Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng (ảnh), Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, đưa ra những lý giải xung quanh vấn đề này.
Bộ không chỉ đạo cụ thể việc giải quyết của từng trường !
Trước hết, cần phải khẳng định, theo quy định của pháp luật thì việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH nên việc xử lý các trường hợp bị hạ điểm thi thuộc thẩm quyền của các trường. Ngoài căn cứ vào quy định chung của quy chế tuyển sinh thì các trường còn phải căn cứ vào đề án tuyển sinh đã công bố, các quy định riêng của trường mình và các quy định có liên quan của cơ quan có thẩm quyền (bộ, ngành, địa phương... nếu có) để giải quyết.
Việc bị hạ điểm thi cũng chi phối đến kết quả tuyển sinh ở mức độ không giống nhau: có trường hợp vẫn đủ điểm trúng tuyển, có trường hợp không liên quan đến tổ hợp xét tuyển, trường hợp không đủ điểm trúng tuyển, trường hợp đủ điểm trúng tuyển nhưng vi phạm các nội dung khác đã được quy định hoặc cam kết vẫn bị hủy kết quả trúng tuyển... Vì vậy, Bộ không chỉ đạo cụ thể đến việc giải quyết của từng trường, chỉ hỗ trợ thông tin nếu các trường có nhu cầu và giám sát để các trường không làm sai quy định.
|
Thưa bà, Bộ GD-ĐT nắm trong tay dữ liệu xét tuyển của các trường, nên chắc chắn biết rõ từng thí sinh có điểm thi gian lận vừa qua học ở trường nào. Vậy Bộ có thể thông tin cụ thể tới xã hội 108 thí sinh có điểm thi gian lận (64 của Hòa Bình, 44 của Sơn La) đang học ở những trường nào, được không?
Hiện nay, Bộ và các sở liên quan đều nắm được các thí sinh vừa có kết quả chấm thẩm định đang học ở trường nào. Tuy nhiên, ai sử dụng kết quả đó ở khâu nào, vào việc gì thì tùy thuộc vào quy định về chức năng nhiệm vụ của từng chủ thể. Sở thì xem xét lại việc xét công nhận tốt nghiệp nên trước hết, kết quả chấm thẩm định này được gửi đến Sở. Kết quả xét công nhận tốt nghiệp trên cơ sở điểm thẩm định sẽ được các sở gửi cho các trường ĐH có liên quan, nếu có và gửi cho thí sinh. Các trường sẽ căn cứ vào quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh đã công bố, các quy định riêng của trường mình và các quy định có liên quan của cơ quan có thẩm quyền… để kiểm tra lại kết quả trúng tuyển; xử lý hủy kết quả trúng tuyển hay tạm thời cho tiếp tục học đến khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra.
Việc kiểm tra lại kết quả trúng tuyển cũng phụ thuộc vào cách thức, điều kiện tuyển sinh của từng trường và việc đăng ký xét tuyển của thí sinh. Điều này thuộc quyền và trách nhiệm của các trường và trường là nơi có đầy đủ thông tin nhất để xử lý. Khi tổng hợp đủ thông tin rồi thì thông thường, trường sẽ họp hội đồng tuyển sinh để tham mưu cho hiệu trưởng/chủ tịch hội đồng tuyển sinh quyết định theo đúng quy trình. Vì vậy, không phải đơn giản là nhìn điểm thẩm định của thí sinh và điểm trúng tuyển của trường mà thí sinh đang theo học là kết luận ngay được ai sẽ bị loại khỏi danh sách trúng tuyển.
Không cần thiết mở lại cổng thông tin tuyển sinh 2018
Theo ý kiến của nhiều trường, tại sao Bộ GD-ĐT không mở cổng thông tin tuyển sinh 2018 để các trường có thể cập nhật kết quả tuyển sinh trên đó, thay vì việc các trường phải đợi công văn hành chính từ Hòa Bình, Sơn La như hiện nay?
