Xét tuyển tập trung: 'Triệt' thí sinh ảo

10/05/2016 05:37 GMT+7

Theo các chuyên gia và cán bộ làm công tác tuyển sinh, việc Bộ GD-ĐT thực hiện xét tuyển tập trung sẽ thuận lợi cho các trường, giảm được tình trạng thí sinh ảo.

Cần sớm công bố phương án
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng việc xét tuyển tập trung để giải quyết vấn đề ảo là chủ trương tốt cho các trường. Những lý giải vấn đề thực hiện cách xét tuyển này là có cơ sở và thể hiện mong muốn giải quyết bất cập. Tuy nhiên, tiến sĩ Lý cho rằng nếu quy định này được đưa ra sớm hơn thì sự chuẩn bị sẽ tốt hơn. Ngoài ra, Bộ cần lưu ý về mặt kỹ thuật để tránh bất cập phát sinh. Chẳng hạn, những ngày xét tuyển cuối, hồ sơ nộp qua bưu điện có thể đến trễ, nhiều trường chưa kịp nhập vào hệ thống hoặc có thể nghẽn trong những ngày này (trước khi xét tuyển) dẫn đến khó khăn ở khâu bổ sung sau khi Bộ khóa dữ liệu. “Và yêu cầu rất quan trọng là các trường phải được cung cấp dữ liệu để phục vụ cho việc nhập dữ liệu, chủ động trong việc điều chỉnh khi gặp sai sót kỹ thuật”, tiến sĩ Lý đề xuất.
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng cho rằng nếu việc xét tuyển tập trung thực hiện tốt thì có lợi cho các trường vì khả năng giảm ảo cao hơn. Tuy nhiên, phần mềm này cần được xây dựng để đảm bảo đáp ứng điều kiện xét tuyển mà các trường đã công bố trước đó về tổ hợp môn, tiêu chí phụ, môn chính… “Thời gian từ nay đến lúc xét tuyển không còn nhiều, vì vậy Bộ cần sớm công bố phương thức xét tuyển tập trung để các trường kịp chuẩn bị. Đặc biệt là những quy định chung mà các trường cần tuân theo khi tham gia xét tuyển trên phần mềm chung này”, tiến sĩ Thông đề xuất.

Sẽ xét tuyển tập trung!

Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh (ảnh) với phóng viên sau khi Báo Thanh Niên đăng bài phản ánh băn khoăn của một số trường ĐH về tính khả thi trước thông tin có thể xét tuyển chung trên toàn quốc.

Điểm tuyển sát thực tế hơn
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết trường ủng hộ kế hoạch của Bộ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường hình dung rằng họ sẽ chẳng biết gì mấy thông tin đăng ký xét tuyển vào trường mình trong quá trình thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển, vì thế yêu cầu được quan sát diễn biến dữ liệu khi chương trình chạy để từ đó nắm được diễn biến TS đăng ký vào các ngành trường mình ra sao là một đòi hỏi chính đáng.
Về mặt kỹ thuật, mỗi trường đều có thể tự chạy phần mềm này nếu Bộ cho phép. Vấn đề là các trường chạy như thế nào khi quy chế hiện nay cho phép đợt 1 mỗi TS có 4 nguyện vọng bình đẳng (đồng thời trúng tuyển tối đa 2 trường)? Sẽ không có một phần mềm nào giúp các trường xác định được điểm chuẩn chính xác. “Chống ảo thế nào được khi mà TS đồng thời trúng tuyển 2 nơi? Chúng tôi đã giải quyết được bài toán này. Bộ nên tham khảo cách xét tuyển của nhóm chúng tôi”, ông Điền đề nghị.
Trong khi đó, ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho rằng nếu Bộ thực hiện được việc xét tuyển tập trung thì tốt. Năm nay, thời gian xét tuyển kéo dài 12 ngày và không cho điều chỉnh nguyện vọng, nên sẽ không có “nút thắt” nào để dẫn tới “cao trào”.

Việc xét tuyển tập trung thực hiện tốt thì có lợi cho các trường vì khả năng giảm ảo cao hơn

