(Nhạc và lời: Vũ Trọng Hối)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên chiến trường miền Nam có một “binh chủng” hợp thành rất kỳ lạ mà hơn 30 năm kết thúc chiến tranh, ít người nhắc đến và cũng ít người biết đến.
|
Một thời oanh liệt
Những người trong “binh chủng” ấy cũng ít có điều kiện gặp nhau như các quân, binh chủng hoặc các cơ quan, đơn vị khác hồi thời chiến, bởi tính “đặc thù” nghề nghiệp của họ trong chiến tranh, phần đông họ không được “chuyển tiếp” một cách trọn vẹn vào thời bình như nhiều đơn vị khác sau ngày 30.4.1975... Đó là đội ngũ những giao liên viên chiến trường. Họ ít được tổ chức, phiên hiệu, quân số chặt chẽ như các binh trạm Trường Sơn hoặc các đơn vị chính quy, vì “tuổi thọ” giao liên trực tiếp ở chiến trường ngắn lắm. Họ là những chiến sĩ “dẫn đường” theo đúng nghĩa và đúng thực trạng chiến tranh nhân dân giải phóng, mà không có họ, dù từ cán bộ cao cấp, anh lính văn nghệ - báo chí đến cả lính trinh sát, đặc công hay bộ đội chính quy, cán bộ địa phương... đều khó lòng ra trận, không thể xuống vùng sâu - vùng xa, và ngược lại, khi trở về căn cứ, chuyển vùng...
Tôi thật sự xúc động khi nhận được tờ giấy mời, theo tinh thần là “đến chơi với anh em”, từ tay một đồng đội cũ hồi ở chiến trường Quảng Đà, có ghi mấy dòng đơn sơ, nội dung của một thời chưa xa, nhưng nay nghe chừng lạ hoắc: “Cuộc gặp mặt thân mật với anh chị em giao liên hợp pháp, bán hợp pháp, bất hợp pháp của chiến trường Quảng Đà và thân nhân liệt sĩ giao liên trong thời kỳ chống Mỹ...” (theo nghĩa tương đối: giao liên hợp pháp: sống công khai trong vùng địch làm liên lạc cho ta; giao liên bán hợp pháp: sống nửa công khai, nửa bí mật để làm giao liên cả vùng địch và vùng ta; giao liên bất hợp pháp: sống và hoạt động giao liên ở các vùng giải phóng và vùng tranh chấp giữa ta và địch). Nói đây là loại “binh chủng hợp thành” vì, theo tôi nghĩ, chỉ có chiến tranh nhân dân giải phóng miền Nam mới có. Đây là đội quân chỉ cần có lòng yêu nước, dũng cảm và căm thù giặc; không phân biệt tuổi tác, thành phần xã hội, giới tính, học vấn, nghề nghiệp, ngoại hình... với những yếu tố và phương thức hoạt động đa dạng, phù hợp, bất ngờ.
Dù hoạt động “đơn tuyến” hay “đa tuyến”, họ không chỉ là người “đưa - nhận thư” đặc biệt (biết ngụy trang, nghi trang, giả trang); mà còn phải biết “nghe thư - nói thư” (tiếp thu - truyền đạt nội dung, không được phép ghi chép hoặc dùng văn bản) từng đặc điểm tình hình, sự việc, mệnh lệnh với yêu cầu đến từng chi tiết nhất, nghiêm ngặt nhất; biết tổ chức đưa - đón cơ sở và cán bộ hoạt động bí mật ra - vào nội thành; biết tổ chức thu nhận tài liệu và cả vận chuyển vũ khí bí mật vào thành, mà phải biết đánh địch khi cần, để bảo vệ tài liệu, bảo vệ cán bộ... Họ nhiều lúc không chỉ là mạch máu, trái tim, mà có khi còn là cả thần kinh giữa chiến trường, vùng ven đô, trong nội thành... Đối với đội ngũ giao liên trực tiếp chiến trường thì càng đặc biệt hơn, đó là những người “lính - đường - dây” thực sự.
