TNO

Giáo hoàng Francis và những cuộc mật đàm Mỹ - Cuba trong Tòa thánh

22/12/2014 00:00 GMT+7

(Tin Nóng) Ít ai biết thỏa thuận bất ngờ giữa Mỹ và Cuba trong việc mở lại sứ quán và khôi phục quan hệ ngoại giao song phương sau 53 năm đóng băng nghiêm trọng không hề có bất kỳ cuộc gặp bí mật nào diễn ra tại hai nước, cũng chẳng có sự tham gia của cựu lãnh đạo Fidel Castro. Đóng vai trò chính trong sự kiện quan trọng này chính là Giáo hoàng Francis.

(Tin Nóng) Ít ai biết thỏa thuận bất ngờ giữa Mỹ và Cuba trong việc mở lại sứ quán và khôi phục quan hệ ngoại giao song phương sau 53 năm đóng băng nghiêm trọng không hề có bất kỳ cuộc gặp bí mật nào diễn ra tại hai nước, cũng chẳng có sự tham gia của cựu lãnh đạo Fidel Castro. Đóng vai trò chính trong sự kiện quan trọng này chính là Giáo hoàng Francis.


Giáo hoàng Francis đã bí mật trao đổi với Tổng thống Barack Obama tại Vatican ngày 27.3.2014 về vấn đề Cuba - Ảnh: AFP

"Hôm nay chúng ta đều hạnh phúc vì thấy cách hai dân tộc, những người xa cách nhau trong nhiều năm, hôm qua đã có một bước tiến gần hơn", Giáo hoàng Francis hân hoan tuyên bố hôm thứ năm 18.12.2014 tại Vatican, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba.

Nhân vật bất ngờ đã đóng vai trò then chốt trong nỗ lực khép lại chương cuối cùng của kỷ nguyên chiến tranh lạnh, đó là Giáo hoàng Francis.

Gánh vác vai trò hiếm hoi trong một cuộc đàm phán ngoại giao quốc tế vô cùng phức tạp, giáo hoàng Francis đã chứng tỏ khả năng đảm bảo các cuộc điều đình rắc rối vẫn được triển khai bất chấp trở ngại, trước khi các cuộc hội đàm cuối cùng diễn ra tại Tòa thánh cách đây 2 tháng, theo báo Los Angeles Times.

Cuộc thảo luận bí mật tại Vatican

Được biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi bình thường hóa quan hệ với Cuba sau khi tái đắc cử vào Nhà Trắng năm 2009. Đồng thời, việc chấm dứt chương trình cô lập Cuba là mục tiêu từ lâu của vị Giáo hoàng đầu tiên xuất xứ Nam Mỹ, người mong muốn hàn gắn sự chia rẽ ở Tây bán cầu, và là cội nguồn khiến người dân Cuba sống trong cảnh khó khăn suốt hơn nửa thế kỷ.

Đức giáo hoàng đã đảm nhiệm vai trò điều phối ẩn mặt sau khi được ông Obama lên tiếng nhờ cậy trong chuyến thăm Vatican vào ngày 27.3.2014. Họ trao đổi với nhau khoảng 45 phút, mỗi bên chỉ mang theo một thông dịch viên, tại bàn làm việc của Giáo hoàng Francis trong thư viện rộng lớn của Vatican, nằm sâu trong Tòa thánh.

Đó là cuộc thảo luận đầu tiên giữa hai người, và “Cuba là đề tài được đề cập nhiều nhất”, theo tiết lộ của một quan chức kỳ cựu giấu tên thuộc chính quyền Obama.

Đến đầu mùa hè năm nay, theo Vatican, Giáo hoàng viết thư cho Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba, Raul Castro, thúc giục hai nhà lãnh đạo “hãy giải quyết những vấn đề nhân đạo trên bình diện lợi ích chung”, chẳng hạn như thả nhà thầu khoán người Mỹ Alan Gross bị Cuba giam giữ và 3 tù nhân Cuba trong nhà tù ở Florida.

Trở ngại và sự can thiệp của giáo hoàng

Tổng thống Obama chọn ra 2 trợ lý dẫn đầu phái đoàn Mỹ, gồm Benjamin J. Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia và là người viết diễn văn cho tổng thống, và Ricardo Zuniga, giám đốc cấp cao Vụ Tây Bán cầu thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, và từng giữ vị trí ngoại giao tại Havana.

Vòng đàm phán đầu tiên đã được thực hiện bí mật tại Canada vào tháng 6.2013. Và trong 18 tháng sau đó, họ tiếp tục gặp thêm nhiều lần nữa ở Ottawa hoặc Toronto. Canada chỉ cung cấp nơi điều đình chứ không tham gia vào các cuộc hội đàm này.

