển trên thế giới, bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm bao gồm 3 dạng: bảo tồn tại chổ, bảo tồn chuyển vị và bảo tồn ở mức độ tế bào. Ở Việt Nam hiện nay chỉ bảo tồn ở 2 dạng là tại chổ và chuyển vị.
Tuy nhiên, theo ông Thuận, động vật cũng có thời gian chết đi hoặc bị săn bắn cho nên một số lớn động vật quý hiếm của Việt Nam hoàn toàn biến mất. Ví dụ như Sao La, cách đây 10 năm còn thấy xuất hiện, tuy nhiên gần đây được xem như tuyệt chủng.
“Do chúng ta không bảo tồn ở dạng tế bào nên cũng mất luôn khả năng tái tạo lại Sao La thông qua kỹ thuật nhân bản vô tính. Vì vậy việc thành lập một trung tâm bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm thuần chủng ở mức độ tế bào là vô cùng quan trọng”, ông Thuận cho hay.
Từ nguồn tế bào này, phòng thí nghiệm có thể tái tạo lại các cá thể động vật thuần chủng hoàn chỉnh và nguyên bản thông qua kỹ thuật thụ tinh kính hiễn vi hoặc nhân bản vô tính động vật khi xã hội cần.
Hiện phòng thí nghiệm sinh học sinh sản hiện đại và nhân bản động vật – một bộ phận của trung tâm bảo tồn gen động vật quý, đã được thiết lập tại khoa Công nghệ sinh học của trường ĐH này.
Bình luận (0)