Xúc phạm giáo viên trên facebook: Làm giáo dục đừng nghĩ 'thắng thua' học sinh

06/11/2015 19:30 GMT+7

(TNO) Cuối giờ chiều nay 6.11, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đã có buổi làm việc với trường THPT Lê Lợi để nghe báo cáo về việc nữ sinh bị nhà trường đình chỉ học 10 ngày vì 'xúc phạm' giáo viên trên facebook.

(TNO) Cuối giờ chiều nay 6.11, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đã có buổi làm việc với trường THPT Lê Lợi  để nghe báo cáo về việc nữ sinh bị nhà trường đình chỉ  học 10 ngày vì 'xúc phạm' giáo viên trên facebook.

 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết ngày mai sẽ có hướng xử lí việc Trường THPT Lê Lợi đình chỉ học sinh 10 ngày
Sau buổi làm việc này, trao đổi với Thanh Niên Online, ông Chử Xuân Dũng cho biết: Tôi đã yêu cầu hiệu trưởng nhà trường phải có báo cáo cụ thể bằng văn bản với Sở GD-ĐT Hà Nội về vấn đề này.
Nghĩa là từ khi sự việc xảy ra Trường THPT Lê Lợi chưa có báo cáo Sở GD-ĐT về sự việc này?
Chưa có, hôm nay sau khi làm việc trực tiếp tôi mới yêu cầu trường phải có báo cáo bằng văn bản.
Theo đánh giá của ông qua những thông tin từ hai phía thì ông thấy cách xử lý kỷ luật học sinh của nhà trường như vậy có hợp tình, hợp lý không?
Bước đầu thì tôi thấy có những xử lí chưa phù hợp, chưa có tiếng nói chung giữa nhà trường với học sinh và phụ huynh học sinh. Cần phải hiểu nhau hơn.
Hôm nay tôi cũng đã trao đổi với hiệu trưởng, dù học sinh có sai, nếu xét ở khía cạnh danh dự của học sinh thì nhà trường làm như vậy là không nên.
Ngày mai, khi trường có báo cáo giải trình, trong đó đề xuất hướng xử lí từ phía nhà trường ra sao thì Sở GD-ĐT sẽ có chỉ đạo cụ thể.
Cá nhân tôi cho rằng, dù nhà trường hay gia đình cố làm “to” chuyện thì người chịu khổ, chịu thiệt thòi nhất vẫn là cháu học sinh. Chuyện này lẽ ra hoàn toàn không có lý do để phải khiến dư luận quan tâm đến như vậy.
Với kinh nghiệm của một người từng làm hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội nhiều năm. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm khi quyết định kỷ luật một học sinh nào đó?
Bao giờ tôi cũng đứng về quan điểm giáo dục lên hàng đầu. Người làm sai thì phải chịu trách nhiệm, phải cho họ thấy họ đã sai ở đâu nhưng trên quan điểm hết sức bao dung. Học sinh làm sai thì thầy cô phải nhắc nhở, giáo dục… nhưng vẫn phải cho học sinh thấy tình thương và trách nhiệm của thầy cô. Còn học sinh cũng phải thẳng thắn nhận lỗi, sai ở đâu thì sửa ở đấy. Nghĩa là các em cũng phải có nhận thức đầy đủ thì mới tiến bộ được.
Quan điểm của chúng tôi trong sự việc ở THPT Lê Lợi là nắm bắt thông tin từ nhiều phía để đưa ra cách giải quyết phù hợp nhất.
Thế nhưng, rõ ràng là việc yêu cầu đình chỉ học tập một học sinh lẽ ra không phải là một quyết định dễ dàng như vậy?
Tôi hiểu tâm trạng của phụ huynh trong trường hợp này. Hôm nay tôi cũng nói với Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi: chúng ta làm giáo dục, chúng ta đừng nghĩ gì tới việc thắng thua học sinh, phụ huynh học sinh; ai đúng hay sai, cái quan trọng nhất là vì sự tiến bộ của học sinh. Nhà trường là nơi giáo dục chứ không phải là nơi kết tội học sinh. Làm thế nào để nhà trường, học sinh và gia đình học sinh luôn tìm được tiếng nói chung thì giáo dục mới hiệu quả. Tôi cũng mong phụ huynh của em Q. chia sẻ quan điểm này với chúng tôi.
Hôm nay, chia sẻ với phóng viên thì phụ huynh cũng cho biết, nếu tình trạng này kéo dài thì họ sẽ phải tính đến việc chuyển trường cho con. Ông có cho rằng đây là cách làm cần thiết lúc này?
Như tôi đã nói ở trên, trong trường hợp này nhà trường và gia đình học sinh chưa tìm được tiếng nói chung. Nhưng tôi hy vọng rằng, sau ngày mai khi nhà trường đã có báo cáo về hướng xử lý, Sở GD-ĐT và nhà trường sẽ tìm ra cách thức để tìm được tiếng nói chung giữa hai bên.
Quan điểm của chúng tôi là đặt quyền lợi của học sinh lên vị trí số 1, không để học sinh thiệt thòi. Còn nếu sau đó phụ huynh vẫn khăng khăng chuyển trường cho con thì chúng tôi vẫn tạo điều kiện giải quyết. Nhưng đó chỉ là tình huống bất đắc dĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.