Điểm mới này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ đại diện các trường đào tạo các ngành liên quan.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ủng hộ chủ trương “siết” học lực với phương thức xét tuyển học bạ vào các ngành sức khỏe và xem đây là “rào cản” cần thiết. Trong đó, ba ngành cấp chứng chỉ hành nghề (y khoa, y học cổ truyền và răng hàm mặt) là những ngành đặc biệt vì liên quan trực tiếp đến điều trị bệnh, cần thiết có chuẩn đầu vào tương đối.
tin liên quan
Dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển thì phải theo quy trình chungCòn thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ý kiến: “Tôi cho rằng các ngành sức khỏe tốt nhất nên xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia”.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng việc xét tuyển hiện tại dựa theo tổ hợp xét tuyển nên “sàn” cũng cần đánh giá dựa trên nền tảng này.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM có đào tạo ngành liên quan khối sức khỏe cũng đồng tình với Bộ về việc nên xác lập mức điểm sàn cho các ngành mang tính chất đặc thù như những ngành thuộc khối sức khỏe. Tuy nhiên, điều kiện quy định có thể nên xem xét và cân nhắc lại cho phù hợp hơn với hình thức xét tuyển học bạ.
Người này phân tích: “Xét trên phương diện tuyển sinh thì học sinh có thể rất giỏi trong lĩnh vực này hoặc lĩnh vực khác, cụ thể ở đây là các môn có kiến thức liên quan đến khối sức khỏe như: hóa, sinh, toán. Nhưng để đạt được học sinh giỏi toàn diện thì lại là một vấn đề khác”, người này phân tích.
“Phương thức tuyển sinh truyền thống từ trước đến nay của hệ thống giáo dục vẫn đang phân luồng tuyển sinh theo khối và theo lĩnh vực ưu thế của người học. Do đó, nếu được thì Bộ có thể quy định điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 8,0 trở lên sẽ đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào khối ngành sức khỏe theo phương thức học bạ”, Phó hiệu trưởng này đề xuất.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cũng đề xuất ngưỡng “sàn” với phương thức xét tuyển học bạ các ngành sức khỏe chỉ nên xác định theo tổ hợp các môn trong tổ hợp xét tuyển (thay vì điểm trung bình học bạ cả năm lớp 12).
Lý giải đề xuất này, ông Hải cho rằng có một thực tế rất rõ trong các trường phổ thông hiện nay là tình trạng học sinh học lệch. Ngay khi bước vào lớp 10, học sinh đã bắt đầu lựa chọn môn học phân ban theo thế mạnh của mình và định hướng thi tuyển ĐH. Điều này dẫn đến có những học sinh rất giỏi các môn toán, hóa, sinh nhưng không giỏi toàn diện, nếu áp dụng quy định như dự thảo sẽ hạn chế cơ hội trúng tuyển của thí sinh.
Trong một góc nhìn khác, cán bộ tuyển sinh một trường ĐH lo ngại: "Tiêu chí học lực giỏi lớp 12 được xét tuyển học bạ vào ngành y vô hình trung lại "đẩy" cao hơn xu hướng cho điểm không thật ở một số trường THPT?".
Bình luận