Xử phạt vi phạm trong giáo dục bằng tiền: Không phải xử thì tốt hơn!

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
03/10/2018 08:58 GMT+7

Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng khẳng định dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục tuy rất quan trọng nhưng không phải là 'cây gậy vạn năng' mà cần phối hợp sử dụng nhiều công cụ quản lý khác. Chủ trương của Bộ là 'xử đúng thì tốt nhưng không phải xử thì tốt hơn'.

5 năm, chưa từng xử phạt vụ nào !
Chúng tôi không khuyến khích cái gì cũng đè ra phạt nhưng sau này, những sở để xảy ra vụ việc mà không xử phạt là phải chịu trách nhiệm
NGUYỄN HUY BẰNG Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT
Theo tổng kết của Thanh tra Bộ GD-ĐT, sau 5 năm Nghị định 138/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục có hiệu lực thì hầu như chủ tịch UBND các cấp chưa xử lý được vụ việc nào.
Với thanh tra ngành GD-ĐT thì mới chỉ có gần 30 sở GD-ĐT của 63 tỉnh thành xử phạt được một số vụ việc. Còn lại hơn một nửa số địa phương chưa xử lý được vụ việc nào. Trong khi đó những vấn đề như dạy thêm học thêm, lạm thu… vẫn còn gây bức xúc trong xã hội ở nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho rằng nguyên nhân của thực trạng hơn một nửa số sở chưa sử dụng quyền của mình là do lực lượng thanh tra còn ít; bên cạnh đó có tâm lý đối với giáo viên (GV) thì vận động tuyên truyền, răn đe là chính.
Tuy nhiên, nếu vi phạm có chủ ý, mức độ nặng mà không phạt thì phải nói thẳng là thanh tra không làm hết trách nhiệm. “Chúng tôi không khuyến khích cái gì cũng đè ra phạt nhưng sau này, những sở để xảy ra vụ việc mà không xử phạt là phải chịu trách nhiệm”, ông Bằng khẳng định.
Tình hình vi phạm pháp luật giáo dục diễn biến phức tạp
Lý giải về việc xây dựng dự thảo nghị định mới trong khi nghị định hiện hành vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Huy Bằng cho rằng quản lý nhà nước về giáo dục cần nhiều công cụ trong đó quản lý bằng pháp luật là công cụ cơ bản. Hệ thống pháp luật về giáo dục gần đây ngày càng được hoàn thiện, nhưng vẫn có một đặc điểm là thiếu chế tài. Vì vậy, có những hành vi không đúng pháp luật nhưng không có cơ sở để xử lý. Nghị định 138 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được ban hành năm 2013, tuy nhiên sau 5 năm, nghị định này đã bộc lộ rõ những bất cập và tình hình thực tiễn có nhiều thay đổi đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung.

Về mặt pháp lý, theo ông Bằng, năm 2017, Chính phủ đã ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính. Điều này đòi hỏi phải sửa đổi Nghị định 138 phù hợp với nghị định mới. Về mặt thực tiễn, qua tổng kết và báo cáo của các địa phương và các cơ sở giáo dục cho thấy Nghị định 138 bộc lộ nhiều bất cập như: mức phạt tiền của một số hành vi không có tính răn đe, thiếu một số biện pháp khắc phục hậu quả, thiếu một số hành vi…
“Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật về giáo dục diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục như tổ chức hoạt động giáo dục không được cấp phép; xác định chỉ tiêu tuyển và tuyển sinh không đúng quy định; tình trạng lạm thu; dạy thêm học thêm không đúng quy định; bạo hành trẻ em; tư vấn du học, quản lý, cấp phát văn bằng chứng chỉ sai quy định…”, ông Bằng nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến xem xét về phạt dạy thêm học thêm, lộ đề
Dự thảo quy định sẽ xử phạt nếu dạy thêm với học sinh (HS) tiểu học, HS học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, theo phản ảnh của Báo Thanh Niên, không chỉ GV mà cả phụ huynh rất lo lắng bởi HS tiểu học đi học thêm ở các trung tâm bên ngoài nhà trường rất nhiều, không phải học với GV chính khóa. Nếu chỉ quy định chung chung như vậy thì rất nhiều người vi phạm.
Ông Nguyễn Huy Bằng cho hay sẽ xem xét góp ý này để quy định cụ thể hơn về đối tượng, ví dụ xử phạt với GV dạy HS tiểu học do chính mình giảng dạy hoặc xử phạt khi việc dạy thêm đối tượng này ở trong nhà trường… Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, cụ thể hóa cho rõ, dễ áp dụng.
Tuy nhiên, ông Bằng cũng nhấn mạnh: “Khi làm quản lý nhà nước, đây chỉ là một công cụ để quản lý, không phải công cụ vạn năng. Còn nhiều công cụ khác. Có những điều chắc chắn là sai nhưng không đưa vào quy định xử phạt vì không khả thi. Khi làm phải có tính khả thi, chứ không phải đưa ra quy định để chơi”.
Ngoài ra, PV Thanh Niên cũng đặt vấn đề việc lộ đề thi được đưa vào dự thảo là hành vi vi phạm hành chính trong khi nếu ở kỳ thi quốc gia, lộ đề thi cũng là lộ bí mật quốc gia và như vậy sẽ phải truy cứu hình sự chứ không thể xử lý hành chính. Ông Bằng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến này để xem xét. Trong nghị định không đề cập tới lộ đề thi khi chưa diễn ra kỳ thi, còn dự thảo quy định việc lộ đề thi trong thời gian thi và các hành vi như đưa bài thi, đề thi ra ngoài... Lúc này không còn khái niệm lộ đề nữa mà là có lẽ sẽ phải sửa lại là hành vi làm lọt đề.
 
Nghị định mới sẽ khả thi hơn?
Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết mong nghị định mới khi ban hành sẽ khả thi hơn nhiều. Bởi đây là công cụ rất quan trọng để quản lý nhà nước. Giả sử giao thông đường bộ không xử phạt thì giao thông có được như hiện nay không? Xây dựng không xử phạt thì xây dựng có được như hiện nay không? Đương nhiên khác biệt ở chỗ ngành giao thông có hàng vạn thanh tra, còn giáo dục thì lực lượng rất mỏng. Hơn nữa, với giáo dục còn có đặc thù riêng, ai cũng hiểu sai sẽ phạt nhưng không khuyến khích phạt nhiều là tốt mà cần biện pháp có tính răn đe, tuyên truyền, thuyết phục. Nhưng chỗ nào đáng phạt mà thanh tra sở GD-ĐT không phạt thì đáng phê bình. Phải làm hết quyền và trách nhiệm. Muốn vậy, sẽ cần tập huấn cho đội ngũ thanh tra thật kỹ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.