Giữa các cuộc hội đàm tại Canada, các bên liên lạc thông qua Văn phòng các lợi ích của Mỹ tại Havana, dưới sự bảo vệ của Thụy Sĩ, và cơ quan tương tự của Cuba tại Washington. Họ cũng gửi thông điệp thông qua các phái bộ ngoại giao tại LHQ ở New York, và các cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry và Ngoại trưởng Cuba, Bruno Rodriguez Parrilla.

Phía Mỹ nhất quyết muốn Cuba trả tự do cho ông Gross, 65 tuổi, bị bắt tại Cuba vào năm 2009, trong khi Cuba muốn Mỹ giao trả 3 điệp viên trong nhóm 5 người, đang thụ án tại nhà tù Florida.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán đột nhiên bị ngưng lại do Nhà Trắng không muốn trao trả 3 điệp viên để đổi lấy ông Gross, với lý do rằng ông Gross không phải là đặc vụ Mỹ mà chỉ là một công dân Mỹ bị Cuba bắt. May mắn là vấn đề đã được giải quyết khi Mỹ đề xuất Cuba thả một điệp viên Mỹ cộm cán đang bị Cuba giam giữ để đổi lấy 3 điệp viên Cuba. Chính quyền Raul Castro đồng ý.

Quá trình điều đình được xúc tiến nhanh chóng và trong vòng bí mật vì lo ngại phản ứng từ dư luận có thể gây bất lợi cho cả hai phía, nhưng vấn đề khác lại nảy sinh.

Các quan chức Cuba muốn đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc khi đàm phán với Mỹ, chẳng hạn yêu cầu Mỹ chấm dứt chương trình tuyên truyền quyền dân chủ tại Cuba; đóng cửa căn cứ hải quân tại Vịnh Guantanamo; dỡ bỏ Cuba khỏi danh sách “thể chế ủng hộ khủng bố”. Trong khi đó, Nhà Trắng đối mặt với nhiều thách thức trong nước, bao gồm chính sách di trú, có thể đe dọa khả năng thực hiện đột phá về ngoại giao với Cuba.


Một chiếc ô tô Mỹ thời những năm 1950 chạy trên đường phố Havana ngày 19.12.2014, sau khi Mỹ và Cuba chính thức tái lập quan hệ ngoại giao đầy đủ. Do lệnh cấm vận của Mỹ kéo dài 53 năm nay, hầu hết ô tô Mỹ ở Cuba toàn là hàng cũ những năm 1950 trở về trước - Ảnh: AFP

Vào tháng 10.2014, các nhà đàm phán hai nước lại bí mật gặp gỡ tại Vatican cho phiên họp cuối cùng. Những người tham gia bao gồm Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh của Tòa thánh, và Hồng y Jaime Ortega - Tổng giám mục Havana, người thân cận với giáo hoàng Francis.

Giáo hoàng và các trợ tá một lần nữa thúc giục phía Cuba tập trung vào mục tiêu ban đầu là trao đổi tù nhân, cũng như viễn cảnh bình thường hóa quan hệ và mở rộng giao thương, du lịch, cũng như các cơ hội khác.

Thỏa thuận đã khép lại một cách trôi chảy. Ông Obama điện đàm với ông Castro trong suốt 45 phút ngày 16.12.2014, đánh dấu cuộc trao đổi mở rộng đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi cuộc cách mạng Cuba diễn ra vào năm 1959.

Vai trò bí mật của Giáo hoàng trong các cuộc hội đàm giữa Cuba - Mỹ rất quan trọng, vì với vị trí lãnh đạo tôn giáo nhận được sự tin tưởng của cả hai phía, ông có khả năng thuyết phục chính quyền Obama và Castro rằng đối phương thực sự muốn đàm phán và muốn có kết quả, theo đánh giá của giới phân tích.

Tụ Yên

>> Mỹ - Cuba lập lại quan hệ ngoại giao và 18 tháng đàm phán bí mật
>> Mỹ - Cuba trao đổi 5 tù nhân, chuẩn bị cải thiện quan hệ
>> Nga mở lại căn cứ trinh sát điện tử ở Cuba ?
>> Cựu Ngoại trưởng Clinton từng kêu gọi Tổng thống Mỹ bỏ cấm vận Cuba
>> Lãnh đạo Mỹ - Cuba bắt tay lịch sử tại lễ tưởng niệm Nelson Mandela
>> Lễ tưởng niệm Nelson Mandela mang lại cú bắt tay lịch sử Mỹ - Cuba
>> Nga xóa 29 tỉ USD nợ cho Cuba
>> Cuba kỷ niệm 60 năm sự kiện tấn công trại lính Moncada

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.