Xét tuyển ĐH: Nhọc nhằn rút hồ sơ xét tuyển

15/08/2015 14:17 GMT+7

(TNO) Lo sợ trước nguy cơ trượt đại học (ĐH) ở ngay đợt xét tuyển đầu tiên, nhiều thí sinh đã không quản ngại đường sá xa xôi đổ về TP.Hà Nội để rút hồ sơ với hy vọng may mắn hơn ở lần nộp hồ sơ mới.

(TNO) Lo sợ trước nguy cơ trượt đại học (ĐH) ở ngay đợt xét tuyển đầu tiên, nhiều thí sinh đã không quản ngại đường sá xa xôi đổ về TP.Hà Nội để rút hồ sơ với hy vọng may mắn hơn ở lần nộp hồ sơ mới.

Một số thí sinh tỏ ra mệt mỏi khi chờ đến giờ hẹn rút hồ sơ ở Trường ĐH Thương mại - Ảnh: Quý Hiên
Tự đi rút hồ sơ mới yên tâm
Mới 4 giờ sáng 14.8, Lê Kim D. (cựu học sinh lớp 12 Trường THPT Quảng Xương, Thanh Hóa) và cô bạn học cùng lớp tên Y. đã có mặt trên chuyến xe khách Thanh Hóa - Hà Nội. Nhờ đó mà khoảng 8 giờ sáng, khi thí sinh đến rút hồ sơ chưa đông lắm, D. và Y. đã có thể nộp cho bộ phận tuyển sinh của trường phiếu yêu cầu rút hồ sơ đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, do các cán bộ tuyển sinh của trường phải lục tìm trong số hơn 5.500 hồ sơ mà thí sinh đã nộp vào nên các em được thông báo là phải ngồi chờ đến 10 giờ sáng.
D. đăng ký xét tuyển khối A với tổng điểm xét tuyển là 21,75 điểm (đã tính điểm ưu tiên khu vực). Theo danh sách thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào ngành kế toán khối A được Trường ĐH Thương mại cập nhật tối 12.8, D. đứng ở vị trí 1.153 trong khi chỉ tiêu là 225. Vị trí của Y. còn tệ hơn. Chỉ kém D. 0,75 điểm, số thứ tự của Y. đã “leo” tới 1.483. “Chúng em phải đi sớm như vậy mới rút được hồ sơ trong buổi sáng để buổi chiều sang nộp hồ sơ ở trường mới”, D. cho biết.
Không may mắn xong việc nhanh như D. và Y., hai bố con anh Sơn ở Phú Bình, Thái Nguyên mất cả ngày trời mới xong khâu rút xong hồ sơ. Nhà làm nghề đậu phụ nên sau khi ép xong mẻ đậu cuối cùng giao cho khách, bố con anh Sơn mới lên xe máy xuôi 100 km về Hà Nội. Khoảng 11 giờ sáng con gái anh mới nộp được giấy đề nghị rút hồ sơ, cán bộ tuyển sinh hẹn 15 giờ 30 cùng ngày quay lại nhận kết quả. “Cháu chỉ thích mỗi ngành Ngôn ngữ Anh, trong khi với điểm xét tuyển 28,5 cháu ở vị trí 480 mà trường lại chỉ lấy 250 chỉ tiêu. Sang tuần bố con tôi sẽ đi nộp hồ sơ cho cháu vào Đại học Thái Nguyên”, anh Sơn nói.
Anh Sơn cũng cho biết, dù được nghe thông báo thí sinh có thể rút và nộp hồ sơ thông qua các sở GD-ĐT địa phương nhưng sau khi nghe ngóng tình hình cả hai bố con quyết định trực tiếp đến trường để rút hồ sơ.
Anh Sơn giải thích: “Nếu mình đi xuống Hà Nội chỉ mất một ngày, trong khi điều chỉnh qua sở có thể phải vài ba ngày sau mình mới biết chắc kết quả. Việc đại sự của cuộc đời con cái thì phải tự mình làm lấy mới yên tâm”.
Rút hồ sơ xong không biết nộp vào đâu
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 14.7 là ngày rút hồ sơ tấp nập nhất ở Trường ĐH Thương mại kể từ ngày các trường đại học bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển (1.8) cho đến nay.
Chị Bình, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội, phân tích: “Tôi nghe các cháu nói mức điểm từ 19 đến 21, 22 nhiều vô kể, trong khi phần lớn các cháu chỉ thích khối trường kinh tế. Tầm điểm đó năm ngoái dư sức đỗ Trường ĐH Thương mại, thậm chí có thể đỗ Học viện Ngân hàng. Nhưng năm nay thì những cháu 21, 22 điểm cũng không dám nộp Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính mà đổ xô nộp vào Đại học Thương mại, thành thử nhóm 19, 20 điểm xem như đuối. Con tôi được 20 điểm xét tuyển (bao gồm điểm ưu tiên) khối D1, mấy lần công bố danh sách trước cháu cũng tạm yên tâm vì thấy mức điểm của mình vẫn ở vị trí an toàn. Nhưng hôm 13.8 khi trường cập nhật danh sách mới, cháu thấy số thứ tự của mình đội lên cao quá thì hốt hoảng, định đi rút hồ sơ luôn nhưng cô cháu khuyên cứ từ từ đợi sang tuần rút vẫn còn kịp”.
Nhưng nhiều phụ huynh, đặc biệt những người nhà ở xa trường đại học, đã không giữ được bình tĩnh, vội đưa con đi rút hồ sơ dù rút xong không biết nộp vào đâu! Trong số này có khá nhiều thí sinh điểm xét tuyển đạt từ 21 điểm trở lên.
Anh Chinh, phụ huynh em Trần Anh Đ., ở thành phố Vinh, Nghệ An, cho biết con anh có điểm xét tuyển là 21,25 khối A, đăng ký vào ngành kế toán của Trường ĐH Thương mại. Sau khi xem danh sách thấy con mình nằm trong khoảng thứ 800 là vội lên tàu ngay trong đêm để sáng hôm sau đến trường rút hồ sơ. Anh Chinh nói: “Với thời điểm hiện tại, xét thấy việc để lại hồ sơ xét tuyển ở trường này là không còn an toàn nên tôi phải rút hồ sơ cho con. Còn rút rồi nộp vào đâu thì tôi và cháu đều chưa xác định. Cứ rút được cái đã”.
Còn chị Ly, nhà ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội có con được 21 điểm xét tuyển khối D1 vào Trường ĐH Thương mại, chia sẻ: “Tôi cảm thấy không an tâm nên rút hồ sơ, đầu tuần tới khi có thông tin cập nhật tiếp theo của các trường mới nghiên cứu xem có thể nộp vào đâu. Nếu thấy có khả năng đỗ vào đây thì nộp lại, chỉ tốn công đi lại và mất thêm 30.000 đồng lệ phí. Nhưng nhà tôi cách trường chỉ khoảng 40 km nên cũng không ngại đi. Còn tiền thì từng đó có đáng gì so với cảm giác mất an toàn mà mình phải chịu đựng trong mấy ngày tới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.