Tiến sĩ Lê Chí Thông

Theo ông Thực, việc xét tuyển tập trung vẫn thuận lợi vì ít nhất trường cũng có thông tin TS trúng tuyển vào trường mình đang có khả năng trúng tuyển hay không vào một trường khác, vì thế có thể ước lượng được tỷ lệ TS đến nhập học, từ đó đưa ra được phương án điểm tuyển sát thực tế hơn.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng băn khoăn về tính giảm ảo của việc xét tuyển tập trung. Thạc sĩ Vũ nói, quy chế năm nay cho phép mỗi TS có tối đa 2 cơ hội trúng tuyển. Theo quy định hết ngày 15.8 các trường phải công bố TS trúng tuyển, nhưng đến hết ngày 17.8 TS mới phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi để nhập học. Như vậy, phần mềm xét tuyển tập trung của Bộ sẽ hạn chế việc ảo ra sao nếu như khâu quyết định nằm ở nhập học? Từ đó, thạc sĩ Vũ đề xuất, thay vì xét tuyển cho các trường thì Bộ chỉ nên cung cấp số liệu thống kê để các trường thực hiện xét TS.
Bộ hay trường xác định điểm chuẩn ?
Vấn đề nhiều trường đặt ra khi Bộ triển khai xét tuyển tập trung là khâu xác định điểm chuẩn. Theo đại diện một trường ĐH, nếu công tác xét tuyển được thực hiện tập trung trên hệ thống phần mềm để xác định TS trúng tuyển vào từng trường, có thể nói chính Bộ ấn định điểm chuẩn thay cho các trường.
PGS-TS Trần Lê Quan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng Bộ không nên làm thay các trường việc xác định điểm chuẩn, vì mỗi trường, mỗi ngành có cách xét riêng. Do vậy, Bộ chỉ nên cung cấp dữ liệu TS trúng tuyển dự kiến, còn bản thân các trường sẽ thực hiện việc xét tuyển cụ thể với từng TS và đưa ra điểm chuẩn từng ngành.
Ông Vũ Tuấn Lâm, Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, cũng đặt ra hàng loạt băn khoăn như các trường nhập dữ liệu vào hệ thống chung, sau đó Bộ sẽ chạy chương trình, rồi Bộ đưa kết quả xét tuyển cho các trường? Hay Bộ đưa phần mềm đó cho các trường để các trường tự xử lý? Tỷ lệ gọi nhập học so với chỉ tiêu sẽ do Bộ quy định, hay từng trường tự quyết? Nếu các trường gọi lần 1 lên đến 125% để trừ hao số TS nhập học, nhưng rồi tất cả TS đến, thì Bộ có chấp nhận không?…

Hộp thư tư vấn: Đăng ký xét tuyển trực tuyến có đảm bảo ?

Học sinh Nguyễn Văn Thắng (Trường THPT Trương Định, TX.Gò Công, Tiền Giang) thắc mắc: 'Em định xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Em muốn hỏi hình thức đăng ký trực tuyến là như thế nào? Có đảm bảo là sẽ xét tuyển được hay không? Em có nên nộp hồ sơ trực tiếp cho chắc chắn?'.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, muốn làm rõ một số vấn đề. “Tôi chưa rõ Bộ sẽ giới hạn cái chung đến đâu trong phương án xét tuyển tập trung nào. Rất nhiều trường có những yêu cầu riêng, ví dụ phải sơ tuyển, như các hệ thống trường công an, quân đội, hoặc trường có các môn năng khiếu. Bộ phải cân nhắc kỹ, bởi nếu nhóm lớn nhiều trường “riêng” quá thì phần mềm chung không giải quyết được, mà chỉ gom các trường có chung yêu cầu xét tuyển thì cũng không giải quyết được bài toán thực tế”, ông Tùng bày tỏ.
Một cán bộ Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội) đặt vấn đề: “Bộ sẽ làm tất, xong rồi các trường chỉ việc lên Bộ nhận danh sách TS đã trúng tuyển vào trường mình về hay như thế nào? Nhưng quan trọng hơn, đó là việc các trường có thể xoay xở như thế nào trước diễn biến tuyển sinh của trường mình trong suốt quá trình nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển hay vì không biết gì, không can thiệp được gì nên chỉ biết thụ động chờ kết quả?”.
Người này yêu cầu Bộ cần làm rõ có cho phép từng trường chạy chương trình trên phần mềm chung của Bộ hay các trường chỉ việc nhập dữ liệu vào rồi chỉ biết “nhìn”? Chỉ có Bộ mới được chạy phần mềm đó, còn các trường là không? “Mong muốn của các trường là được thao tác trên phần mềm của Bộ, để biết được thông tin chi tiết về tình trạng TS đăng ký vào trường mình, được ước lượng điểm chuẩn dự kiến vào các thời điểm cần thiết, để có chính sách thu hút TS vào các ngành có nguy cơ tuyển thiếu chỉ tiêu. Nếu làm được thế này thì rất tốt”, người này đề nghị.
 4 vấn đề cần làm rõ
Một cán bộ phụ trách khảo thí của một trường ĐH đề nghị Bộ làm rõ 4 vấn đề khi xét tuyển chung:
1. Cách thức triển khai như thế nào (các trường làm gì, Bộ làm gì)?
2. Quyền tự chủ của các trường không bị vi phạm (phân định rõ các trường làm toàn bộ khâu xét tuyển của trường họ, Bộ chỉ hỗ trợ giám sát).
3. Quyền lợi của TS được hỗ trợ tối đa bằng phương thức này như thế nào?
4. Các giải pháp kỹ thuật, yêu cầu hạ tầng công nghệ thông tin của các trường như thế nào để chống nghẽn mạng trong đăng ký xét tuyển online?
Quý Hiên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.