|
Canh cánh những nỗi niềm
Cuộc gặp mặt của anh chị em cựu giao liên còn sống sót thời chống Mỹ ở chiến trường Quảng Đà và chiến trường Quảng Nam, cùng thân nhân các liệt sĩ không chỉ đầy nước mắt mà còn có cả nụ cười. Bởi, sau hơn 30 năm chấm dứt chiến tranh, lần đầu tiên họ mới có một cuộc hội ngộ đông đến vậy. Và, cũng bởi trong chiến tranh khốc liệt trên chiến trường Quảng Đà, một thời, từng có câu truyền miệng: ai đã gặp một giao liên nào đó vài lần trên một cung đường hãy “chúc thọ” đồng chí mình còn may mắn... Tôi cũng không còn nhớ nhiều, bởi vì có quá nhiều người hy sinh, nhiều liệt sĩ giao liên có danh - vô danh đã nằm lại vĩnh viễn đâu đó trên khắp chiến trường, phần lớn là ở tuổi “mãi mãi mười tám - đôi mươi”…
Tôi cũng quá đỗi bùi ngùi bởi đội ngũ từng được coi là “hạt gạo trên sàng” mới ngày nào sau khi chấm dứt chiến tranh, tuổi còn hai mươi, ba mươi, nay vẫn mộc mạc chân chất, nhưng mái đầu giờ đã ngả bạc và có người đời sống hiện tại vẫn còn chật vật… Nhưng “không sao, còn sống gặp nhau là vui rồi!”. Đó cũng là câu nói cửa miệng của nhiều người lúc thăm hỏi nhau và rưng rưng nước mắt khi nhớ về đồng đội, bạn bè kẻ mất người còn, để cùng nhắc lại những kỷ niệm một thời trên chiến trường gian khó...
Trần Dũng vẫn gầy gò loắt choắt như xưa, chỉ khác là mái đầu nay đã muối nhiều hơn tiêu khi vào tuổi U.60, nhưng vẫn được nhiều người khen còn linh lợi lắm, không khác cái thời mang biệt danh “Dũng lì” của chiến trường vùng B Điện Bàn và khu Tây Duy Xuyên, con thoi nổi tiếng của đường dây Hòn Tàu - Xuyên Thanh - Kỳ Lam - Trảng Nhật… năm nào. Trần Dũng cũng từng là người “đẻ” ra chúng tôi (tôi và Trần Phú Quý, nguyên Phó chủ tịch Ngoại vụ Tổng Đoàn học sinh Đà Nẵng, Ủy viên BCH Đặc khu Đoàn Quảng Đà, hy sinh năm 1974 tại Mặt trận Quảng Đà) lần thứ hai khi một mình băng lũ trong đêm cứu sống mấy anh em Thành Đoàn trong trận vừa chống lũ vừa chống địch càn vượt sông La Thọ về Điện Tiến hồi cuối năm 1972. Sau khi “mất sức” với chiếc thẻ thương binh “có hạng”, Dũng lang bang với đủ thứ nghề: “phụ” xe khách, “chủ” xe ôm, thất nghiệp... và gần đây, “nhờ giải tỏa đền bù” mới từ trong hẻm sâu ra được mặt tiền với ít vốn lận lưng, mở quán bán thịt chó cũng đang ăn nên làm ra, cũng có con gái đầu đang học đại học...
Trần T.N.L - thường gọi là “Lan vũ nữ” - vốn là học sinh trung học, làm giao liên “hợp pháp” cho phong trào SV - HS Đà Nẵng những năm 1973 - 1975 (giữa Đặc khu Đoàn Quảng Đà và Tổng Đoàn học sinh Đà Nẵng), cùng thời nổi tiếng trong “vai phụ” là vũ nữ, từng ra vào nội thành Đà Nẵng như chốn không người, “vẽ” bản đồ bằng trí nhớ cực giỏi. Trần T.N.L cũng chính là người “lót ổ” cho mấy anh em Đặc khu Đoàn chúng tôi bí mật vào Đà Nẵng trước ngày 29.3.1975. Nhưng rồi sau chiến tranh, “lý lịch vũ nữ” cũng làm cô điêu đứng một thời, sau đó cũng về “hưu non” với một đứa con gái. Hôm gặp nhau ai cũng khen “cháu giống mẹ như xưa”, chỉ riêng L. cười trong nước mắt...
Gặp lại Nguyễn T.N, từng là giao liên bộ phận công tác thành phố của Đặc khu Đoàn Quảng Đà, tôi nhớ một buổi sáng ngày 26.3.1975, chính cô gái “bốc lửa” của vũ trường Phương Đông ngày nào đã đón và đưa tôi từ Phái Nhì, Điện Hòa, Điện Bàn đi “hợp pháp” vào Đà Nẵng chuẩn bị cho ngày giải phóng 29.3. May mắn hơn nhiều đồng đội cùng trang lứa một thời, Nguyễn T.N đã có chồng và có con cái nay đã trưởng thành...
Trong khi đó, ông Trần Trương cho tôi xem tấm ảnh gian bàn thờ ông tự lập trong nhà riêng hơn 10 năm nay với bài vị 37 liệt sĩ giao liên trong đơn vị qua các thời kỳ ông từng phụ trách. Theo ông, cũng gọi là “để nhớ và có nơi hương khói cho anh chị em...”. Ông cũng chọn ngày giải phóng Đà Nẵng 29.3 hằng năm làm ngày “giỗ hội” cho các đồng chí, bởi nhiều liệt sĩ, đến hôm nay không còn ai nhớ ngày hy sinh, vì nhiều người cùng thời đã mất; nhiều người mất xác không tìm được hài cốt, không người thờ tự...
Lê Đức Hùng
Bình luận (0)