Có những cách làm đơn giản hơn vì hiện cơ sở dữ liệu (CSDL) năm 2018 đã đóng lại và được lưu trữ, bảo mật an toàn, dành kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin cho việc thiết lập hệ thống CSDL thi tuyển sinh 2019. CSDL tuyển sinh là phần mềm xét tuyển, lọc ảo trên cơ sở hai tham số là kết quả thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển hằng năm của thí sinh. Khi điểm trúng tuyển năm 2018 của mỗi trường đã được xác định thì các trường chỉ việc căn cứ vào kết quả chấm thẩm định của những thí sinh đã được xét công nhận tốt nghiệp theo thông tin mà các sở gửi đến để tra cứu trên dữ liệu lưu của trường mình xem thí sinh đó đăng ký xét tuyển tổ hợp nào, điểm tổ hợp đó theo kết quả chấm thẩm định và điểm ưu tiên, điểm hệ số… nếu có, để kết luận thí sinh có đủ điểm trúng tuyển hay không.
Việc này đơn giản hơn là chạy phần mềm xét tuyển lọc ảo của cả hệ thống hay chạy lại modul xét tuyển của toàn trường. Cách đó thật sự không cần thiết và không phù hợp với mục đích công việc này nên không được chọn để thực hiện.
9 thí sinh Hòa Bình bị loại khỏi Học viện An ninh
Theo một nguồn tin đáng tin cậy của Thanh Niên, trong số 9 cựu học viên Học viện (HV) An ninh nhân dân hầu hết đều nằm trong nhóm thí sinh (TS) có điểm cao nhất trúng tuyển vào HV này mùa tuyển sinh 2018.
Cụ thể, có 5 TS nằm trong nhóm 12 TS có điểm xét tuyển cao nhất tổ hợp A01 (điểm xét tuyển khoảng từ 28 - 30 điểm); 1 là thủ khoa tổ hợp C03; 1 có điểm thi cao nhất tổ hợp C03; 1 trúng tuyển vào HV An ninh nhân dân năm 2017 cũng với số điểm rất cao (đây còn là TS có điểm thi cao nhất tỉnh Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2017). Chỉ duy nhất 1 TS có điểm đăng ký xét tuyển có điểm thi 3 môn là 23,45 điểm (điểm xét tuyển là 26,2).
Những TS này được kết quả xét tuyển trên là nhờ nâng khống lên từ hơn 10 đến gần 15 điểm/3 môn. Cụ thể:
Đ.Q.D (SBD 230078xx): toán từ 2 điểm lên 8,2 điểm; sử từ 3,75 lên 9,25 điểm; văn từ 3 lên 6 điểm.
B.T.V (SBD 230004xx), người có điểm xét tuyển cao thứ 3 tổ hợp A01 vào HV An ninh nhân dân năm 2018 được nâng khống 12,45 điểm, thêm 2,75 điểm ưu tiên nên B.T.V có tổng điểm xét tuyển là 29,75, cao thứ 3 HV An ninh nhân dân.
H.T.N (SBD 230014xx): toán 4,2 lên 9,2; lý 4 lên 9,25; ngoại ngữ 5,6 lên 9,4.
B.V.C (SBD 230070xx): toán 5,4 lên 8; lý 2,5 lên 9; ngoại ngữ 2 lên 8,8.
Q.T.D (SBD 230077xx): toán 3,8 lên 8,2; lý 2,5 lên 8,25; ngoại ngữ 2 lên 8,4.
L.Đ.K.L (SBD 230002xx): toán 6,8 lên 9,2; sử 7,25 lên 9,75. K.L có điểm ngoại ngữ được nâng khống từ 3,2 lên 9,2.
P.Q.A (SBD 230000xx): toán từ 7 lên 9,2; lý từ 5,25 lên 9; ngoại ngữ từ 5 lên 9,2.
N.T.L (SBD 230002xx): toán từ 4,8 lên 9; sử từ 7,25 lên 9,5. Ngoài ra T.L có điểm ngoại ngữ được nâng khống từ 6 lên 9,2.
Đ.N.T (SBD 230010xx, là thí sinh của mùa thi 2017): toán từ 5,2 lên 9,4; sử từ 9 lên 10; địa từ 9,25 lên 10; Giáo dục công dân từ 8,75 lên 9,5; ngoại ngữ từ 3 lên 9,6.
|
Bình luận (0)